• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghề giáo vẫn có vị trí xứng đáng trong xã hội hôm nay

Văn hoá 20/11/2019 14:09

(Tổ Quốc) - Một mùa Hiến chương nhà giáo (20/11) đã về, các thầy cô chắc hẳn sẽ có rất nhiều cảm xúc: bồi hồi, vui mừng xen lẫn xúc động, thấy ấm lòng khi nhìn những ánh mắt trong sáng, những nụ cười thân thương và bất ngờ với những chương trình do sinh viên của mình chuẩn bị. Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Bộ VHTTDL).

Nghề giáo vẫn có vị trí xứng đáng trong xã hội hôm nay - Ảnh 1.

PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Bộ VHTTDL).

PV: Trong không khí của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy có những suy nghĩ và cảm nhận như thế nào?

PGS.TS Dương Văn Sáu: Tôi thật sự hạnh phúc và tự hào khi trở thành nhà giáo vì tôi được góp phần nhỏ bé vào một sự nghiệp vĩ đại, sự nghiệp "trồng người". Ngày 20/11 được gọi là ngày Tết của chúng tôi, của những người làm nghề giáo. Chúng tôi cảm thấy rất vui trong không khí tưng bừng, xúc động với những lời chúc trong tin nhắn hay trên mạng xã hội, những bó hoa và đặc biệt là những nụ cười khi gặp nhau. Qua đó để thấy rằng nghề giáo vẫn có vị trí xứng đáng trong xã hội hôm nay. Như chúng ta cũng biết, giáo dục là một sự nghiệp vĩ đại, vì vậy bản thân các thầy, cô giáo phải ý thức được sứ mệnh quan trọng của mình để không ngừng hoàn thiện bản thân về đạo đức, nhân cách và trình độ chuyên môn, xứng đáng với danh hiệu "nhà giáo".

PV: Thầy có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình với ngôi trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng như các thế hệ sinh viên?

PGS.TS Dương Văn Sáu: Sau khi rời quân đội, tôi về học ở trường đại học và có cơ hội được đứng trên giảng đường với tư cách là một giảng viên trẻ. Ngày đó đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy việc thầy trò gặp gỡ ngày 20/11 trên lớp học chỉ diễn ra với những khẩu hiệu trên bảng đen, phấn màu, những bài hát chúc mừng ý nghĩa như Bụi phấn, Nhớ ơn thầy cô, Khi tóc thầy bạc… Tuy nhiên, đó là những món quà cực kỳ ý nghĩa mà các bạn sinh viên dành để bày tỏ sự biết ơn cũng như tình cảm yêu quý đối với thầy cô giáo và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm thầy của tôi, tiếp cho tôi thêm tình yêu nghề, thêm nhiệt huyết mỗi giờ lên lớp.

PV: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là chiếc nôi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa, Thầy có kỳ vọng như thế nào về khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên sau khi ra trường?

PGS.TS Dương Văn Sáu: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các ngành văn hóa nghệ thuật và đặc biệt là du lịch. Đây là trường Đại học nghiên cứu ứng dụng, chính vì thế, phải làm sao để tạo ra cảm hứng học tập nghiên cứu cho người dậy, người học và trang bị cho họ tầm nhìn về sứ mệnh của văn hóa nghệ thuật dân tộc, tầm nhìn về sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong đó có kinh tế du lịch được Đảng xác định là nền kinh tế mũi nhọn là vô cùng quan trọng. Muốn như vậy, chúng ta phải có sự thay đổi, bản thân tôi trên cương vị là nhà giáo, trong nhiều năm qua tôi đã đưa ra quan điểm cá nhân về triết lý đào tạo. Theo tôi đó là phải thay đổi tư duy, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho cả người dậy và người học.

Để nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ có rất nhiều việc phải làm nhưng với tư cách là một người thầy, tôi cho rằng cần phải có ba bước đi: một là chuyển giao tri thức, hai là phát triển và rèn luyện kỹ năng, ba là phát triển năng lực sáng tạo của người học. Nếu một thầy cô giáo mà làm được cả ba điều này thì đó là sự thành công và những điều đó thì tôi nhận thấy Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã và đang được tiến hành rất tốt trong thời gian qua. Chính vì thế, chất lượng đào tạo của trường đã được nâng cao không ngừng trong đó có khoa Văn hóa du lịch và bây giờ là khoa Du lịch.

Bên cạnh đó, với phương châm đào tạo theo phong cách chuyên nghiệp, Khoa Du lịch nói riêng và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói chung đã thực sự tạo được dấu ấn riêng biệt và khẳng định được thương hiệu trong thị trường đào tạo nhân lực du lịch rộng lớn của đất nước.

Với nền tảng giáo dục đó, các sinh viên sau khi ra trường đã có được những kỹ năng nghề nghiệp, những định hướng nghiên cứu và tầm nhìn về sứ mệnh phát triển. Điều đó giúp cho các bạn có cơ hội việc làm tương đối cao.

Mặc dù chưa có những con số chính xác nhưng nhìn vào sự phát triển chung, sự đóng góp cho xã hội thì chúng tôi khẳng định rằng cơ hội việc làm hiện nay của sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, trong đó có khoa Du lịch là rất cao. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng mục tiêu đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước sẽ sớm thành hiện thực, trong đó có sự góp công không nhỏ của Đại học Văn hóa Hà Nội.

PV: Thầy có điều gì muốn gửi gắm đến sinh viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?

PGS.TS Dương Văn Sáu: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi rất cảm ơn các thế hệ sinh viên đã cố gắng vượt qua khó khăn của bản thân, của gia đình và xã hội để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người học.

Chúng tôi rất mong muốn các bạn hãy hiện thực hóa hơn, đam mê hơn và sống có trách nhiệm hơn trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, các bạn cần phải năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học và công nghệ; đồng thời giữ vững những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và đặc biệt là nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, chiến thắng kẻ thù là sự ngu dốt để có thể tự tin khẳng định năng lực của bản thân, tạo nền tảng vững chắc cho mỗi bước đi trên con đường sự nghiệp. Bản thân các bạn thành công không chỉ là niềm tự hào của cá nhân, gia đình các bạn mà còn là sự vinh dự của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; đồng thời đóng góp vào sự phát triển hùng mạnh của đất nước.

PV: Xin chân thành cảm ơn Thầy!

Hằng Đinh - Thanh Thủy

NỔI BẬT TRANG CHỦ