• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghề thêu thổ cẩm của người Dao ở Tây Yên Tử

26/06/2014 15:42

(Toquoc)- Người Dao cũng như phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số, trước đây đều tự tay dệt vải để may, thêu trang phục cho mình. Chỉ sau này cuộc sống có nhiều đổi thay, nghề dệt vải cũng vì thế mà thất truyền, bà con phải ra chợ mua vải và chỉ về để thêu, may lấy đồ dùng.





(Toquoc)- Đúng vào dịp các chú ve sầu ở phố phường Hà Nội mải ca vang bài ca muôn thuở về cái oi nồng nơi phố thị, chúng tôi ngược xe lên thành phố Bắc Giang, rẽ về hướng Đông Bắc, qua xứ sở của vải thiều Lục Ngạn và nhiều danh lam thắng cảnh khác để đến Tây Yên Tử, nơi có có Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia.  

Trước khi đến Tây Yên Tử, qua thị trấn Chũ khoảng 9 cây số về phía tây bắc, chúng tôi dừng chân ở khu du lịch hồ Khuôn Thần. Đó là một cái hồ rộng hàng chục héc ta, nước trong veo, không khí rất trong lành, bởi xung quanh toàn là rừng thông, chàm, keo tai tượng xanh mát và những trảng cỏ lớn mượt mà, rất thích hợp cho việc bơi thuyền tới thăm những hòn đảo nhỏ nổi lên giữa lòng hồ còn gì thú vị hơn.

Đường từ Chũ lên Sơn Động có nhiều khe suối chạy theo hướng bắc- nam trước khi đổ vào sông Lục Nam, khiến cho khu vực này khá nhiều ngầm. Đến Khe Rỗ, một địa danh du lịch khác của Bắc Giang, chúng tôi quyết định nghỉ trưa tại nhà sàn của Hạt kiểm lâm, rồi vào bản mua mấy con gà đi bộ, tiện thể xin nắm rau ở vườn nhà dân và tất nhiên là có chai cuốc lủi mang về làm một bữa ngon lành. Sau đấy tiếp tục hành trình từ Khe Rỗ qua đèo Hạ My trên đường 279 lịch sử để đến Tây Yên Tử.

Đi cùng đoàn chúng tôi là anh La Triệu Vân, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Sơn Động cho hay, tổng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Tây Yên Tử rộng trên 16.400 ha, thuộc dãy núi Yên Tử trên độ cao cao 1064 mét. Nơi đây có hệ thống rừng nguyên sinh tự nhiên cực kỳ phong phú và đa dạng với các loài cây quí hiếm như tùng la hán, kim giao, lát hoa, lim xanh, trám trắng… và cũng là nơi bảo tồn nhiều loài động vật quí như gấu, khỉ, chồn, cầy hương… Vì thế mà Tây Yên Tử được Nhà nước công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia từ năm 1986.

Nếu lên đây vào dịp giữa cuối mùa thu, khi tiết trời se lạnh thì cũng là lúc những thửa ruộng dưới thung sâu ngả màu vàng rộm. Ngước nhìn lên đỉnh Tây Yên Tử, những cây phong, cây keo lá đang dần ngả sang màu vàng. Những cây kim giao, loại cây dùng làm đũa chống độc, cao vút như chực “gắp” cả trời xanh.

Lên đến đây, tôi bỗng thấy có điều gì đó thật sự bí ẩn trong các bản làng bé nhỏ, khiêm nhường nằm nép mình dưới chân núi phía Tây Yên Tử giữa bảng lảng mây trời. Anh Vân cho hay, đấy là thôn Bản Mậu, cái nôi của “Làng gái đẹp” nức tiếng từ xa xưa khắp trong Nam ngoài Bắc. Bản Mậu cũng giống như bao làng quê khác ở vùng sơn cước này, chỉ khác là bao trùm lên nơi đây là một không gian yên tĩnh đến trầm mặc, không hề nghe tiếng chó sủa, gà gáy, thậm chí cả tiếng người nói to. Đây quả là một địa chỉ du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng thú vị.

Chúng tôi vào nhà văn hóa bản được các anh, các chị và dĩ nhiên là cả các em nữa, tay bắt, mặt mừng cùng những ánh mắt trìu mến, thân thiện như đón người thân đi xa trở về. Ngồi trên xe, anh Vân khoe: May cho các bác đấy, lần này con đường đất từ thị trấn Thanh Sơn vào UBND xã Tuấn Mậu khá bằng phẳng, rộng rãi vừa được hoàn thành cách đây mấy tháng. Còn những đoàn trước lên đây, để vào được Bản Mậu chỉ có thể đi bằng xe máy, xe đạp hay đi bộ mất vài tiếng đồng hồ.  

Anh Triệu Vân bật mí thêm, các bậc cao niên ở bản truyền lại rằng, sở dĩ ở Bản Mậu có nhiều cô gái đẹp nghiêng ngả cả trời chiều sơn cước, vì trước đây trong làng có một cái giếng gọi là giếng thần, các cô gái chỉ cần múc nước ở đó về tắm là bỗng dưng nước da trở nên mịn màng, trắng nõn nà và mái tóc đen mướt chảy dài xuống tận khoeo chân. Ngoài cái tên Làng gái đẹp mà du khách đặt cho Bản Mậu, trước đây bản này còn có một tên khác là Làng gái tiến Vua do các cụ trong bản tự đặt. Nói vậy đủ để các bác biết con gái ở đây đẹp biết nhường nào.

Theo anh Triệu Vân, gái Bản Mậu ngày nay vẫn cứ xinh đẹp, mặn mà đằm thắm như xưa. Vào những năm 90 thế kỷ trước có người đẹp Bàn Thị Giảng đoạt giải Người đẹp miền núi phía Bắc. Những năm gần đây có Trịnh Thị Hương là người đẹp Hoa Cúc trong cuộc thi người đẹp các dân tộc Việt Nam tại Đà Lạt 2010 và gần đây, năm 2012, tại cuộc thi người đẹp Bắc Giang, Trịnh Thị Tuyết cũng đoạt danh hiệu Hoa khôi thân thiện cấp tỉnh.  

Bản Mậu thuộc xã Tuấn Mậu là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 5488,7 ha, cách trung tâm huyện 30km về phía Tây Nam, có tỉnh lộ 293 chạy qua. Xã có 512 hộ với 2120 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em cùng chung sống đan xen trên 7 thôn bản gồm: Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Hoa trong đó dân tộc thiểu số chiếm 68%. Ở thôn Bản Mậu chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao (Thanh Y và Thanh Phán).

Ngày nay, đồng bào Dao cũng như các dân tộc khác trong vùng được tiếp thu nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, được học nhiều cái chữ hơn so với trước đây. Điều đó đã đem lại cho thế hệ trẻ người Dao nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên cùng với sự tiến bộ đó, lớp trẻ người Dao hôm nay cũng đang phải đối mặt với sự mai một đi những giá trị văn hóa truyền thống như nghề thêu thổ cẩm của dân tộc mình.

Các cụ cao niên trong bản cho hay, trước đây, gái Bản Mậu không chỉ đẹp về hình thức mà còn giỏi thêu thùa, nấu ăn và giao tiếp, nhưng vì những lý do khác nhau mà nghề thêu thổ cẩm của bản bị thất truyền khoảng vài chục năm trở lại đây. Để nghề thêu truyền thống của người Dao không bị mai một đi, gần đây một Việt kiều tại Mỹ đã hỗ trợ về kinh phí, với sự tâm huyết, nhiệt tình của các nghệ nhân lớp trước, nghề thêu thổ cẩm đã được khôi phục lại bằng việc mở các lớp dạy thêu, thu hút hàng chục thiếu nữ Dao tham gia.

Trong hai năm tổ chức lớp học, các em không quản đường xá đi lại khó khăn, vẫn đều đặn rủ nhau đến lớp. Giáo viên là các bà, các mẹ và các chị thành thạo nghề thêu từ trước đến đây truyền lại cho con cháu. Các nghệ nhân như: Bàn Thị Duyên, Bàn Thị Sơn, Bàn Thị Bình, Triệu Thị Xoan, Đặng Thị Loan là những người vừa tâm huyết với nghề thêu truyền thống của dân tộc mình, vừa có công truyền lại nghề cho các cháu. Các em Triệu Thị Thêm, Bàn Thị Trang, Bàn Thị Vy, Triệu Thị Huyền là những học viên chăm ngoan, tinh ý trong học tập nên đã nắm bắt kỹ thuật thêu khá nhanh. Đặc biệt lớp học luôn được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương, nên được duy trì khá ổn định và đạt hiệu quả cao từ khi thành lập đến nay.

Với 50 học viên và 8 giảng viên phụ trách luôn được duy trì đều đặn trong suốt hai năm qua. Người thành nghề ra trường, người chưa biết hay các em nhỏ mới lớn lại vào lớp, nên lúc nào cũng đảm bảo sĩ số. Lớp được chia làm ba tổ ở thôn Tân Lập, thôn Thanh Chung, và thôn Bản Mậu. Mỗi tuần hai buổi học tập trung, còn lại tự học ở nhà. Học viên gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, có em mới lớp 1, lớp 2, có chị đã có gia đình. Mặc dù các em bận học tập và giúp bố mẹ việc nhà, còn các chị bận con cái gia đình, ruộng nương, nhưng mọi người đều cố gắng thu xếp thời gian để tham gia lớp học đầy đủ. Với sự truyền dạy tận tình của các nghệ nhân, đến nay hầu hết học viên đã biết thêu những đường nét cơ bản, có em tiếp thu nhanh đã thêu khá thành thạo.

Ngoài việc tổ chức theo địa bàn các thôn, lớp học cũng được chia theo lứa tuổi để các em dễ tiếp thu. Em nào tiếp thu chậm còn được giáo viên hướng dẫn thêm ngoài giờ. Nhờ vậy, có học viên đã tự tay thêu được cả bộ trang phục dân tộc Dao cho mình, có người đã thêu được khăn, áo, mũ khá đẹp, những cái mà trước đây các em chưa từng mơ tới.





Displaying Lop hoc theu o Ban Mau1.jpg

Lớp học thêu ở Bản Mậu


 

Chúng tôi đến thăm một lớp học tại nhà văn hoá của bản vào ngày nghỉ cuối tuần, thấy các nghệ nhân cần mẫn, miệt mài truyền nghề cho lớp con cháu, đều là con em đồng bào dân tộc Dao. Nghệ nhân Triệu Thị Xoan, 55 tuổi ở Bản Mậu tâm sự với chúng tôi: Lúc đầu, để tổ chức được lớp học thêu này, các bà, các bác đã phải đến từng gia đình vận động tạo điều kiện về thời gian cho con em mình theo học nghề. Vì ngoài giờ học văn hóa ở trường, các em vẫn thường xuyên cùng bố mẹ làm nương rẫy hay việc nhà. Sau một thời gian vận động, nhiều phụ huynh đã hiểu và động viên con, em mình theo học”. Bà Xoan cho biết thêm, “Đối với các thế hệ trẻ bây giờ, học thêu không chỉ là sự đam mê tức thời, mà còn là trách nhiệm trong việc gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, nên phải kiên trì chịu khó, không được bỏ giữa chừng.

Còn học viên bé tuổi nhất của lớp học này là em Bàn Thị Vy mới hơn 10 tuổi, kể cho chúng tôi nghe: Buổi tối, sau khi xong việc nhà, em thường đến nhà văn hóa của bản để học thêu. Được các bà, các bác truyền dạy tỉ mỉ từng bước một, hiện giờ em đã biết thêu một số đường nét đơn giản như các đường thẳng, đường vắt chéo. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học để có thể thêu được những đồ dùng truyền thống của dân tộc mình. Liệu đây có là một trong những cách bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao hiệu quả nhất?

Các nghệ nhân ở đây cho biết, học thêu không quá khó, ai cũng có thể học được. Nhưng để thành thạo, đòi hỏi người học phải có lòng đam mê và kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ. Những kiến thức cơ bản ban đầu như nhận biết đường kim, mũi chỉ, học cách thêu cho thẳng hàng. Sau đấy mới đến học những công đoạn phức tạp như thêu các họa tiết, hoa văn cầu kỳ.

Người Dao cũng như phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số, trước đây đều tự tay dệt vải để may, thêu trang phục cho mình. Chỉ sau này cuộc sống có nhiều đổi thay, nghề dệt vải cũng vì thế mà thất truyền, bà con phải ra chợ mua vải và chỉ về để thêu, may lấy đồ dùng. Để hoàn thành một bộ trang phục nữ đầy đủ của người Dao gồm: quần, áo, khăn, mũ, xà cạp, yếm thông, người thạo nghề cũng phải làm mất 4-5 tháng liên tục.

Người Dao ở Bản Mậu trước đây, nhất là các bà, các chị luôn dạy con em mình học thêu trang phục cá nhân từ khi mới lên 5-6 tuổi. Mỗi năm một người ít nhất phải tự tay thêu được một vài đồ dùng cho mình để diện vào các ngày lễ, tết. Sau nữa những thứ ấy sẽ là hành trang trước khi các cô về nhà chồng. Vào các dịp lễ, tết, các cô gái Dao thường khoe những bộ váy áo lộng lẫy sắc màu do chính tay mình làm ra, xúng xính vòng bạc đi chơi chợ phiên và du xuân.

Tuy nhiên, do xu hướng biến đổi trong đời sống kinh tế, xã hội, đồng bào dân tộc Dao ở Bản Mậu cũng có những đổi thay. Một số nghề mới được phát sinh và một số nghề truyền thống bị mai một là điều khó tránh khỏi. Trước thực trạng ấy, chiểu theo nguyện vọng của người dân, nhất là các nghệ nhân cao niên có tâm huyết với nghề truyền thống, chính quyền xã Tuấn Mậu kết hợp với các nhà hảo tâm đã tìm ra cách truyền nghề cho lớp trẻ, bằng việc mở các lớp dạy nghề thêu. Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao Bản Mậu không những góp phần giữ gì bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn phát triển du lịch cộng đồng, đảm bảo nguồn thu, từng bước ổn định đời sống cho người dân địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn, rất cần được phát huy./.

Bút ký của Đỗ Ngọc Yên

NỔI BẬT TRANG CHỦ