• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người cao tuổi tham gia sản xuất kinh doanh, truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau

Văn hoá 03/10/2023 16:58

(Tổ Quốc) - Phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi đem lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Mặt khác thông qua sản xuất kinh doanh người cao tuổi truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, phong trào thi đua người cao tuổi (NCT) sản xuất - kinh doanh giỏi ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng điển hình trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, nông, lâm, thủy, hải sản và các ngành nghề truyền thống...

Nhiều NCT đã trở thành chủ doanh nghiệp các cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ trang trại, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đã được chính quyền các cấp ghi nhận.

Người cao tuổi tham gia sản xuất kinh doanh, truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, việc đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, chất lượng với phương pháp nông nghiệp tuần hoàn đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Từ lĩnh vực này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trên lĩnh vực nông, lâm, ngư, điển hình như Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch tập đoàn Quế Lâm, đã đầu tư dự án tổ hợp 4F trên 700 tỷ đồng, nhà máy chế biến nông sản tại thị xã Hương Trà, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp tại phường Thủy Bằng, các siêu thị ở thành phố Huế, thị xã và các huyện. Giải quyết việc làm cho 500 lao động, đặc biệt có nhiều người cao tuổi tham gia.

Nhằm mở rộng liên kết với các hộ nông dân ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chăn nuôi lợn an toàn sinh học, trồng ngô, đậu tương, cam hữu cơ, góp phần thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao thu nhập cho đồng bào, giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra ông Nguyễn Hồng Lam đã vận động hàng nghìn hộ nông dân và hàng trăm hợp tác xã liên kết với tập đoàn Quế Lâm để sản xuất lúa hữu cơ, riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có trên 10 hợp tác xã và 50 hộ nông dân tham gia.

"Ngoài việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tập đoàn Quế Lâm còn tuyên truyền vận động người dân sử dụng các sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn để tự mình bảo vệ sức khỏe. Hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh để sử lý rơm rạ, rác thải, phụ phẩm, phế phẩm, chất thải trong nông nghiệp và sinh hoạt để chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh. Tại Thừa Thiên Huế đã hình thành các siêu thị, đưa gạo hữu cơ, thịt hữu cơ vào các trường học bán trú và khu công nghiệp, đặc biệt đã có hàng trăm hộ sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường", Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Bên cạnh đó, tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang có Ông Lê Mỵ (66 tuổi), tận dụng sức khỏe còn tốt, hàng năm ông gieo sạ 16 ha lúa bình quân 6 tấn/ha, sản lượng thu về khoảng 96 tấn lúa, với tổng giá trị khoảng 604 triệu đồng, ngoài ra, ông còn đầu tư 1 máy gặt liên hợp thu về hơn 120 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập hàng năm đã khấu trừ chi phí còn lại 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Tuệ, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông bản thân là người nông dân, cuộc sống gắn liền với đất đai ruộng vườn, tận dụng nguồn đất có sẵn của gia đình, cộng với diện tích đất khai phá ông đã trồng hơn 1,5 ha cây keo, 0,9 ha cây cao xu đang khai thác, 0,6 ha trồng rau, 0,4 ha ao nuôi cá và 0,1 ha hồ xây nuôi ba ba, thu nhập bình quân hàng năm trên 180 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy có ông Lê Đắc Lợi với quyết tâm của bản thân, ông đã mạnh dạng đầu tư lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, từ những kinh nghiệm tích lũy, dần dần mô hình kinh doanh của ông đã trở thành đầu mối sản xuất, mỗi năm cung cấp khoảng 4,7 tấn thực phẩm tươi sống ra thị trường bao gồm các xã lân cận và chuyển hàng đến các điểm thuộc thành phố Hà Nội, sau khi tính toán, trừ mọi chi phí, thu nhập còn lại đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trên lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng như lĩnh vực thương mại và dịch vụ cũng xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình người cao tuổi làm kinh tế.

Theo Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế, phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm hộ nghèo, ổn định kinh tế xã hội, khẳng định vai trò người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và đã có kết quả nhất định.

"Qua phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi đem lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Mặt khác thông qua sản xuất kinh doanh người cao tuổi truyền nghề, truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau", ông Hồ Việt Lễ cho biết.

Đăng Nguyên


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ