• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngăn chặn nguy cơ tai nạn nhưng những ma men vẫn chống đối công an, coi thường tính mạng bản thân và cộng đồng

Pháp luật 14/05/2019 07:45

(Tổ Quốc) - Việc lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn các lái xe vượt quá với thái độ chống đối, thiếu hợp tác thể hiện sự coi thường an toàn giao thông cũng như tính mạng bản thân và cộng đồng.

Nhiều trường hợp chống đối

Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cướp đi tính mạng của những người vô tội vì ma men cầm lái, tại TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lực lượng công an đã chốt chặn hoặc vào các tuyến đường liên tỉnh kiểm tra nồng độ cồn và ma túy lái xe. Đây là việc làm cần thiết, nhưng tiếc thay lại bị chính những ma men chống đối, thiếu hợp tác.

Tối ngày 11/5, khi đang chốt chặn trên xa lộ Hà Nội, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một ô tô tô BKS 51F… đang lưu thông có dấu hiệu bất thường, phương tiện "loạng choạng" nên CSGT ra tín hiệu dừng để kiểm tra. Kết quả kiểm tra xác định tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nên CSGT đã lập biên bản vi phạm và thông báo tạm giữ phương tiện theo quy định. Tuy nhiên, tài xế và những người ngồi trên ô tô nồng nặc mùi rượu bia đã lớn tiếng ngăn cản, không cho CSGT tạm giữ phương tiện. Tài xế còn "hù" rằng trong xe có nhiều tiền và tài sản quý giá, nếu CSGT "đụng" vào sẽ không để yên.

Ngăn chặn nguy cơ tai nạn nhưng những ma men vẫn chống đối công an, coi thường tính mạng bản thân và cộng đồng  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng dán niêm phong xe tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép

Không những thế, theo ghi nhận, chỉ trong hơn nửa giờ kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có nhiều người điều khiển xe máy.

Còn trước đó, tại Hà Nội vào ngày 9/5 thông tin từ phòng CSGT, Đội CSGT số 14, phát hiện hai người đi cùng một xe máy có dấu hiệu say xỉn, tổ công tác đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Lái xe đã nhanh chóng dừng xe và chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên đang thực hiện nhiệm vụ thì người bạn tên đi cùng lái xe đã đến ngăn cản, không cho kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Không những vậy, đối tượng còn lớn tiếng lăng mạ, xúc phạm tổ công tác, đạp đổ xe máy công vụ và túm cổ áo một chiến sĩ.

Cũng tại Hà Nội, liên ngành Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông TP Hà Nội bất ngờ vào các bến xe và tuyến đường liên tỉnh kiểm tra nồng độ cồn và ma túy lái xe khách, xe tải. Đáng chú ý, trong đó còn có cả trường hợp ăn vạ khi máy đo xác định hơi thở có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép, nhưng một lái xe ô tô vẫn cố ôm quả mít nặng gần chục cân chứng minh với cảnh sát là do mình... ăn mít chứ không phải uống rượu.

Báo động về văn hóa giao thông của một bộ phận

Thực tế, việc kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe đã được thực hiện trước đó. Các đợt cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng đã được tiến hành. Tuy nhiên tình trạng các lái xe sử dụng rượu bia vẫn tiếp tục gia tăng. Tại hội nghị trực tuyến về trật tự an toàn giao thông quý I tổ chức ở Hà Nội, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhấn mạnh, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về ma túy ngày càng tăng cao, gây mất trật tự an toàn giao thông và là nguy cơ xảy ra tai nạn.

Việc lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn các lái xe vượt quá với thái độ chống đối, thiếu hợp tác thể hiện sự coi thường an toàn giao thông cũng như tính mạng bản thân và cộng đồng.

Ngăn chặn nguy cơ tai nạn nhưng những ma men vẫn chống đối công an, coi thường tính mạng bản thân và cộng đồng  - Ảnh 2.

Những khẩu hiệu ý nghĩa được cộng đồng lan truyền

Với những người uống rượu bia quá mức vẫn ngoan cố lái xe, tham gia giao thông đã sai, nhưng việc họ bị công an giữ lại, không cho tiếp tục điều khiển xe để giữ an toàn cho chính bản thân và người tham gia giao thông lại có ý chống đối, không hợp tác là tiếp tục sai. Đó là một sự thách thức với pháp luật. Hoặc là trong nhận thức họ vẫn chưa thấy hành vi của mình là sai thì rất dễ có nguy cơ sẽ tiếp tục lặp lại hành vi đó.

Việc người đi cùng đánh CSGT để giải cứu bạn nhậu bị kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ là không thể chấp nhận. Điều này thể hiện văn hóa ứng xử kém cùng với bản chất hung hãn, côn đồ của một bộ phận người tham gia giao thông. Họ sẵn sàng uy hiếp, xúc phạm người khác dù người đó không làm hại đến mình, thậm chí còn ngăn chặn, cảnh báo những nguy cơ sẽ xảy ra nếu tiếp tục lái xe khi say rượu. Nếu như các hành vi ứng xử kém như này còn tồn tại thì vô hình chung những ứng xử đẹp trong cộng đồng sẽ có thể bị mai một, thui chột. Đặt giả thiết, nếu không phải lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì liệu người dân có dám lên tiếng, ngăn chặn những người say rượu lái xe với biểu hiện rõ rệt, hay họ sẽ im lặng, né tránh để không phải chuốc những phiền phức vào bản thân?.

Việc cảnh báo, ngăn chặn trong giao thông là cần thiết, nhất là đối với người tham gia giao thông uống rượu say, bởi đã nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi không có sự ngăn chặn. Tuy nhiên, việc tài xế say rượu bị giữ lại, không được tiếp tục tham gia giao thông thay vì cảm ơn, thấy đó là may mắn thì lại thiếu hợp tác, chống đối, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ đã bộc lộ rõ văn hóa giao thông xuống cấp đã ăn sâu, tồn tại trong một bộ phận.

Cùng với việc cộng đồng mạng kêu gọi "Không lái xe khi uống rượu bia", "Đã uống rượu bia không lái xe", hay "Say xỉn lái xe là tội ác", và gần 8.000 nghìn người đi bộ ở Hồ Gươm để tuần hành kêu gọi nói không với rượu bia khi lái xe đã cho thấy sự ủng hộ và chuyển biến trong nhận thức của người dân về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông.

Để xây dựng văn hóa giao thông, ý thức khi tham gia giao thông với những khẩu hiệu tốt đẹp có thể lúc đầu sẽ khó tránh khỏi những khó khăn. Nhưng để nắn những hành vi đó theo chuẩn và tạo thành thói quen giao thông ngoài sự kiên trì, kiên quyết, xử phạt thích đáng cũng cần có sự ủng hộ, chung tay của cộng đồng và tự thân mỗi người.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ