• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người được khắc tên trên bia mộ cổ được phát hiện tại Huế là ai?

Thời sự 26/06/2017 16:29

(Tổ Quốc) - Qua đối chiếu với danh sách các phi tần vua Tự Đức được thờ trong lăng có bài vị của bà Tài nhân họ Lê Thị, thụy Thục Thuận. Tuy nhiên để biết người được khắc tên trên bia mộ cổ được tìm thấy có phải là bà Tài nhân họ Lê Thị như trong bài vị thờ trong lăng hay không cần phải xác minh, làm rõ thêm.

Người được khắc tên trên bia mộ là ai?

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã đưa tin, những ngày qua dư luận ở tỉnh Thừa Thiên – Huế xôn xao trước thông tin một lăng mộ cổ nghi là vợ của vua Tự Đức tại phường Thủy Xuân, TP. Huế bị san lấp trong quá trình thi công làm dự án bãi đậu xe du lịch.

Trước những thông tin phản ánh, từ ngày 22 và 24/6, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cùng đơn vị thi công đã phối hợp với Ban trị sự Nguyễn Phước tộc tiến hành khai quật khu vực bị san ủi để kiểm tra, xác minh thông tin.

Đến khoảng 14h ngày 24/6, đội tìm kiếm đã phát hiện một tấm bia mộ cổ tại khu vực này. Tấm bia mộ cổ được tìm thấy có chiều dài khoảng 70cm, ngang khoảng 35cm, phía trên có khắc dòng chữ Hán: 前 朝 才 人 九 階 黎 氏 謚 菽 順 之 墓 “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ”, tạm dịch: “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”.

Thông tin trên tấm bia mộ cổ cho thấy đây là mộ của một bà vợ vua có thứ bậc thấp nhất trong 9 cấp bậc của hệ thống phi tần triều Nguyễn. 

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế, từ những thông tin khắc trên bia mộ có thể khẳng định đây là mộ chí của một bà vợ vua có thứ bậc thấp nhất trong 9 cấp bậc của hệ thống phi tần triều Nguyễn (Cửu gia phi – PV). Tuy nhiên để biết rõ hơn về nhân vật này cần được các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu, làm rõ thêm.

Một cán bộ làm công tác nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện bia mộ cổ, thông tin mang đối chiếu với danh sách bài vị các phi tần của vua Tự Đức thờ trong lăng thì có một bài vị của bà Tài nhân họ Lê Thị, thụy Thục Thuận.

Cùng với đó, khi kiểm tra trong sách Đại Nam thực lục và ghi chép trong Thế phả của dòng họ Nguyễn Phước tộc, trong danh sách các phi tần của vua Tự Đức cũng có một bà họ Lê Thị nhưng không rõ lai lịch, tên tuổi. Bà này từ Thận tần được tấn phong làm Cung phi vào tháng 1/1860 (tức năm Tự Đức thứ 13).

Tuy nhiên,vị này cũng thắc mắc nếu tấm tấm bia mộ được tìm thấy là của bà Cung phi Lê Thị, thời điểm trước khi tấn phong bà là Thận tần thuộc bậc ba, Tam giai tần trong thứ bậc phi tần thì tại sao trên bia mộ tìm thấy lại ghi là “Cửu giai Tài nhân?” (Từ bậc thứ 3 hạ xuống bậc cuối cùng - PV). Theo tìm hiểu được biết, điều này hiện tại vẫn chưa thấy có tài liệu nào ghi chép lại.

 Lăng vua Tự Đức, nơi có miếu thờ bài vị các phi tần của ông và các vua tiền nhiệm.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, PGS. TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, phía Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc yêu cầu phía chủ đầu tư dừng thi công để tiến hành tìm kiếm là việc làm đúng và cần thiết.

Việc tìm ra tấm bia ngôi mộ cổ đã bị san ủi ngay sau đó là một phát hiện rất quan trọng, tuy nhiên thông tin trên bia mộ vẫn còn thiếu một số thông tin như tên tuổi cụ thể, năm mất, người phụng lập,…

“Theo tôi, để làm rõ hơn thì có thể tìm về gia tộc họ Lê để tìm hiểu về thân thế, gia thế cũng như thời gian hoạt động trong cung của bà là như thế nào”, PGS.TS Đỗ Bang nói.

 Chí Khiêm Đường nơi được cho là có bài vị bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận.

Trước thông tin tại miếu thờ các phi tần của vua Tự Đức có bài vị thờ bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận khá tương đồng với những thông tin được khắc trên bia mộ cổ được tìm thấy, phóng viên theo chân PGS. TS Đỗ Bang vào lăng Tự Đức để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Lăng vua Tự Đức chỉ nằm cách khu vực tìm ra bia mộ cổ và lăng bà Học Phi khoảng 200m. Đây chính là nơi chôn cất vua Tự Đức. Với kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, lăng Tự Đức là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn. Ngày nay đây là điểm đến thu hút khách du lịch ở trong và ngoài nước.

Trong lăng Tự Đức hiện tại có Chí Khiêm Đường là miếu thờ các phi tần của vua Tự Đức và các vua tiền nhiệm. Tuy nhiên khi đến đây mọi người khá ngạc nhiên khi các án thờ đều trống rỗng, không có một bài vị nào của vợ vua Tự Đức.

Trao đổi với phóng viên, một bảo vệ đang làm việc tại lăng Tự Đức cho biết vì Chí Khiêm Đường đang tiến hành trùng tu nên các bài vị của các bà phi tần đã được cất giữ cẩn thận tại một khu vực khác.

 Các án thờ tại Chí Khiêm Đường trống rỗng vì các bài vị đã được chuyển đến một nơi khác để phục vụ cho việc trùng tu.

Theo PGS. TS Đỗ Bang, để khẳng định bia mộ cổ được tìm thấy có phải của bà Tài Nhân, thụy là Thục Thuận có bài vị thờ ở trong miếu hay không cần phải đối chiếu thêm.

“Trước mắt, tôi phải tận mắt nhìn thấy tấm bài vị đang được thờ trong Chí Khiêm Đường ở lăng Tự Đức nhưng hiện khu vực này đang được trùng tu, các bài vị đã được di dời nên tôi chưa thể tiếp cận”, PGS. TS Đỗ Bang cho hay.

Nhìn nhận về sự việc đã xảy ra, PGS. TS Đỗ Bang cũng bày tỏ quan điểm cho rằng hành động cày xới một ngôi mộ như vậy về đạo lý là sai hoàn toàn.

“Theo quan điểm riêng của tôi, về nguyên tắc, về luật di sản thì phải tiến hành khảo cổ, còn làm hay không còn tùy thuộc vào nhà đầu tư. Vì Luật khảo cổ lấy phần trăm luận chứng đầu tư để công tác khảo cổ học. Bây giờ là có thể dừng lại công trình để tiến hành khảo cổ”, PGS. TS Đỗ Bang chia sẻ.

Thế Trung - Đức Hoàng

Thế Trung - Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ