• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng: Diễn xướng hầu đồng phải ở nơi trang nghiêm

03/04/2017 15:30

(Cinet)- Diễn xướng cũng là yếu tố góp công để người dân và bạn bè quốc tế hiểu về Đạo Mẫu, về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Tuy nhiên, diễn xướng hầu đồng phải được thực hiện ở những nơi trang nghiêm, với những lề luật nhất định…

(Cinet)- Diễn xướng cũng là yếu tố góp công để người dân và bạn bè quốc tế hiểu về Đạo Mẫu, về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Tuy nhiên, diễn xướng hầu đồng phải được thực hiện ở những nơi trang nghiêm, với những lề luật nhất định…



Bài liên quan:

>> Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 1: Những giá trị tiêu biểu

>> Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 2: Thực hành, sáng tạo và truyền dạy

>> Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bài 3: Để di sản không biến tướng

>> PGS.TS Nguyễn Thị Hiền: "UNESCO vinh danh không chỉ riêng lên đồng mà là cả hệ thống Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ"




Tối 02/4, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã chính thức đón bằng UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân sự kiện này, CINET đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng - người đã có 30 năm theo Đạo Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng.

PV: Nghi lễ hầu đồng và hát văn của tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng văn hóa đang diễn ra khá phổ biến, là một người có thâm niên thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân có suy nghĩ gì về điều này?



Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng:



Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu vào hai khái niệm: hầu đồng và diễn xướng.



Hầu đồng hiểu nôm na là một hình thức mô tả lại, diễn lại tích của Thánh và ở một trạng thái thăng hoa, được xem như là “một shaman” trong môi trường đền phủ cộng cảm với điệu nhạc, tiếng hát, trầu cau, khói thuốc, khói hương tạo ra sự thăng hoa nhất định và bằng cả lòng hướng thiện của các ông đồng, bà đồng trên sập công đồng. Từ đó tạo ra môi trường linh thiêng để mời, thỉnh các đấng bề trên từ Thánh mẫu cho đến các quan, các hoàng, các cô, các cậu về qua một tấm khăn đỏ (khăn phủ diện) đế giáng vào đồng nhân qua đó mưu cầu sự hạnh phúc cho con người, mong muốn mang đến hạnh phúc cho con người ở thế giới thực tại.



Diễn xướng cũng sinh ra từ hầu đồng nhưng để tới được nhiều người hơn thì bắt buộc chúng ta phải đưa ra môi trường rộng lớn hơn ở đền phủ như sân khấu hay những nơi tôn nghiêm khác, chứ không phải diễn xướng là mang ra đầu đường, ngã ba, ngã tư để làm méo mó đi hình ảnh tôn nghiêm của Đạo Mẫu và Thánh Mẫu.



Với cách hiểu như vậy, diễn xướng cũng là yếu tố góp phần để cho nhân dân, bạn bè quốc tế hiểu về Đạo Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Có nghĩa là nếu chỉ bó buộc trong môi trường đền phủ thì cũng như việc chúng ta như ở trong nhà mình, không ai biết, ai hiểu được vì vậy nó cần được đưa rộng để mọi người có cái nhìn sâu rộng hơn, cởi mở hơn đối với diễn xướng hầu đồng.



Tuy nhiên, diễn xướng vẫn phải đảm bảo được yếu tố lề luật, lề lối của việc hầu Thánh ở đền phủ. Cá nhân tôi cũng mong mọi người sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn về diễn xướng hầu đồng.



Đối với các cơ quan quản lý về văn hóa, cũng cần xem xét, có quy định cụ thể trong việc cấp phép cho diễn xướng hầu đồng, chứ không thể mang tiên thánh của chúng ta đi ra các nơi không tôn nghiêm. Tôi không tán thành việc đưa tiên thánh vào quán bar, nhà hàng, đám cưới hay vào những chỗ nó không được tôn nghiêm.



PV: Như nghệ nhân chia sẻ, nghi lễ hầu đồng có lề có luật, nhưng dường như nhiều nơi vẫn đang làm chưa đúng và có sự lãng phí?



Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng:



Đã là con nhà Mẫu, các thanh đồng đều nguyện tu theo, làm theo lời giáo huấn của Thánh Mẫu. Khác với Phật giáo sẽ có Kinh giáo điều để hành theo, Thánh Mẫu Liễu Hạnh muốn các con của mình nương theo bà, nương theo Phật mà tu.



Đối với nhà Phật ở góc độ những người tu chân chính, thì những người tu ở ngoài đời (như chúng tôi) khó khăn hơn rất nhiều. Làm như thế nào để giữ mình được ở giữa cái sáng và cái tối. Ở cái khoảng đó giữ mình được như thế nào cũng là cả một vấn đề.

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh trao Bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian

cho Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng.

Chúng ta cũng biết được là, con nhà Mẫu ai cũng có can trường vật khổ, ai cũng có cái vinh, ai cũng có những cái nhục. Cuộc sống thì Thánh Mẫu sẽ cắt cử, Ngài sẽ bầu tụ cho lúc nào đó được đầy, được mãn quả thì mỗi con người đấy phải tu tập tịnh tấn như thế nào thì được hưởng. Từ đó cũng nói đến cái việc không phải cứ thấy ai làm khóa lễ bạt ngàn mã thì mình cũng phải làm theo như thế… Yếu tố thành tâm ở đây được đặt lên hàng đầu. Một khóa lễ có thể đầy đủ như là long tu tượng mã, hình lốt tốt đẹp hoặc chỉ cần những yếu tố cơ bản cần thiết tờ vàng, cánh sớ, cau trầu… thì cũng có thể hành bàn dĩ biện được chứ không phải là một đàn lễ to, gây sự lãng phí tiền của cho nhân dân.



Việc đáp lễ và không lãng phí ở đây còn phụ thuộc vào yếu tố bạn hội hay người đứng đầu chủ lễ cũng như của chính tín chủ. Ở đây tôi cũng kêu gọi sự thành tâm là chính nhất để mưu cầu tới sự an lành hạnh phúc.

Trong khi hành lễ cũng thế, chúng ta không phải vì thế mà chúng ta làm cho nó lãng phí đi. Ở đây là câu chuyện “tùy gia phong tiệc”. Quan trọng là thể hiện sự tôn nghiêm và thành tâm khi hầu Thánh. Đây cũng là cách làm tiết kiệm, tránh việc “mua đồng mua bóng” đang tồn tại trong dân gian, thấy người ta như thế thì mình cũng phải làm thế. Đó là cái việc mà chúng ta nên giáo hóa cho mọi người làm theo, để khi đến ngôi nhà Mẫu thì không cảm thấy nặng nề hơn.



Mục đích ở đây nó là như vậy. Một lần nữa cũng mong chúng ta hãy tu tập tịnh tấn và đề cập theo cái tâm của mình, hướng cái tâm của mình, bằng cái tâm của mình. Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai chúng ta mới tu đến đền đền phủ. Và đã là con nhà Mẫu, thì yếu tố tốt đời đẹp đạo không xa hoa ở đây nó còn đề cập tới, còn nói tới rất nhiều khía cạnh, trong đó có trang phục hầu đồng và đốt vàng mã.



PV: Hiện đang công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội và cũng là một trong số những người tiên phong đưa hát văn lên sân khấu, xin nghệ nhân nói rõ hơn về việc này có ý nghĩa như thế nào đối với bảo tồn, phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu?



Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng:



Khi hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được trình UNESCO thì đã được hội đồng quốc tế đánh giá rất tốt, thậm chí chúng ta còn được xem xét bỏ qua một số khâu thủ tục trước khi hồ sơ chính thức được thông qua. Và diễn xướng chầu văn, đưa nghi thức hầu đồng lên sân khấu cũng đóng góp một phần cho thành công đó để hội đồng không mất thời gian phải thẩm định thẩm vấn về nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ.



Mặc dù cũng có một chút dư luận không đồng tình, nhưng ở góc độ là người thực hành, những người nghiên cứu chân chính thì tôi thấy đó là việc làm tốt, cũng là một phần đóng góp tốt. Các nhà nghiên cứu ở trong quá trình làm hồ sơ đệ trình UNESCO cũng không thể không công nhận điều này.



Trở lại câu chuyện khi GS Ngô Đức Thịnh nghiên cứu về Đạo Mẫu, đã có những người cho rằng ông “có vấn đề” nhưng nếu như không có GS là người đi tiên phong thì không thể có những thành quả như hôm nay. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng giúp chúng tôi được toại nguyện việc giảng dạy cho các sinh viên văn hóa, du lịch về tín ngưỡng bản địa của người Việt, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ.



Văn hóa của người Việt, cái cốt của chúng ta, cái bản địa của chúng ta đó là thờ cúng ông bà, thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng Thánh Mẫu - người Mẹ của chúng ta. Thánh Mẫu của chúng ta là người có sinh có hóa, có gốc rễ và hơn tất cả những tín ngưỡng khác, hơn tất cả các tôn giáo khác là đem lại, lưu lại cho cái cuộc sống thực tại của con người đang sống ở cái thế giới thực tại. Đó là cái chân quý nhất!



Vì vậy làm thế nào để hiểu được cho một người thành mười người, thành nghìn người thì bắt buộc chúng ta phải mang lên sân khấu, hay vào môi trường sư phạm để sự truyền thụ được tốt hơn. Đó cũng là cách bảo tồn, phát huy nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, để làm sống, làm đẹp, để hoàng dương Đạo Mẫu.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng trả lời phỏng vấn.

PV: Là người trực tiếp thực hành các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân có đề xuất gì đối với cơ quan quản lý văn hóa trong việc bảo tồn, gìn giữ lề lối và phát huy những giá trị của nó trong đời sống hiện nay?



Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng:



Cá nhân tôi nghĩ rằng, các cơ quan quản lý về văn hóa cũng đang đối mặt với “bài toán khó” trong bảo tồn phát huy các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu.



Đầu tiên tôi mong cơ quan quản lý văn hóa các cấp quan tâm đến những người thực hành tín ngưỡng như chúng tôi - những người đang giữ hồn giữ cốt, giữ lề lối cho việc này và từ đấy tham mưu cho các cơ quan quản lý văn hóa làm như thế nào và như thế nào nó là đúng với lề lối hầu thánh, hành đạo như thế nào, từ nghi thức, trang phục, âm nhạc… nó đều có quy chuẩn. Chúng ta phải mổ xẻ từng cái để làm tròn hơn, đúng hơn trong thực hành tín ngưỡng.



Như hiện nay chúng ta đang thấy rất nhức nhối việc hầu Thánh biến tướng, thiếu đi sự tôn nghiêm, tôn trọng tiên Thánh khi thực hành. Cái đó dưới góc độ văn hóa, những nhà quản lý đầu tiên phải làm rất gắt gao trong các đền phủ, người như thế nào mới được đứng ở cương vị chủ nhang thủ từ ở các ngôi đền đấy - người phải có trình độ hiểu biết, nếu không có thì phải được đào tạo, phải được tập huấn về việc đó, nếu không thì không được giữ trọng trách đó. Những trường hợp không đạt được, thì yêu cầu dừng ngay việc thực hành ở môi trường đền phủ của mình - đấy là việc mà tôi nghĩ là ở cấp cơ sở phải rất sát sao.



Còn ở cấp trung ương phải đưa ra các văn bản quản lý đúng, công tác tuyên truyền để quần chúng nhân dân và ngay cả các ông đồng, bà đồng làm tốt hơn với con nhang của mình, với bản hội của mình về hình thức làm như thế nào cho đúng lề lối, làm như thế nào để sống tốt đời đẹp đạo.



Xin cảm ơn nghệ nhân!



Nguyên Hà (thực hiện)

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ