• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngăn chặn "đường lưỡi bò" phi pháp: Chống việc tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia

Văn hoá 19/07/2023 08:55

(Tổ Quốc) - Câu chuyện Trung Quốc đưa bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp vào các sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông… không phải mới. Kể từ hơn chục năm trước, Việt Nam phát hiện hàng loạt vụ sách báo, truyện thiếu nhi, sách giáo khoa, quả địa cầu, trò chơi điện tử, các ấn phẩm du lịch, quần áo… có in bản đồ "đường lưỡi bò". Đặc biệt gần đây, với các ấn phẩm điện ảnh, Trung Quốc ngày càng cài cắm tinh vi hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp với tần suất ngày càng cao nhằm thay đổi nhận thức về Biển Đông.

Cài cắm tinh vi trong các sản phẩm điện ảnh

Phim điện ảnh Barbie và phim truyền hình Hướng gió mà đi là hai tác phẩm gần nhất bị cơ quan chức năng dừng phát hành. Điều đáng nói, sự xuất hiện của hình ảnh "đường lưỡi bò" trong mỗi bộ phim cho thấy sự cài cắm rất tinh vi. Đơn cử, trong Hướng gió mà đi trên nền tảng Netflix, cảnh phim xuất hiện trong nhiều tập phim, thậm chí còn có cảnh kèm lời thoại ngang ngược: "Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới".

Ngăn chặn "đường lưỡi bò" phi pháp: Chống lại việc tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia - Ảnh 1.

Hình ảnh từ trailer chính thức của phim Barbie

Dù nhà phát hành đã biết bộ phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" nhưng vẫn chiếu, chỉ xử lý làm mờ hoặc cắt bỏ hình ảnh. Trước đó chỉ vài tuần, bộ phim Mỹ Barbie cũng bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp lặp lại nhiều lần.

Tại cuộc họp Giao ban 6 tháng đầu năm 2023 giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL với các Hội VHNT Trung ương, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ: Gần đây, Cục liên tiếp ban hành những "lệnh cấm", yêu cầu gỡ phim trên các nền tảng trực tuyến vì hình ảnh "đường lưỡi bò", đây là áp lực lớn với chúng tôi khi số lượng phim cần thẩm định trước khi chiếu rạp và đặc biệt là phim trên không gian mạng quá nhiều, đến mức không đếm xuể.

"Ngày càng nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, nhất là phim ảnh bị cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý về điện ảnh, Hội đồng thẩm định và Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng ngày càng nặng nề…", ông Vi Kiến Thành cho biết.

Ngược thời gian, có thể thấy việc cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp đã được Trung Quốc thực hiện từ chục năm qua. Nhiều bộ phim đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn. Năm 2022, cơ quan chức năng Việt Nam đã cấm chiếu bộ phim Uncharted (Thợ săn cổ vật) có Tom Holland thủ vai.

Năm 2021, bộ phim Em là thành trì doanh lũy của anh trong tập 15 cũng có cảnh bản đồ Trung Quốc với "đường lưỡi bò" phi pháp. Bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) là phim chiếu mạng của Trung Quốc năm 2019, trong phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp.

Cũng năm 2019, phim Everest: Người tuyết bé nhỏ từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng và buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn một tuần ra rạp.

Ngăn chặn "đường lưỡi bò" phi pháp: Chống lại việc tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia - Ảnh 2.

Ngăn chặn "đường lưỡi bò" phi pháp: Chống lại việc tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia - Ảnh 3.

Trung Quốc cài cắm tinh vi các hình ảnh về "đường lưỡi bò"

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) trong văn bản gửi Netflix đã yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam.

Tháng 3/2018, phim Trung Quốc Điệp vụ biển đỏ cũng bị rút khỏi rạp Việt do tranh cãi về hai phút cuối phim. Hai phút phim này bị cho là hoàn toàn không ăn nhập với nội dung phim nhưng lại được cài cắm hình ảnh phi pháp một cách vô lý. Cũng năm 2018, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện Pine Gap - series phim đề tài gián điệp do Australia sản xuất, chiếu trên Netflix từ năm 2018 có các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cục này sau đó đã ra văn bản yêu cầu đơn vị phát hành gỡ bỏ phim.

Tháng 6/2015, Trung Quốc phát hành "Đạo mộ bút ký" với sự xuất hiện của nhiều diễn viên nổi tiếng. Bộ phim có phần mô tả cuộc khai quật một cổ mộ của một công trình sư đời Minh đặt ở nơi mà Trung Quốc gọi là "Tây Sa" (thực tế là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), gần đảo Vĩnh Hưng (thực tế là đảo Phú Lâm của Việt Nam). Việc này không nằm ngoài mục đích muốn người xem (nhất là giới trẻ) tin rằng Trung Quốc có chủ quyền lâu đời tại Hoàng Sa.

Theo Luật Điện ảnh năm 2022, việc phát hành phim trên không gian mạng, nền tảng mạng xã hội được thực hiện theo hình thức hậu kiểm. Trường hợp nhà quản lý kiểm tra, nếu phát hiện sai sót vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh, bộ phim sẽ bị xử lý theo quy định. Nhằm góp phần phát hiện những sai phạm, Cục Điện ảnh thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, Tổ công tác chia hai ca sáng, chiều để kiểm tra. Tuy nhiên, bởi số lượng phim phát hành trên không gian mạng quá lớn nên có thể nói là không xuể.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho rằng, ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim có cài cắm một cách tinh vi những hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Việc đưa những thông tin sai lệch cài cắm, lan truyền thông qua các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là những bộ phim điện ảnh, truyền hình rất nguy hại. Trong đó, ngày càng có nhiều phim hoạt hình bị cài cắm với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Kiên quyết bác bỏ

Câu chuyện Trung Quốc đưa "đường lưỡi bò" vào các sản phẩm văn hóa, điện ảnh, giải trí… không chỉ nóng ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước như Nhật Bản, Philippines, thậm chí ở nhiều nước phương Tây. Trung Quốc kết hợp chiến tranh pháp lý với chiến tranh tuyên truyền rất tinh vi, nhất là qua sách báo, phim ảnh. Đưa "đường lưỡi bò" vào các ấn phẩm tưởng chừng "phi chính trị" nhưng thực chất đó là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thuyết phục công chúng trong nước và thế giới tin vào sự tồn tại của đường lưỡi bò phi pháp này.

Ngăn chặn "đường lưỡi bò" phi pháp: Chống lại việc tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia - Ảnh 4.

PGS,TS Bùi Hoài Sơn: Các bộ phim nước ngoài hay sản phẩm văn hóa, du lịch, ứng dụng công nghệ, sách... có bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là việc làm không tôn trọng dân tộc, văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thời gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước, an ninh văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các bộ phim nước ngoài hay sản phẩm văn hóa, du lịch, ứng dụng công nghệ, sách... có bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là việc làm không tôn trọng dân tộc, văn hóa truyền thống của Việt Nam, đồng thời gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước, an ninh văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, ngoài Việt Nam, nhiều nước có liên quan cũng đều lên tiếng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ vấn đề này. "An ninh văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, nghệ thuật. Xu hướng thể hiện bản đồ "đường lưỡi bò" trên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, ứng dụng công nghệ... thực sự rất nguy hiểm"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Đồng thời, theo ông Bùi Hoài Sơn, với những vi phạm này, nếu không bị ngăn chặn, dỡ bỏ ngay từ đầu sẽ tạo ra những tiền lệ về sau, trở thành một bằng chứng xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất là triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh (sửa đổi), ở đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng.

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan văn hóa và truyền thông ở các địa phương, cần nắm vững vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến chính trị nói chung và chủ quyền quốc gia nói riêng. Cần tập trung và tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác này một cách hiệu quả.

Thứ ba, là tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cùng nhau làm việc để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm.

Thứ tư là tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa. Cần tăng cường việc tạo ra một môi trường tác động tích cực từ cộng đồng.

Thứ năm là tăng cường nhận thức và giáo dục cho công chúng: Để ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm, cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa. Một công chúng có nhận thức cao sẽ đưa ra những quyết định chính xác và có ý thức khi tiếp xúc với sản phẩm văn hóa không phù hợp./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ