• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm: Hy vọng về một tương lai sáng

13/06/2018 08:15

(Cinet)- Cộng đồng dân tộc Chăm, đang hy vọng, trong tương lai không xa, "Nghề làm gốm Chăm Bàu Trúc" sẽ được UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. 

(Cinet) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây không chỉ là tin vui với người Chăm tỉnh Ninh Thuận nói riêng, mà cho cộng động dân tộc Chăm nói chung.

Các nghệ nhân làng Bàu Trúc chế tác gốm Chăm mỹ nghệ. Ảnh: Báo Ninh Thuận. 

Độc đáo Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm

Tỉnh Ninh Thuận hiện có kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của hơn 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Theo thống kê, Ninh Thuận hiện có gần 150 di sản văn hóa, trong đó có 53 di sản văn hóa đã được xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Trong đó phải kể đến “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ VHTTDL công nhận năm 2017.

Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) hiện có khoảng 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm. Trong đó, có 1 hợp tác xã và 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm. Đây được xem là một trong những làng nghề gốm lâu đời nhất Đông Nam Á. Theo sử sách, nghề gốm do vợ chồng ông Pô Klong Chanh truyền dạy cho dân làng gìn giữ phát triển hàng trăm năm qua. Hiện nay, làng Bàu Trúc còn đền thờ Pô Klong Chanh, được dân làng cúng tế vào dịp lễ hội Katê hằng năm để tưởng nhớ công ơn vị tổ nghề gốm. Sản phẩm gốm của người Chăm rất phong phú như chum, vại, lục bình, ấm nước, nồi niêu… với mẫu mã đa dạng, độc đáo.

Nét độc đáo của nghề làm gốm Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao “Nắn bằng tay không bàn xoay”. Người phụ nữ Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những sản phẩm có hồn với mẫu mã phong phú và đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh và tín ngưỡng, tôn giáo với dòng sản phẩm truyền thống (như thạp đựng nước, nồi nấu cơm, lò nấu bằng củi và bằng than, khoang đựng gạo, bắp, tượng thần Apsara, tượng thần Shiva, mô hình tháp...); vừa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với dòng sản phẩm mỹ nghệ (như bình phong thủy, bình đựng hoa và trang trí, phù điêu, đèn trang trí, 12 con giáp…).

Không những thế, gốm được nung lộ thiên bằng rơm, bằng củi trên một bãi đất trống nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đen đậm, chỗ vàng, tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào.

Chính nhờ nét độc đáo đó, năm 2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống. Việc công nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc người Chăm, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của di sản phi vật thể. Đây cũng là cơ hội để huyện Ninh Phước nói riêng và Ninh Thuận nói chung quảng bá những hình ảnh du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần tạo nên một trong những chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu thu hút du khách đến với Ninh Thuận.

Các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời.

Nguồn: ninhthuantourist.com 

Đầy hy vọng cho Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm

Độc đáo là thế nhưng sản phẩm gốm của người Chăm Bàu Trúc từ bao đời nay chủ yếu là gốm gia dụng. Theo thời gian, khi những sản phẩm công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển và được ưa chuộng thì các sản phẩm truyền thống của đồng bào Chăm ngày càng mất đi vị thế vốn có của nó.

Với khát vọng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, những nghệ nhân lớn tuổi của làng đã lao tâm khổ tứ, nghiên cứu sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới. Không còn bó hẹp trong các sản phẩm gốm gia dụng nữa, gốm Bàu Trúc đã tiến tới sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được cái hồn của văn hóa Chăm.

Tuy sản phẩm gốm Bàu Trúc đã đi xa hơn nhưng làng gốm Bàu Trúc ngày càng thưa vắng dần các nghệ nhân gạo cội. Rất nhiều gia đình Chăm trước đây làm nghề gốm, nay đã thay đổi nghề nghiệp. Nhu cầu cuộc sống của cộng đồng người Chăm đã tác động mạnh đến vị thế sinh tồn của một làng gốm cổ truyền nổi tiếng xưa nay.

Bảo tồn nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc là một việc làm thực sự cần thiết. Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề, xúc tiến quảng bá sản phẩm…, tạo điều kiện để thúc đẩy gốm Bàu Trúc phát triển. Cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ giúp gốm Bàu Trúc có nhiều nguồn lực để phát triển mạnh hơn. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn một làng nghề thủ công truyền thống độc đáo.

Các sản phẩm gốm của làng Bàu Trúc ngày càng đa dạng về mẫu mã... Nguồn: tapchidulich.com.vn 

Không những thế, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc trở thành điểm đến du lịch của Ninh Thuận và cả nước, mới đây, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ VHTTDL về việc xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Bộ VHTTDL cũng đã thống nhất với đề nghị nêu trên của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trong tương lai không xa, khi Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây sẽ là một bước cần thiết để góp phần bảo tồn một làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, cũng là cách để quảng bá hữu hiệu sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc nói riêng và của cả cộng đồng dân tộc Chăm cả nước nói chung ra thế giới./.

 

Gia Huệ (t/h)

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ