"Phía gió sương" tên của một tập thơ như thế là một cái tên thật là nhiều cảm xúc và ấn tượng, nó hổi hổi một cái gì ấy vừa thăm thẳm mà lại vừa man mác và trong cái nỗi man mác đến thăm thẳm này lại cảm thấy thật là rõ một vị đằm đặm buồn, nỗi buồn không thể nào hình dung được cho tận.
"Phía gió sương" tên của một tập thơ như thế là một cái tên thật là nhiều cảm xúc và ấn tượng, nó hổi hổi một cái gì ấy vừa thăm thẳm mà lại vừa man mác và trong cái nỗi man mác đến thăm thẳm này lại cảm thấy thật là rõ một vị đằm đặm buồn, nỗi buồn không thể nào hình dung được cho tận.
Thật ra, khi vui, người ta có thể tường tận, nhưng khi buồn lại khó có thể hiểu được cho thấu. Bài thơ Đồng sương đã nói hộ cho ta điều trên đây: Chiều sương sa trắng đồng/ lại bùi ngùi thương mẹ/ dẫu biết đời dâu bể/ có hợp rồi có tan/ nhưng từ ngày vắng mẹ/ ngỡ bóng quê không còn/ sân thềm ngầu rêu trơn/ vắng tay người dọn quét/ bếp lạnh tơ nhện giăng/ giàn trầu khô cau lép/ lũ chào mào biệt tích/ duối rụng vàng cầu ao/ lặng mơ hình bóng mẹ...Vậy Vương Tùng Cương lặng mơ về hình bóng mẹ là những gì nhỉ? Con người ta ấy mà hễ mơ đến ai, thường hết sức cụ thể sinh động và ba câu sau cùng của khổ cuối thế này thì quả thật là đáng khen lắm: gập lưng nón chấm bùn/ dảnh mạ gày tháng chạp/ cấy buốt mùa gió sương. Thật quả, tác giả phải lòng dạ thế nào với miền quê của anh, anh mới có thể có một câu thơ không chỉ là hay, mà rất sinh động xúc cảm, cụ thể và chân tình một cách lạ gập lưng nón chấm bùn... phải là cái người tư làng quê mà lớn lên và suốt một cuộc đời của người ấy đã yêu quê đến tận đáy lòng mới có được một câu thơ như vậy.
Tôi chọn bài Đồng sương để nói đầu tiên trong tập thơ chỉ có 37 bài thơ, cả tập là 79 trang. Với số bài như vậy và số trang có thế, đương nhiên mới nhìn đến thì cảm thấy không thể làm nên một tập thơ dày dặn, dẫu là dày dặn với nghĩa nào. Thế nhưng, khi đọc từng bài, từng bài một của 37 bài, mới thấy thật là đáng quý và đáng trân trọng. Bởi một điều lớn lao, đó là người đọc được hưởng thật là viên mãn với cả một miền quê, một chất quê thuần phác, mà lại đậm đà, sâu nặng và vô cùng thân thiết, đến cái nỗi như vô thức, tất cả những điều hiếm có đó đã dần lây sang, thấm sang lòng người đọc. Đến cái nỗi khi đọc xong, gấp tập thơ lại thì những gì vừa có ở trong lòng người đọc cứ còn mãi, cứ ngân rung mãi, bởi những cảm xúc ta vừa được lĩnh hội đó lại cũng đang đánh thức dần và làm sống lại dần, tỏ dần một miền quê của riêng trong cuộc đời của người đọc, mà tự bao giờ tới giờ vẫn y nguyên đấy, vẫn tồn giữ y nguyên thêm một lần nữa gắn bó với những miền quê, làng quê, chốn quê nguồn cội của bất cứ là ai.
Đường tuổi thơ chợ Nếnh/ nắng lẽo đẽo theo bà/ tất cả mồ hôi bà gồng gánh/ tôi chạy gằn níu chặt giảnh quang/ hàng tằm tang bà tôi bày bán/ vài mớ củi dâu mấy tấm lụa sồi/ thốc thới áo khăn tay bà quạt nón/ tiu nghỉu tôi ngồi bà dỗ dành tôi. Và, tác giả chỉ dùng có tám câu thôi mà thấy hết được hồn vía của một cái chợ quê: chợ la liệt dãy hàng quà bánh/ kẹo bột, chè kê, bỏng nếp phập phồng/ múa tay ông già tò he xanh đỏ/ mà bà tôi hàng bán chửa xong/ trưa đứng bóng bà quáng quàng xếp gánh/ vội kéo tôi sang thưởng bát bún riêu đầy/ chiếc bánh đa đội đầu che nắng/ dọc đường về chân sáo hồn bay... Ngay cả bây giờ, hễ ngẫu nhiên tôi đến một làng quê nào, tôi cũng tìm đến chợ những chợ quê, và thể nào tôi cũng hay gặp một ông già ngồi trước một hộp gỗ nhỏ, và hai tay nhoay nhoáy nặn những con rối trên đầu một chiếc que nhỏ bằng chiếc đũa chẻ tư và dài cũng vậy, nguyên liệu nặn là bột nếp nhuộm phẩm xanh đỏ, - loại phẩm lành, để cho trẻ con mua về chơi chán thì bẻ ra ăn. Người ta gọi ấy là nặn tò he, một cái tên nghe rất xa xưa, những người am hiểu dân tộc học có nói rằng ngày xưa chúng ta có hẳn một dòng văn hoá, ấy là văn hoá tò he. Còn bây giờ, cái chợ Nếnh thế nào nhỉ: vẫn năm ngày hai phiên chợ Nếnh/ hàng quán xênh xang phố xã khác xưa rồi/ nườm nượp người chen mà hồn mình chống chếnh/ đâu chợ Nếnh của bà, của tuổi thơ tôi. Nếnh là chữ gọi chệch của Nánh, dành để nói về những người gánh gặp phải một gánh bên vơi bên đầy, thế nên người gánh phải nhích vai qua bên đầy để gánh cho đi cân mới đi được.
Làng quê của Vương Tùng Cương, luôn đậm đà cảnh sắc của mùa màng. Và mỗi khi nói tới mùa gặt ở quê làng, bao giờ trong mỗi bài thơ ấy, cũng đầy ắp các chi tiết hết sức cụ thể và hết sức thú vị, đến nỗi lúc đọc đến những câu thơ tả các chi tiết ấy, tức khắc nó gây xúc động ngay: Tuổi thơ tôi ngày mùa/ bát cơm đỏ tôm riu/ bưng rong ngoài ngõ nắng/ ngóng mẹ trưa xế bóng/ gặt quá chiều đồng xa/ quà ruộng mẹ mang về/ cả lận lưng muồm muỗm/ lấm láp chùm cà cuống/ khói thơm lừng bếp gio/ lúa đập vơi trăng khuya/ thóc vung ngàn sao vãi/ cối đá mòn vẹt trong/ thủơ ông bà để lại/ rạ rơm lèn chật lối/ giấc sâu không trở mình/ bữa cơm đèn nhậm nhuội/ ngày tháng mười qua nhanh/ giờ xao xác chân mình/ bước lá vàng thành thị/ những mùa quê thương nhớ/ vời vợi xa sái lòng...
Thế rồi cái làng quê ấy của Vương Tùng Cương đâu chỉ có thóc lúa gặt trong ngày mùa vụ, đâu chỉ có Phía gió sương, một bài thơ nữa, theo ý tôi cũng là một bài thơ hay đến cảm động, bởi ở đây ta thấy nỗi thương cảm và ngẫm ngợi thật đáng trân trọng của tác giả: Giờ cuối tháng chạp rồi/ rau xanh rờn gió bấc/ rau đỗ đầy bến nước/ rau giăng hàng chợ phiên/ sà sã đôi vai em/ bàn chân trần nẻ miếng/ gánh cả ngày gió sương/ rét lùa manh áo mỏng/ bàn tay em vun nắng/ cải lên ngồng đơm hoa/ chắt chiu từng hạt giống/ mùa rau xanh đồng nhà... Nếu chỉ dừng lại ở đây thôi cũng là được rồi, và cái được nhất là ta cảm xúc với từng câu từng lời của thơ. Nhưng rồi không chỉ có vậy, khi ta đọc vào khổ cuối của bài thơ Giá rượu bia thì đắt/ rau rẻ đến ngậm ngùi/ nghe phố phường sắm tết/ thương nhớ quá đồng quê tôi. Tác giả đã nói đến tận cùng của điều rất đáng nói: rau rẻ đến ngậm ngùi... để rồi anh dành cho người đọc trong lòng có thêm những ngậm ngùi khác, khó mà nói được cho tận.
Phía gió sương là tập thơ của làng quê đấy ắp những chi tiết thật sinh động và thật là đáng nhớ. Hơn thế, khi ta đọc sâu dần vào giữa tập thơ, ta lại gặp một làng quê khác, làng quê của miền trung du rất đáng nhớ và đáng yêu, và càng đáng nhớ và đáng yêu hơn khi được tác giả miêu tả làm cho mỗi trang thơ thêm đặc sắc trong ý và đặc sắc ngoài lời. Một điều khá thú vị nữa là trong toàn thể lối miêu tả bằng âm điệu của thơ, lời của thơ, thảy đi từ trong niềm kỷ niệm mà đi ra, hiện ra, đã khiến cho khi ý và tứ thơ hiện lên thì lời thơ chìm đi, khi lời thơ hiện ra thì ý thơ và tứ thơ chìm đi, nó thay nhau mờ chồng trong toàn cục của một bài thơ. Phải chăng, đấy là một cảm thức rất đúng với những gì của đất trung du, đồi trập trùng đồi, ruộng bậc thang trầm trùng lẫn với những giải dọc dài ven rừng thưa, một thứ rừng chỉ có ở miền trung du.
Những bài thơ Nhã
Phía gió sương một tập thơ gần như dành để nói về quê làng, về trung du, về nơi mà nếu có ai quên thời sẽ không thể thành người tử tế. Vậy là nhà thơ Vương Tùng Cương đã góp được cho đời cái phần đẹp nhất, quý giá nhất rồi đấy.
(Văn nghệ)