• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngày 20/10 với phụ nữ nông thôn

Thời sự 19/10/2009 22:22

(Toquoc)–Khác với phụ nữ ở thành phố, không nhiều phụ nữ thôn quê biết được 20/10 là ngày gì?


(Toquoc) – Khác với phụ nữ ở thành phố, không nhiều phụ nữ thôn quê biết được 20/10 là ngày truyền thống của giới mình. Với số ít người biết thì đây cũng là một ngày bình thường như bao ngày khác.

20/10 là ngày gì?

Câu trả lời “không biết” được nhiều phụ nữ nông thôn đưa ra chứ không giêng gì chị Ngô Thị Lâm, xã Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định.

Thậm chí, khi được giải thích đó là ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam thì chị Lâm tỏ ra ngạc nhiên: “tôi tưởng ngày phụ nữ là ngày 8/3 rồi?”.

Chị không biết. Chồng chị không biết. Ngày 20/10 năm nào cũng như năm nào, chị vẫn đầu tắt mặt tối với hai con lợn nái, bầy gà, bảy sào ruộng, hai đứa con và lúc rảnh thì lên cái quán sửa xe đạp bé xíu, phụ chồng làm vài việc vặt nếu có.

“Cũng quen vất vả như thế rồi, có ngày 20/10, 8/3 hay không thì phụ nữ quê tôi vẫn thế” – chị Lâm nói.

Thu nhập của gia đình từ bầy gà, lợn và cái quán cóc không đủ để nuôi hai con ăn học, anh chị Lâm còn phải vay chỗ nọ, trả chỗ kia, cuộc sống vật chất không lấy gì làm dư dả nên đời sống tinh thần cũng chẳng mấy khi được để ý đến.

Chị Lâm kể  lại, “hồi 8/3 năm nay, cô con gái về bảo bố, hôm nay lớp con tặng hoa cô giáo đấy, bố  tặng mẹ gì không ạ? Chồng tôi “phang” luôn, rách việc. Thế là mấy mẹ con im thít”.

Trong khi đó, hỏi chuyện chồng chị Lâm, anh cho hay, chưa từng nghĩ tới những ngày này và cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ tặng quà cho vợ trong những ngày đó. Chỉ vì thấy “kỳ kỳ” nếu “mua hoa tặng vợ ngày đó, hàng xóm mà biết thì ngại lắm. Họ lại dè bỉu, ăn còn chưa đủ, hình thức làm gì”.

Với những người phụ nữ này, 20/10 vẫn như bao ngày khác (Ảnh: D.Nguyên)

Suy nghĩ này của anh cũng giống với nhiều người đàn ông ở các vùng quê khác. Với họ, quan trọng là việc kiếm sao cho ra đồng tiền để con cái ăn học, đình đám, mưu sinh nhiều hơn là quan tâm tới những việc mang tính hình thức kia.

Cô Nguyễn Thị Thúy cũng cùng xã với chị Lâm, có thâm niên bán rau ở chợ huyện mấy năm nay cho hay, cũng có biết về ngày này nhờ… thông tin từ mấy người bán hoa tươi cùng chợ. “Ở chợ thị trấn này, người ta cũng chỉ bán hoa cho mấy cơ quan huyện, trường học chứ con tôi mà mua hoa tặng tôi chắc tôi cũng quát nó, lãng phí quá” – cô Thúy thật thà nói.

Mỗi ngày xe rau của cô lãi khoảng 30.000 đồng, một bó hoa đã 15.000-20.000 đồng bạc thì quả thật không thể không tiếc. Cô Thúy cho hay, “thấy ti vi nói ở các thành phố hoa đắt những vài trăm ngàn một bó tôi cứ thấy xót hết cả ruột. Số đó bằng tôi chạy chợ cả tháng trời, hoặc chí ít cũng được vài chục cân gạo”.

Những niềm vui giản dị

Không rộn ràng các banner quảng cáo hàng giảm giá, hay quà tặng tại các thành phố lớn, không có những bó hoa đẹp đẽ, lung linh màu sắc, không lương thưởng dịp 20/10 nhưng dù sao kinh tế cũng như trình độ dân trí của người dân nông thôn những năm gần đây cũng đã nhỉnh hơn chút đỉnh. Do vậy, ngày 8/3 hay 20/10 của nhiều chị em đã “sôi động” hơn chút, bớt đi cảm giác tủi.

Như năm nay, 8/3, các chị em phụ nữ xã Xuân Tân được hội trích tặng mỗi người… 10.000 đồng. Bà Trịnh Thị Loan, cùng xã với chị Lâm cho hay, ngày 20/10 thì chưa có hoạt động gì cả nhưng ngày 8/3, phụ nữ xóm bà lại góp tiền vào cùng nấu ăn với nhau một bữa cỗ.

Đây cũng là một dịp để hàn huyên bao câu chuyện, kinh nghiệm trồng rau, nuôi gà, tìm cây giống mới, bệnh tình của người hàng xóm hay đơn giản là chuyện về con chó mới đẻ vài con...

“Cũng là một dịp phụ nữ… tự tôn vinh nhau, chúng tôi tính toán rất là chu đáo nên khi về nhà, mỗi người vẫn còn một gói thịt mang phần về cho con trẻ ở nhà” – bà Loan cho hay và cho biết thêm, mình được vui vẻ với các chị em một bữa cỗ nhưng vẫn không quên mọi người ở nhà, chia sẻ niềm vui cùng nhau.

Với chị Lâm, cô con gái học lớp 9 năm nay đã nói với phóng viên rằng, ngày 20/10, em sẽ “tặng” mẹ bằng cách: chiều không phải đi học thêm, em sẽ về dọn dẹp nhà cửa, ra con sông trước nhà lấy thêm rổ bèo cho con lợn nái đang nằm ổ và tắm cho cậu em trai giúp mẹ.

Còn cô Thúy thì mong mỏi, ước gì ngày 20/10, sau buổi chạy chợ về tới nhà thì mọi thứ đã tươm tất: nhà cửa gọn gàng, bọn trẻ con đã ngoan ngoãn ngồi học hành, cô không phải khản cổ nhắc nhở, cơm nước đã được nấu sẵn và một bữa tối đầm ấm với ông chồng không say xỉn.

Với phụ nữ  thôn quê, 20/10, hay bất kể ngày lễ lạt nào trong năm, họ vẫn cứ cần mẫn làm lụng, không thụ hưởng, không yêu cầu được sự quan tâm và hài lòng với những hạnh phúc giản dị.

“Tôi cũng chả cần hoa quà gì cho to tát, ngày nào xe rau cũng bán đắt khách, nhà cửa bình yên thì đã là điều may cho tôi lắm rồi” – cô Thúy nói./.

Gia Bảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ