• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngắm hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Văn hoá 18/01/2022 19:20

(Tổ Quốc) - Sáng 18/1, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc đã khai mạc Trưng bày chuyên đề Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã tới dự và cắt băng khai mạc Trưng bày.

Nhân dịp chào đón xuân mới Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Với trên 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu tới công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc, trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, giúp công chúng hiểu sâu sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa của linh vật hổ, sự phát triển hình tượng hổ trong mỹ thuật Việt Nam và phần nào đó, lý giải tại sao hổ đã trở thành một trong những linh vật quan trọng và góp mặt trong 12 con giáp (Thập nhị chi).

Ngắm hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày

Trong tâm thức dân gian, hổ là loài vật biểu tượng cho quyền lực, có sức mạnh chinh phục muôn loài, là chúa tể sơn lâm. Bởi vậy, hổ được linh thiêng hóa, trở thành biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh.

Hình tượng hổ xuất hiện khá sớm trong đời sống con người với những thông tin qua hình khắc trên đá phiến thuộc lớp trên, di tích hang Xóm Trại, văn hóa Hòa Bình, khoảng 7.000 - 8000 năm trước. Hình tượng hổ được sùng bái, đã trở thành vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử, đến nay vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc với quan niệm kính sợ, tôn thờ về sức mạnh và sự oai linh.

Ngắm hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam - Ảnh 2.

Hình tượng hổ trong một tác phẩm điêu khắc cổ

Cách ngày nay trên 2.000 năm, hình tượng hổ đã xuất hiện trên đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Ở đó, ta thấy, hình tượng hổ trên qua đồng, hay hình tượng hổ kết hợp với rắn, với voi trên cán dao găm ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An). Đặc biệt nhất là hình tượng hổ tạo dạng 4 khối tượng tròn, trong tư thế cắp mồi sinh động trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ).

Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện thường xuyên, mặc dù, có phần hiếm hoi hơn, so với các linh vật như long, lân, qui, phượng... với khá nhiều biến thể đa dạng, phong phú, trên các loại hình và chất liệu khác nhau, từ tượng thờ, vật dụng trang trí, tranh thờ dân gian, phản ánh sinh động, mang nhiều ý nghĩa, gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian.

Ngắm hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam - Ảnh 3.

Hổ là linh thú trấn giữ tam quan các đền, miếu hay đứng bên trục thần đạo trong lăng mộ. Nhiều đền, miếu còn có riêng ban thờ Ông Hổ, hơn nữa, ở miền Nam, người dân còn lập đền thờ Ông Hổ (với ý nghĩa giống như thờ Cá Ông). Hình tượng hổ được tạc, chầu trên các hương án thờ; trong điện thờ Mẫu, với các màu sắc tượng trưng cho Ngũ Hành, trấn giữ các phương. Cùng ý nghĩa, đó ta còn bắt gặp Ngũ hổ trên tranh Hàng Trống, đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến, Xuân về. Có thể nói, trong suốt tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc, hình tượng hổ đã đồng hành, tạo nên những nét đặc sắc, với phức cảm thẩm mỹ đa dạng của mỹ thuật Việt Nam.

Hình tượng hổ trong các hiện vật cổ

Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” đón khách đến ngày 31/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội), giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ