Có một đô thị mà vẻ đẹp kiến trúc không được tạo nên bởi những quần thể, đường phố chưa thành đại lộ, những khoảng không chưa khép thành những quảng trường, sự kỳ vĩ lẫn sự tráng lệ đều vang bóng, đó là Hà Nội.
KTS. Hoàng Đạo Kính
Có một đô thị mà vẻ đẹp kiến trúc không được tạo nên bởi những quần thể, đường phố chưa thành đại lộ, những khoảng không chưa khép thành những quảng trường, sự kỳ vĩ lẫn sự tráng lệ đều vang bóng, đó là Hà Nội.Cái đẹp, chất, hồn và duyên của Hà thành ẩn khuất trong những dãy phố và những ngõ ngách, trên những mặt nhà già nua, dưới những bóng cây rậm rịt, mà thiếu chúng, những con phố trở nên trơ trẽn. Và, nếu để mất, để tâm lần dõi, ắt không thể không nhận ra rằng cái chất cùng cái duyên lại hàm chứa hơn cả trong cách ăn cách ở, trong cách ứng xử, cách kiến tạo chốn thị thành, trong những ngõ phố người đời của đất và dân kinh kỳ.Gần kề Hồ Gươm, ngõ Hàng Hành (có ngõ mà không có phố) nối liền với ngõ Bảo Khánh bởi một khúc ngoặt, là một trong những ngõ phố người đời ấy. Dài không quá 300 m, rộng 5 – 6 m. Là con phố thì bé, là cái ngõ thì to. Nghe đâu, xưa kia trú ngụ nơi đây là những người thợ làm đồ da. Đến nay, ở giữa chỗ ngoặt nối hai con ngõ, vẫn đứng đó ngôi đình thờ ông tổ nghề. Đầu thế kỷ 20 (đã là thế kỷ trước rồi!) nghề tiện gỗ thịnh hành ở đây.
Sau năm 1954, chủ nhân những căn nhà rộng rãi miễn cưỡng “tình nguyện” co cụm lại trong một, hai căn buồng nhường chỗ cho những gia đình cán bộ từ bốn phương đến ở. Những nếp nhà, gia đình cũ, ít nhiễu đã kịp khuôn đúc nền nếp ăn ở, cứ thế biến thành những “tổ người” theo nghĩa đen: khi xa lạ, lúc hoà thuận, nhiều phen đối kháng, cam chịu triền miên. Cuộc sống hệt như việc sàng cát đãi sỏi, sàng sàng sảy sảy mãi thì cũng phải lắng đọng xuống: cát với cát, sỏi với sỏi cũng phải tạo thành cái chất liệu cộng sinh xã hội đô thị mà dần dà, hoá thành cái “hiện tượng văn minh sống đô thị”.
![]() ![]() |
Tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái |
Có dạo đi qua ngõ Hàng Hành thu nép mình, lãnh đạm trong sự tối thiểu hoá, cả dãy phố, thoi thóp đơn côi một quán café Nhân, vang bóng mấy chục năm trước, dưới mái lá gồi, lan toả hương vị quện gây say của những tách cà phê đen với những chiếc cùi dìa nhôm đục lỗ ở giữa (cho đỡ bị tư túi). Nghe hương vị ấy, lòng cồn cào dù chưa uống, nhớ về cái thời mà mình chưa hề sống, cái thời Hà thành đồng nghĩa với sự tao nhã, sự phong lưu (phong lưu, người Hà Nội hiểu không hẳn đã là sự giàu sang). Vài ba năm về sau đó, trên vỉa hè bày bán la liệt những bao, những cây thuốc lá “Galant”, “T”… đánh từ Đông Âu về. Đó là những năm tháng mà ngõ Hàng Hành cùng Bảo Khánh thầm lặng và nhẫn nại, theo cách người Hà Thành, hóa thành con phố, mảnh đất Giời quên.
… Chẳng mấy ai cười
Bẵng đi một dạo, ngõ phố Giời quên hóa thân thành chốn người nhớ. Ai đó, hình như đã xoè ra cái quạt khổng lồ vô hình, quạt phắt đi cái nghèo cái tẻ, bám rêu bám rễ vào ngõ ngách xưa. Giờ thì san sát những khách sạn mini, những restaurant, những café, những bi da. La liệt những quán bia hơi, những tiệm computer, những quán cơm tạm bợ trên vỉa hè… Người ta gọi ngõ Hàng Hành - Bảo Khánh là phố café, phố điểm tâm, phố chơi đêm, phố sinh viên, phố Tây. Sáng sáng đi trên ngõ phố, pha quện những vị xôi gà, bún thang, bún măng, phở bò, café thuốc lá, nước hoa… Kiến trúc tường như cũng có mùi. Chỉ có vài ba anh nhà hàng fastfood là vẫn lặng thinh khứu giác chẳng có việc làm.
Rơi vào cái chốn mà người và xe máy có số lượng bằng nhau, nhà - vỉa hè - mặt phố là một, kiến trúc - cuộc đờ i-đám đông là một, bỗng dưng có nhu cầu định vị lại mình trong những dòng chảy nhanh, chậm róc rách, tuôn trào của ngõ phố người đời. Đình Phả Trúc Lâm, bị dồn ép, vẫn còn đây. Chốn thờ tự trở nên đơn côi, thoi thóp như café Nhân thuở nào. Miếu Khánh Thụy linh từ, dựng trên nền Lầu Công chúa ngày xưa, được ngăn cách khỏi phố xá trần tục bởi bức tường thô thiển đã kịp phủ rêu. Dưới chân tường và gốc xà cừ già cỗi, chị bán bún ngan kê dúi vào mấy cái gọi là bàn là ghế, chất đầy những đĩa thịt ngan chặt rõ to ăn cho bỗ bã. Đình và miếu lấy quạt che, để cho thị trường quay mặt ra , chiếm lĩnh tuốt tuột mặt phố. Còn sót lại đó đây như là một sự kỳ diệu, những mảng tường rào cũ kỹ mà, không rõ vì sao, người ta chưa đục phá hết.
Thế nhưng, ngắm nhìn chậm chãi lại ngỡ ngàng nhận ra một điều: vẫn còn đó những bóng hình ngày qua, vẫn còn đó hình ảnh của cái xóm Việt trong đô thị, cái ngõ phố của Thăng Long - Hà Nội, cái cung cách sống tiểu tư sản ngấm sâu từ thuở nào vào ta, cái sự hiện diện của nền kinh tế thị trường kiểu tiểu thương. Hơn thế nữa, mặc dù diện mạo kiến trúc phố xá đã thay da đổi thịt, nhà cửa đa phần đã cải tạo hoặc xây mới , vẫn hiện hữu cái cấu trúc đô thị là sản phẩm trực tiếp và đích thực của cuộc sống, với sự pha trộn và trung hoà muôn vàn những quyền lợi, những nhu cầu những khát vọng, những thời đại và năm tháng. Hình hài kiến trúc, kết tụ bởi những cái đó, là cái tổ người chung sống. Cái cấu trúc tổ người - ngôi nhà, dãy phố đó luôn mềm mỏng, sẵn sàng ứng biến và thích ứng về cách sử dụng, thay đổi chiều cao và chiều rộng, về hình dáng và kiểu cách. Không cần thì thu vào cần thì nống ra. Cái khung và cái vỏ kiến trúc, lẽ ra phải đông cứng, hoá ra lại mềm mại, uyển chuyển như bản thân nhu cầu. Bộ mặt phố phường Hà Nội không chỉ bộc lộ dấu ấn thời gian, vật liệu cùng chất liệu xây dựng, công năng, sự giàu sang hoặc cái nghèo. Bộ mặt phố phường Hà Nội bộc lộ cuộc đời, như nó có. Liệu có nên so sánh chân dung diện mạo phố cũ Hà Nội với những chiếc áo lộn trái chăng? Ngắm nhìn những đường phố ở nhiều đô thị hoa lệ, mà kiến trúc là sản phẩm của sự chọn lọc, của bài bản thiết kế và phong cách, của quy củ và sự giàu sang, tôi cảm thụ cái đẹp, song thấy hình như tất cả vẫn chỉ là kiến trúc. Tôi không sao trò chuyện với những toà nhà, những đường phố ấy. Còn những con phố Hà Nội của tôi, nói đẹp e quá lời, nói xấu e tủi thân, không để cho ta thờ ơ, chúng cuốn ta vào câu chuyện tay đôi.
Kiếm một chỗ dưới gốc xà cừ xiêu vẹo to quá cỡ trước café Nhân, tôi ngồi chỉ để quan sát. Một mợ sồ sề ngồi xổm trước chậu nước bồ kết, hồn nhiên gội đầu hệt như ở cầu ao nhà. Vài anh thợ rửa xe xì xì xẹt xẹt tung toé bụi nước lẫn bọt xà phòng. Mấy ông xem vẻ nghệ sỹ hay nhà báo, mượn tách café, nói chuyện huyên thuyên, mài dũa lưỡi bằng tiếu lâm mẻ mới. Trên lầu, sau lớp kính, vài đôi trai gái chụm đầu, cứ tưởng như họ ngồi trong bể cá. Biết đâu, họ cũng đang nghĩ những người ngồi ngoài, như tôi, trong bể cá to hơn, cũng nên.
Kẻ kẻ gồng gánh tào phở, bắp luộc, rau dưa xiêu xiêu vẹo vẹo bước qua. Ngó nghiêng mấy anh Tây chị đầm… Ngõ Hàng Hành - Bảo Khánh, cuộc sống - tổ người cùng kiến trúc hoà quện, động mà xem chừng tĩnh.