(Toquoc)- Không chỉ làm người ta ngỡ ngàng với việc lập kỷ lục 3.700 người hát Quan họ, Hội Những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh còn kiện người “phê bình” mình khiến người ta đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác.
(Toquoc)- Không chỉ làm người ta ngỡ ngàng với việc lập kỷ lục 3.700 người hát Quan họ, Hội Những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh còn kiện người “phê bình” mình khiến người ta đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác.
Trong những ngày qua, dư luận ồn ào bởi câu chuyện Hội Những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh lập kỷ lục 3.700 người đứng hát đồng ca Quan họ. Khi GS Nguyễn Văn Huy, ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia lên tiếng góp ý thì Hội này lại làm đơn gửi Bộ VHTTDL đòi kiện Giáo sư. Câu chuyện khiến không ít người ngỡ ngàng.
Điều khiến người ta ngỡ ngàng đầu tiên là Quan họ xưa là giao duyên, là ý nhị, là liền anh liền chị đối đáp thì ngày nay, người ta đứng hàng ngàn người, hát như hợp xướng. Điều này, nếu bình thường, thì như bao kỷ lục khác, ồn ào một lúc rồi có thể bỏ qua, vì người ta nhân danh tình yêu với di sản mà làm vậy. Tình yêu thì không có tội dù đôi khi, vì yêu quá mà chưa được trang bị kiến thức đầy đủ thì người ta có thể mắc những sai lầm. Song, điều ngỡ ngàng hơn cả là khi GS Nguyễn Văn Huy và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác lên tiếng phản đối cách làm này thì người ta lại viết đơn kiện, cho rằng GS Huy đã “xúc phạm Quan họ”, đã “phát ngôn sai trái”.
Quan họ hát “hợp xướng” khiến nhiều người ngỡ ngàng (ảnh ineternet)
Đáng lẽ, câu chuyện chỉ dừng lại ở những trao đổi về mặt chuyên môn, về cách bảo tồn di sản sao cho đúng đắn thì một phát ngôn không đáng có ở một người đứng đầu hội được cho là “yêu dân ca Quan họ” lại mở ra theo hướng kiện tụng dân sự, đòi đưa ra pháp luật. Chưa nói đến chuyện phát ngôn này bị nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “nghiêm trọng” và “phi văn hóa”, thì việc một người đứng đầu một hội yêu di sản văn hóa thế giới phát ngôn vội vàng và thiếu cân nhắc như thế này rất có thể sẽ gây hậu quả khó lường. Bởi trong thời đại hội nhập toàn cầu như hiện nay, một thông điệp có thể bay khắp thế giới chỉ trong tích tắc. Dư luận thế giới quan tâm đến những di sản văn hóa thế giới như Quan họ và UNESCO sẽ nghĩ như thế nào khi biết đến vụ việc này?
Trong công tác bảo tồn di sản, chủ trương của Bộ VHTTDL rất ủng hộ việc xã hội hóa. Không thể phủ nhận, nhờ có công cuộc xã hội hóa mà nhiều di sản đã được bảo tồn, nhiều nghệ nhân, nhiều chủ thể di sản đã được đãi ngộ, được động viên, tôn vinh kịp thời. UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho tổ chức một cuộc trình diễn để lập kỷ lục như thế cũng mất rất nhiều tiền của, công sức, không ngoài mục đích nhằm tạo được một ấn tượng tốt để những nghệ nhân quan họ và cộng đồng ý thức được giá trị của di sản này. Thế nhưng về góc độ bảo tồn di sản, đó là một việc làm không đúng với tiêu chí bảo tồn của UNESCO, và GS Nguyễn Văn Huy cũng chỉ góp ý một cách chừng mực với tư cách là thành viên của Hội đồng Di sản quốc gia.
Bảo tồn di sản cần tôn trọng giá trị nguyên gốc (Ảnh: Thảo Tuấn)
Theo lẽ thông thường, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu luôn luôn phải được lắng nghe, tôn trọng trong mỗi hành động bảo tồn di sản. Song trong trường hợp này, vụ việc lại cần đến một văn bản của cơ quan quản lý. Bộ VHTTDL đã vào cuộc và có phúc đáp, cho rằng “Hội nên cân nhắc và lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, tham khảo các điều ước quốc tế, những cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa để Quan họ luôn được trân trọng và phát huy giá trị trong cộng đồng, trong mỗi gia đình vùng quê Quan họ, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”.
Câu chuyện Quan họ chỉ là một trong nhiều câu chuyện trong bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lên tiếng về việc bảo tồn di sản không tôn trọng giá trị nguyên gốc. Còn nhớ, ngay trong dịp tôn vinh Hát xoan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các nhà nghiên cứu đã bày tỏ lo ngại khi Hát xoan đang bị cải biên để thu hút công chúng. Bởi vậy, trong văn bản trả lời Hội Những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh, Bộ VHTTDL cũng đã khẳng định, “việc bảo tồn di sản văn hóa nói chung, quan họ Bắc Ninh nói riêng rất cần có sự phối hợp giữa chủ thể nắm giữ di sản văn hóa với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa để có thêm nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ và phát huy di sản văn hóa”.
Bảo vệ di sản không phải là trách nhiệm của riêng ai. Di sản chỉ có thể sống nếu di sản ấy được người dân tiếp tục gìn giữ và trao truyền. Trong quá trình trao truyền ấy, ít nhiều những giá trị nguyên gốc của di sản sẽ tiếp biến, hòa vào đời sống hiện tại, mang màu sắc văn hóa đương đại. Song không có nghĩa, di sản sẽ bị làm khác, làm sai lệch đi cái gốc. Bởi nếu tiếp tục ủng hộ chuyện cải biên di sản thì rất có thể, một mai đây, những giá trị cải biên sẽ lấn át, sẽ làm mất di sản gốc. Và như thế, các thế hệ sau sẽ không còn hiểu đúng về di sản. Trong khi, mọi nỗ lực trong việc bảo tồn di sản chính là ở mục đích trao truyền cho thế hệ mai sau.
Hà An