• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân có phải làm lại thẻ căn cước khi luật mới có hiệu lực?

Thời sự 29/11/2023 13:57

(Tổ Quốc) - Ngày 29/11, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả của kỳ họp.

Không phải làm lại thẻ căn cước khi luật mới có hiệu lực

Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về các nội dung liên quan đến Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, sáng 27/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024), để thay thế cho Luật Căn cước công dân. Bên cạnh đó, thẻ căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Luật Căn cước mới vừa được Quốc hội thông qua nêu rõ thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…

Phóng viên nêu câu hỏi việc thu thập thêm mống mắt vào dữ liệu căn cước mới sẽ được thực hiện thế nào? Người dân hiện đang có căn cước công dân thì có phải bắt buộc thu thập mống mắt khi luật mới có hiệu lực không?.

Người dân có phải làm lại thẻ căn cước khi luật mới có hiệu lực? - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức trao đổi với các nhà báo về việc thu thập thông tin cá nhân cho cơ sở dữ liệu dân cư

Trả lời về vấn đề quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước của Luật Căn cước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, đây là một trong những nhóm về sinh trắc học, quy định mới của dự thảo luật.

Việc thu thập mống mắt được thực hiện với thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý căn cước. Khi người dân đến làm mới, cấp đổi mới thẻ căn cước thì cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin mống mắt để làm giàu cho dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Người dân đang có thẻ căn cước công dân vẫn còn hiệu lực thì thẻ này vẫn có giá trị sử dụng như thẻ căn cước mới", ông Nguyễn Minh Đức nói và cho biết, công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện tích hợp, khai báo thông tin, trừ trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, đổi thẻ căn cước.

Hiện có nhiều loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại, gồm: chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip.

Theo đó, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Tính đến nay, bằng nỗ lực của ngành công an và cả phía người dân, Bộ Công an đã cấp được 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.

Đối với CMND còn thời hạn sử dụng, luật nêu rõ là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ

Tại cuộc họp báo, các đại biểu Quốc hội đã trả lời nhiều câu hỏi, giải đáp các thắc mắc, ý kiến của các phóng viên xung quanh kết quả Kỳ họp, những quyết sách lớn được đưa ra tại Kỳ họp trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Người dân có phải làm lại thẻ căn cước khi luật mới có hiệu lực? - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi họp báo

Giải đáp câu hỏi của các nhà báo về vấn đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, góp phần giúp các luật, Nghị quyết của Quốc hội được thực thi một cách nghiêm minh, tổ chức thực hiện hiệu quả trên phạm vi cả nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát.

Trước hết, về ban hành thể chế và các văn bản chỉ đạo, Đảng Đoàn Quốc hội đã có kết luận về Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành quy định về giám sát văn bản quy phạm pháp luật để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết về các hoạt động giải trình trước Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng đang được khẩn trương xây dựng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hướng tới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan đến hoạt động giải trình. Về giám sát của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Nghị quyết hướng dẫn về giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp cũng như các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân. Các văn bản được ban hành này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Trong tổ chức thực hiện giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng. Cụ thể như việc ban hành Nghị quyết chất vấn khi tiến hành chất vấn ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân, công tác dân nguyện cũng được chú trọng. Đây là những điểm mới trong nhiệm kỳ Quốc hội này, góp phần giúp công tác giám sát được thực hiện tốt hơn, đầy đủ hơn ở mọi lĩnh vực.

Người dân có phải làm lại thẻ căn cước khi luật mới có hiệu lực? - Ảnh 3.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin tại buổi họp báo

Về nội dung tiếp tục đổi mới hoạt động này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, công tác giám sát của Quốc hội sẽ còn có nhiều đổi mới hơn nữa, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trong suốt thời gian qua, các phóng viên đã đồng hành với Quốc hội trên tất cả các sự kiện. Những phản ánh kịp thời của phóng viên đã góp phần quan trọng để thông tin cho cử tri, Nhân dân cả nước biết về những hoạt động Quốc hội, qua đó giám sát hoạt động của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội do mình tín nhiệm bầu ra.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, phản ánh chân thực, kịp thời các hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, qua đó làm cầu nối vững chắc giữa Quốc hội và cử tri, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ