• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghê- Gã linh vật bên rìa đã đi vào đời sống

Văn hoá 20/12/2017 08:14

(Tổ Quốc) - Với mong muốn người Việt sẽ hiểu hơn về các linh vật Việt truyền thống, cuốn sách “Phác họa Nghê- Gã linh vât bên rìa” đã được giới thiệu đến công chúng.

Ngày 19/12, tại Hà Nội, nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long đã tổ lễ ra mắt cuốn sáchPhác họa Nghê- gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê)” (NXB Thế giới ấn hành). Cuốn sách là những phác họa cụ thể về con Nghê Việt, giúp công chúng hiểu hơn về linh vật truyền thống Việt- một hoạt động thiết thực hưởng ứng Sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao giá trị cuốn sách

 

Cuốn sách bắt đầu từ những con nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê ở cố đô Hoa Lư, sau đó mở rộng tầm nhìn đến các vùng miền khác. Nghê có mặt ở đền miếu, lăng tẩm, đình chùa, từ thường dân cho đến cả chốn hoàng cung. Cuốn sách chỉ có đôi lời bàn luận, dẫn giải còn phần lớn là cung cấp những tư liệu hình ảnh, những bản đạc họa, sơ đồ. Sách dày 332 trang với 554 hình và ảnh tư liệu, trình bày đẹp mắt, các biện luận chú giải ngắn gọn, dễ hiểu. Sách đã công phu sưu tầm hình tượng nghê từ thời Lý đến thời Nguyễn, kể từ Bắc chí Nam; ngoài ra còn bước đầu so sánh với một số linh vật của các nước trong khu vực. Đây là công trình nghiên cứu của TS. Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự được bắt đầu từ 10 năm trước. Ba năm trở lại đây, kể từ khi Bộ VHTTDL ban hành Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì nhóm tác giả càng thôi thúc sớm xuất bản sách này, bởi trong xã hội hiện nay kể cả cán bộ quản lý văn hóa ở các địa phương còn nhiều người chưa nhận dạng được các linh vật nghê, lân, sư tử … và nguồn gốc của nó, dẫn đến tình trạng sử dụng tràn lan.

Cuốn sách không chỉ giới thiệu đến độc giả hình ảnh “con nghê” Việt mà còn là thông điệp mà nhóm tác giả trong việc chung bảo vệ, gìn giữ và phát triển linh vật thuần Việt. Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế - Chủ biên cuốn sách cho biết: “Nghê đích thực là gã linh vật chầu rìa độc đáo nhất trong nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Dù chỉ là phác họa ban đầu, khuôn mặt nghê hiện ra lúc thì trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai”.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế- chủ biên Phác họa Nghê- Gã linh vật bên rìa

 

Họa sĩ cũng phân tích cung cách bông lơn, bộ dạng dung tục đến hồn nhiên vẻ như bất chấp mọi lễ giáo và khuôn phép của những gã nghê được đục đẽo, tô đắp một cách hả hê, làm náo nức các mảng chạm, bất kể đó là ở đình, ở chùa hay lăng tẩm, đền miếu.

Hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ nộ ái ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười. Nghê tỏ ra biết thân biết phận (làm phượng thì múa làm nghê thì chầu) nên im lặng ngồi chầu, mặc mưa nắng, kệ gió sương. Nghê cứ ngồi như thế, cung kính, an nhiên và an phận, lẫn vào cỏ cây, vào sương khói. Cũng không khác là bao những con nghê đội tòa sen, trở thành vật đội ở chốn tam bảo đã mấy khi được ai chú ý. Nghê đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm tên quên họ trong một số công trình nghiên cửu của các học giả nước ngoài. Song, dù thế nào chăng nữa, cũng như những vai hề chèo, diễn viên phụ xuất sắc, nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt.

Gã linh vật bên lề - nghê đã góp phần làm nên một diện mạo tinh thần sống động, lạc quan, bình dân và thân thuộc cho nghệ thuật người Việt thời Trung đại. Nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công, không thích lớn nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóaViệt.

Tuy nhiên, họa sĩ cũng trăn trở nghê Việt đang dần mai một chăng, đang dần bị quên lãng chăng? Ai đã ngoảnh mặt lại với nghê, ai đã quên đi một linh vật tận tâm và tận tụy dầu sương dãi nắng nhất trong số các linh vật của người Việt? Ở cái thời buổi văn hóa trọc phú đầy nhầm lẫn và ngộ nhận này, nghê dường như không còn đất sống.

Trong xã hội hiện đại nhiều áp lực, con người cần cái gì đó vui vẻ, con nghê của mình làm được, vì trạng thái biểu cảm tốt. Ngày nay, ta hoàn toàn có thể đưa nghê hòa nhập đời sống, qua những sản phẩm như đôi nghê làm hộp đựng danh thiếp, làm chặn giấy… “Chẳng gì không thể làm được, chỉ cần động não một chút. Cái chết của làng nghề là thiếu người nghĩ. Các cụ nói rồi, một người lo bằng cả kho người làm” họa sĩ Trần Hậu Yên Thế trăn trở.

Cuốn sách phác họa một cách toàn diện về hình tượng con Nghê- linh vật Việt

 

Nhận xét về cuốn sách, TS. Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn kiên định lập trường không ngừng “tiếp thu những tinh hoa nhân loại” vừa “phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác”. Nhưng việc thiếu hiểu biết kiến thức về di sản, lịch sử, nghệ thuật và pháp luật về di sản văn hóa, dẫn đến việc chế tạo, sử dụng linh vật ngoại nhập, sao chép mẫu mã còn tùy tiện và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Hưởng ứng chủ trương, chỉ đạo (cùng với Công văn số 2662) của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuân phong mỹ tục Việt Nam, việc tuyên truyền và vận động để không ngừng nâng cao nhận thức toàn dân về lĩnh vực văn hóa tâm linh này, rất cần những công trình nghiên cứu có hệ thống về các biểu tượng văn hóa đặc trưng của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng cho biết cuốn sách của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế bước đầu trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của một linh vật rất thân quen trong văn hóa Việt. Ngoài hệ thống đồ án linh vật nghê ở đền Vua Đinh, Vua Lê, trong phần Phụ lục, tác giả còn tập hợp công phu các hình ảnh nghê trong mỹ thuật truyền thống, gắn với đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. “Đây là cuốn sách có giá trị, có nội dung hữu ích đối với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, cũng như giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng mong muốn đây mới là cuốn sách khởi đầu, sẽ còn nhiều cuốn sách nối tiếp về linh vật Việt, về các giá trị văn hóa truyền thống Việt để giúp người dân có những nhận diện cụ thể nhất về văn hóa Việt Nam thông qua các linh vật. Đó cũng là cách thực hiện tinh thần của công văn 2662 mà Bộ đã ban hành.

Thứ trưởng cũng mong rằng, các nghệ nhân, nhà điêu khắc và kiến trúc sư Việt, từ những hoa văn, những linh vật Việt đã có trong sách vở sẽ được xây dựng, gắn với những công trình kiến trúc Việt, đó là cách để lan tỏa văn hóa, đưa văn hóa vào cuộc sống./.

Bài, ảnh: Hồng Hà

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ