(Toquoc)- Lễ hội Bài chòi lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội sẽ giúp công chúng hiểu hơn về một di sản.
(Toquoc)- Lễ hội Bài chòi lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội sẽ giúp công chúng hiểu hơn về một di sản.
Từ ngày 5- 7 tháng Giêng ( 27- 29/1/2012), lễ hội Bài chòi lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội nhằm giới thiệu cho công chúng về một di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam Trung bộ. Đây cũng là loại hình nghệ thuật đang được Bộ trưởng Bộ VHTTDL chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhằm làm rõ hơn về di sản văn hóa độc đáo này.
+ Thưa Giáo sư, lần đầu tiên, một lễ hội Bài chòi được tổ chức tại Hà Nội. Xin ông cho biết rõ hơn về loại hình nghệ thuật vốn chưa được đông đảo người dân Thủ đô biết đến?
- Bài chòi đã có lịch sử mấy trăm năm ở Nam Trung bộ. Tuy nhiên cái nôi của nó là ở Bình Định và phát triển mạnh mẽ nhất cũng ở Bình Định. Sau CM T8, Bài Chòi phát triển từ dân gian thành chuyên nghiệp. Với công chúng Hà Nội trước đây, trong những môn nghệ thuật như Cải lương, Đờn ca tài tử, Tuồng, Bài chòi thì Bài chòi được mê nhất. Đặc biệt, Bài chòi của Đoàn nghệ thuật Quân khu 5 từng làm khán giả Hà Nội mê mẩn. Sau 1975 thì các đoàn về Nam, để lại khoảng trống trong lòng khán giả Hà Nội.
Bài có nghĩa là trò chơi văn hóa nghệ thuật. Còn chòi là cái chòi để người chơi ngồi. Bài chòi về sau này phát triển được sáng tác thêm những điệu hát dài hơn, có thể vận dụng nhiều cách hát hơn như trong các vở Tuồng, Cải lương… Bài chòi chuyên nghiệp hiện nay rất khác với lễ hội Bài chòi truyền thống. Lễ hội Bài chòi trên đất Thăng Long mà khán giả được xem trong dịp Tết Nhâm Thìn này là lễ hội truyền thống.
Bài chòi truyền thống có 8 cái chòi dựng 2 bên song song nhau và 1 chòi trung tâm. Người chơi bài ngồi trên chòi, được anh Hiệu phát cho 3 thẻ tre (con bài) có vẽ các hình tượng, người, vật tương ứng với những câu hát của anh Hiệu. Ví dụ, con bài có hình anh học trò thì sẽ thắng khi anh Hiệu hát câu: “Đi đâu đi hủy đi hoài/ Cử nhân không đỗ tú tài cũng không”. Hoặc khi anh Hiệu hát câu “Đêm nằm gối ấm không êm/ Gối lụa không mềm bằng gối tay em” thì người thắng là người có thẻ bài có hình con chim gối. Người chơi bài nghe anh Hiệu hát trùng tên thẻ bài của mình thì gõ mõ báo hiệu là mình đã trúng. Nếu trúng 3 thẻ thì gõ trống mõ báo mình thắng. Anh Hiệu hát chúc mừng và được BTC trao giải thưởng. Cuộc chơi kéo dài cho đủ vòng 9 chòi với 27 câu hát thì kết thúc một ván bài, thời gian chơi dài, ngắn phụ thuộc vào những câu hát ngắn hay dài. Trong quá trình diễn ra từng ván bài đều có những tiết mục biểu diễn xen kẽ chúc mừng của các nghệ sỹ. Vì vậy mà cuộc chơi hết sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem suốt ngày, đêm.
+ Vì sao lễ hội Bài chòi lại được tổ chức nhà hát Kim Mã? Khuôn viên nhà hát có đủ để dựng được chòi, tạo một không gian truyền thống như lễ hội Bài chòi nguyên bản, thưa Giáo sư?
- Điều đặc biệt là Lễ hội Bài chòi được tổ chức đúng ngày 5 tháng Giêng- ngày Giỗ trận Ngọc Hồi- Đống Đa. Hà Nội là mảnh đất vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã giải phóng khỏi quân xâm lược Mãn Thanh. Quê hương của vua Quang Trung là Bình Định- quê của Bài chòi. Tương truyền, khi đoàn quân Tây Sơn hành quân thần tốc ra Bắc, họ đã hát Bài chòi để cổ vũ tinh thần binh sĩ. Hơn 20 năm trước, Bộ Văn hóa Thông tin đã xây dựng bia tưởng niệm quân Tây Sơn ở khu vực chùa Kim Sơn. Vừa rồi, Hà Nội cũng khánh thành Nhà bia tưởng niệm nghĩa quân Tây Sơn ở khu vực này (Nhà hát Kim Mã và chùa Kim Sơn). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công nhận, khu vực chùa Kim Sơn, nhà hát Kim Mã mới thực sự là nơi chôn các nghĩa quân Tây Sơn. Còn gò Đống Đa là nơi chôn quân Thanh. Hằng năm, chúng ta tổ chức giỗ trận Đống Đa là để tưởng nhớ lại chiến thắng của đội quân Tây Sơn anh hùng áo vải. Một yêu cầu đặt ra là cần một lễ hội tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh trên mảnh đất chùa Kim Sơn, nhà hát Kim Mã hiện nay.
Khi tính toán việc dựng chòi trong khuôn viên nhà hát, cũng khá chật chội, nhiều người đã đề xuất đưa ra Nhà hát Quân Đội. Tuy nhiên, để chọn một khu vực trung tâm Hà Nội mà có ý nghĩa gắn với đội quân Tây Sơn thì chỉ có khu vực nhà Kim Mã. Đây là sự kiện đặc biệt. Chưa bao giờ có lễ hội Bài chòi trên đất Thăng Long, hơn nữa, lại là vào dịp lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa tưởng nhớ chiến công của đội quân Tây Sơn và anh hùng Quang Trung- Nguyễn Huệ.
Bài chòi là bộ môn nghệ thuật đặc biệt thu hút người dân
+ Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật Bài chòi hiện nay thế nào, thưa Giáo sư?
- Có thực tế là Bài chòi phát triển chuyên nghiệp nhưng lại mất tính dân gian. Bởi vậy, chủ trương của Bộ VHTTDL là phục hồi lễ hội Bài chòi theo đúng dân gian.Việc đào tạo thế hệ trẻ hát Bài chòi cũng không đơn giản. Năm 2010, việc đào tạo thế hệ trẻ hát Bài chòi theo chủ trương của Bộ VHTTDL gặp rất nhiều khó khăn. Không nhiều người trẻ thích hát dân gian nữa. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi chưa phục hồi được lễ hội hát Bài chòi truyền thống. Tuy nhiên, việc bảo tồn Bài chòi ở Bình Định thì khá tốt. Hiện Bình Định có 9 đoàn hát Bài chòi, mỗi đoàn có 5- 6 nghệ nhân trẻ, tuổi tầm 20 trở lên. Họ đều sống khỏe bằng việc đi diễn Bài chòi. Năm 2010, sau quá trình nghiên cứu, sưu tầm, tỉnh Bình Định đã phục hồi thành công lễ hội Bài chòi.
+ Giáo sư có tin nghệ thuật Bài chòi sẽ thu hút khán giả Thủ đô?
- Lễ hội Bài chòi lần này diễn ra liên tục với nhiều hoạt động phong phú: hát diễn xướng, đánh bài tại Hà Nội tại nhà hát Kim Mã từ 5- 7 tháng Giêng với 17 nghệ nhân xuất sắc nhất của Bình Định. Lực lượng toàn là nghệ nhân chứ không phải là đoàn chuyên nghiệp. Ở Bình Định, có một điều khác biệt là đoàn nghệ thuật không chuyên lại diễn hay hơn đoàn chuyên nghiệp. Bởi chuyên thì chỉ diễn theo định mức, còn không chuyên lại đi diễn quanh năm, diễn ở khắp nơi để kiếm sống. Lực lượng không chuyên người già thì rất giỏi trong sáng tạo, ứng biến, còn người trẻ thì thuộc bài và hát rất ngọt, sẽ không phụ lòng người xem.
Ngồi trên chòi trong những ngày lễ tết, chơi Bài chòi là hoạt động được nhân dân Nam Trung bộ nói chung và người dân Bình Định nói riêng rất yêu thích. Đây cũng là sinh hoạt văn hóa đặc biệt thể hiện được văn hóa độc đáo của con người, vùng đất Nam Trung bộ. Những người dân miền Trung mê Bài chòi nên đã có ca dao: Mải mê cái thú Bài chòi/ Để con nó khóc mà lòi rốn ra…
Bởi vậy, chủ trương của Bộ VHTTDL là hoàn thiện phục hồi lễ hội và giới thiệu đến đông đảo nhân dân nhằm lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới.
+ Xin cám ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện!
Hồng Hà (thực hiện)