• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngồn ngộn tư liệu lịch sử trong "Phi công Mỹ ở Việt Nam"

20/12/2013 17:27

(Toquoc)- "Phi công Mỹ ở Việt Nam" là cuốn sách nhiều tư liệu lịch sử quý và có ý nghĩa cho dịp kỷ niệm 40 năm ký kết hiệp định Paris và Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.



(Toquoc)- "Phi công Mỹ ở Việt Nam" là cuốn sách nhiều tư liệu lịch sử quý và có ý nghĩa cho dịp kỷ niệm 40 năm ký kết hiệp định Paris và Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.

Những năm tháng ấu thơ của nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh, thậm chí cả sau chiến tranh một thời gian dài, hầu như đứa trẻ nào cũng được học thuộc bài hát có những câu: Cháu yêu chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê/ Tàu bay Mỹ tới đây chú bắn cho tan tành/ Nòng súng cao chú giữ lấy trời xanh/ Cho cháu vui học hành dưới mái trường đỏ tươi.”.

Câu hát trên đã thuộc về lịch sử. Một lịch sử từng in sâu trong tâm trí những đứa trẻ thơ ngây biết đến “mùi vị” của chiến tranh.

Trẻ con bây giờ, không còn được dạy những bài hát như thế nữa. Có chăng, chỉ còn trong lời ru của bà, của những người đàn bà từng ôm con đi tản cư vì bom đạn cứ mặc nhiên “lẫn”, mặc nhiên “lạc” cái cò cái vạc lặn lội bờ sông với Tàu bay Mỹ tới đây chú bắn cho tan tành, với bé bé bằng bông, hai má hồng hồng, bé đi sơ tán bế em đi cùng…

Từ hình ảnh chiếc tàu bay Mỹ bị bắn tan tành, có lẽ nhiều người cứ nghĩ kẻ thù lái máy bay cũng phải bị bắn. Hoặc có nhảy dù thoát chết thì với lòng căm thù tội ác họ từng gây ra cũng sẽ có một kết cục không khác là bao.

Một thời chúng ta không dùng từ phi công để chỉ những người lái máy bay của địch mà gọi bằng giặc lái.

Nhưng sự thực không phải vậy.



Bìa sách



Đọc cuốn Phi công Mỹ ở Việt Nam của Đặng Vương Hưng sẽ cho độc giả - nhất là những người không trải qua chiến tranh biết thêm về sự thật lịch sử.

Khi máy bay Mỹ bị bắn rơi, phi công nhảy dù, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các lực lượng phải tìm bằng được viên phi công ấy, với quan niệm: “Khi ở trên trời là người của họ, xuống đây là khách của ta, phải đón tiếp chu đáo”… Tìm được thì cải trang cho họ giống như người bản địa và lặng lẽ giao họ cho cấp trên. Để sau đó là những cuộc trao trả và thương lượng có lợi cho phía ta trong thời kỳ cùng chống lại phát xít Nhật cho đến khi hiệp định Pari được ký kết.

Nhà tù Hoả Lò là nơi giam giữ hàng trăm tù binh phi công Mỹ đã được cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam miêu tả khá chi tiết cùng với những thay đổi mang tính lịch sử và thời gian. Chẳng hạn như tổng diện tích cũ của Hoả Lò là 13.000 mét vuông, nhưng hiện giờ chỉ còn bằng 1/5 diện tích cũ, các phi công Mỹ đã gọi Hoả Lò là “Khách sạn Hilton Hà Nội” hoặc “Khách sạn vỡ tim”. Ngoài Hoả Lò còn hai địa điểm nữa là “Sở Thú” - khu vực đường Nguyễn Trãi bây giờ và “Đồn Điền” ở phố Lý Nam Đế.

Dù bị giam giữ tại Hoả Lò nhưng các tù binh phi công Mỹ lại được hưởng chế độ khá đặc biệt, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thử tưởng tượng trong thời kỳ chiến tranh, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, nhiều nơi bộ đội và nhân dân phải ăn độn khoai sắn mà lại dành khẩu phần ăn tốn kém cho những kẻ đã từng gây ra bao tội ác với đồng bào ta. Tù binh phi công Mỹ được ăn theo mức “đặc táo”, có bánh mì với sữa, bánh mì kẹp trứng hoặc thịt cùng súp thịt hầm. Ai nghiện thuốc lá còn được phát 3 điếu một ngày. Ngày tết được gói bánh chưng, cuốn nem, gà quay, cơm rang thập cẩm, uống bia Trúc Bạch… Vì sao lại như vậy? Có lẽ đây không những là câu hỏi tại của những ai từng biết trong thời điểm diễn ra mà cũng là câu hỏi của không ít người hôm nay, nhất là với thế hệ trẻ. Và câu trả lời là “Cấp trên giải thích: Tù binh Mỹ là “vốn quý” và “tài sản” để sau này chúng ta có thể đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với địch. Cán bộ chiến sĩ của trại phải xác định rõ; chăm sóc bảo đảm sức khoẻ cho tù binh cũng là một nhiệm vụ đặc biệt”.

Quả thật, khi chuẩn bị kí kết hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam thì những tù binh phi công được phía Việt Nam trao trả về nước. Từ đây, vấn đề mới lại nảy sinh. Vì việc trao trả tù binh sẽ có sự chứng kiến của đông đảo báo chí quốc tế. Mọi cử chỉ hành động, đến diện mạo bên ngoài của tù binh Mỹ sẽ được báo chí thế giới đề cập, đưa tin. Thế là các phương án về may đồng phục cho tù binh thế nào, đối phó, thuyết phục với một số tình huống tù binh viết đơn được tình nguyện… ở lại Việt Nam, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng bằng các buổi nói chuyện thấu tình đạt lý để các tù binh không có những phản ứng tiêu cực hoặc bất lợi cho cuộc trao trả…

Bên cạnh hàng loạt trang sách giải mã “tuyệt mật” và “bí mật”… trong cuộc chiến tranh Việt Nam khá thú vị, ngồn ngộn tư liệu lịch sử quý giá thì không thể không kể tới các trang sách miêu tả cuộc sống của tù binh phi công Mỹ trong những ngày bị giam giữ tại Việt Nam. Giây phút được trao trả về cố hương để đoàn tụ gia đình. Một sự thật hiển hiện mà cứ như giấc mơ của những người lính từng có số phận làm tù binh. Họ đã vỡ oà như thế nào khi đặt chân lên máy bay. Họ đã về quê hương rồi tiếp tục phục vụ trong quân đội Mỹ, trở thành tướng lĩnh, nắm chính quyền tại Mỹ như thế nào. Dù thế, nhưng họ vẫn nhớ đến những ngày bị giam cầm ở Việt Nam với lòng kính trọng, chính sách khoan dung, nhân đạo của Việt Nam dành cho mình. Những cuộc trở lại Việt Nam, thăm nhà tù Hoả Lò xưa, viết hồi ký đã chứng minh tình cảm của tù binh Mỹ dành cho Việt Nam, chứng minh về sự thật cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam… như một lời xin lỗi muộn người dân Việt Nam sau chiến tranh.

Phi công Mỹ ở Việt Nam kể lại nhiều câu chuyện có thật trong lịch sử với nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt chiều dài chiến tranh Việt Nam. Đó có thể là câu chuyện thuộc phạm vi bí mật thời đó, giờ là thời điểm để công bố. Hoặc cũng có thể là câu chuyện rất nhỏ bé, một bức thư của một tù binh nữ xin được nuôi một con mèo hoặc lá thư cá nhân xin lỗi… nhưng chung quy lại, rất sâu sắc, đáng trân trọng, cảm động, chân thành, nhân văn…

Đọc Phi công Mỹ ở Việt Nam thực sự đã khiến cho thế hệ trẻ nhìn nhận về chiến tranh thêm nhiều khía cạnh quý giá. Cho dù đạn bom khốc liệt nhưng con người với con người dù phía bên nào cũng được đối xử với nhau bằng sự tử tế chứ không phải bằng sự lạnh lùng tàn ác của vũ khí.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ