• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người là Cha, là Bác, là Anh...

Văn hoá 26/08/2019 15:53

(Tổ Quốc) - Tác phẩm "Pác Bó có Cúng Hồ" được Y Phương xây dựng theo thời gian đồng hiện. Ngoài khúc ca mở đầu, kết thúc là những khúc ca tái hiện lại lịch sử gắn với chặng đường hoạt động cách mạng của Người từ những năm đầu về nước. Y Phương đã rút ruột, trừu xuất văn hóa Tày – Nùng để viết "Pác Bó có Cúng Hồ".

Từ lòng yêu kính, tri ân lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà thơ Y Phương luôn ấp ủ đề tài về Bác Hồ kể từ khi bắt đầu cầm bút (năm 1973). Sự trăn trở, thôi thúc của người con quê hương Cao Bằng viết về lãnh tụ dường như không lúc nào yên và chưa bao giờ nhà thơ dừng nghĩ viết về lãnh tụ yêu kính của mình. Vì thế, lúc nào nhà thơ Y Phương cũng canh cánh như một "món nợ lòng". Và tác phẩm "Pác Bó có Cúng Hồ" (Tiếng Tày Cúng là Ông) đã ra đời thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân của Y Phương với vị lãnh tụ cả một đời vì nước, vì dân. Thông điệp từ tác phẩm là sự khẳng định, ngợi ca công lao trời biển của lãnh tụ Hồ Chí Minh - một nhà yêu nước vĩ đại đã sớm kết hợp truyền thống dân tộc Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại - Người là linh hồn, là ngọn cờ lãnh đạo nhân dân Việt Nam đoàn kết, chiến đấu trong cuộc kháng chiến cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Là người con Cao Bằng, nhà thơ có niềm tự hào về sự kiện Cúng Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Càng xúc động hơn khi Người đã chọn Pác Bó là nơi dừng chân đầu tiên khi trở về lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Từ đây, Cúng Hồ đã coi mảnh đất Cao Bằng là quê hương thứ hai của mình. Mảnh đất, con người Cao Bằng đã để lại trong lòng Người bao thương mến, yêu dấu khôn nguôi. Sự kiện đặc biệt đó đã thôi thúc Y Phương bắt tay xây dựng đề cương, triển khai bản thảo… Nhưng phải mấy chục năm sau bằng trải nghiệm nung nấu gần cả cuộc đời, người con dân tộc Tày mới dám đặt bút viết và cũng chỉ khuôn trong phạm vi Cúng Hồ với Cao Bằng.

Bac Ho1

Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (28/1/1941), tranh sơn dầu của họa sĩ Trịnh Phòng.Ảnh: baocaobang.vn

Lý giải tựa đề tác phẩm, nhà thơ nói dẫu lãnh tụ Hồ Chí Minh đã hơn 129 tuổi, nhưng người dân Việt Nam – con cháu của Người từ trẻ đến già dù, ở bậc tuổi nào (cụ, kỵ, ông) vẫn gọi Bác như người thân trong gia đình là Bác, Bác Hồ "Người là cha, là bác, là anh" (Tố Hữu). Đơn giản vì "Bác là anh trai của bố". Còn người dân Pác Bó "Thân thiết gọi Cúng Hồ". Tác phẩm "Pác Bó có Cúng Hồ" thể hiện tình cảm của người dân Pác Bó nói riêng và nhân dân tỉnh Cao Bằng nói chung đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu.

Tác phẩm "Pác Bó có Cúng Hồ" được Y Phương xây dựng theo thời gian đồng hiện. Ngoài khúc ca mở đầu, kết thúc là những khúc ca tái hiện lại lịch sử gắn với chặng đường hoạt động cách mạng của Người từ những năm đầu về nước. Y Phương đã rút ruột, trừu xuất văn hóa Tày – Nùng để viết "Pác Bó có Cúng Hồ".

Mở đầu là "Khúc ca mời chào" của hướng dẫn viên tại Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Thiết chế văn hóa này được mô phỏng từ kiến trúc kiểu nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng. Hướng dẫn viên giới thiệu "Theo phong tục người Tày":

Xin quý khách vui lòng tháo giày

…Làm sạch mình

Trước khi lên cầu thang

Bước vào cửa Thán

Đây là nơi thờ Bác

Xin mọi người nhẹ nhàng

Lặng im như nén hương

Chắp tay như đóa hoa

Cúi đầu như ngọn đèn

          Kết thúc "Khúc ca tiễn khách", hướng dẫn viên chào khách đến tham quan vẫn theo theo phong tục người Tày - Nùng:

Xin mời quý khách mỗi người một ly rượu nhạt

Rượu này cất từ gạo khẩu pay khẩu pét

…Đường về xuôi nghe nói xa thật xa

Nhưng lòng này không xa

Xin quý khách hãy coi Pác Bó là nhà

Nhà của Bác ở đây

Quê của Bác cũng là đây

Trong lòng người Nùng, người Tày

Xen giữa thời gian hiện tại mở đầu và kết thúc là cảm xúc của tác giả tái hiện lại thời gian khoảng ba năm Cúng Hồ sống, hoạt động cách mạng, gây dựng phong trào và gắn bó sâu sắc với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Là người viết sử bằng văn chương, Y Phương bám chặt vào lịch sử và sáng tạo hiện thực kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và chất liệu trường ca "nói được một đời". Chỉ có mở rộng dung lượng ngôn từ mới có thể ôm xuể hiện thực đầy đặn và quý giá đó.

Bac Ho 2

Ngày 10-5-1941, là ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Trung ương VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pác Bó (Cao Bằng), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: TL/thegioidisan.vn

Xuân Tân Tỵ 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trở về Tổ quốc. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược thiên tài, Người phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngày 28/01/1941 (ngày mùng 2 tết Tân Tỵ), Bác Hồ rời đất Trung Quốc qua cột mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng nước ta:

"Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta"

Từ đây

Qua Bắc Kạn

Ta về Thái Nguyên

Nối với đồng bằng

Và cả nước

Cách mạng rồi sẽ như cây vươn cành

… Ta lấy Cao Bằng làm bàn đạp

Tiến thẳng về xuôi

Cao Bằng tự hào là nơi Bác Hồ chọn điểm đặt chân đầu tiên. Cao Bằng hội tụ đủ những điều cần thiết của một căn cứ địa cách mạng. Y Phương đã khéo léo đưa lý do "Bác chỉ chọn Cao Bằng/ Lấy làm nơi bắc kiềng/ Nhóm lửa/ Bùng lên làm Cách mạng" bởi vì:

Một thẻo đất biên thùy

Thuận

Có thể tiến

Nguy

Có thể thoái

Tiến thoái tùy nghi

Ngoài ra, Bác chọn Cao Bằng bởi con người ở đây sừng sững, gan góc, thủy chung như đá:

Đá Cao Bằng là đá muôn mặt

Đá khôn lường

Đá có thể làm kè

Đá có thể xây tường

Đá đánh lừa trượt chân quân giặc

Có thể nấp trong đá xông ra đánh úp

Có thể nung đá thành vôi

Cao Bằng đậm đặc những di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống yêu nước:

Đây là đồn Nà Ngần

Kia là đồn Phai Khát

Bay sang kia là rừng Trần Hưng Đạo

Kia là động Ngườm Ngao

Còn đây chợ Co Xàu

Giấc mơ vút bay qua đèo Liêu

Vượt đèo Mã Phục

Ngược lên Nà Giàng rồi Bản Giới

Giấc mơ liền bay tới

Kia rồi

Núi Các - Mác

Hang Pác Bó

Cao Bằng đã sinh ra bài ca trên đá và "sinh ra những con người" với phẩm tính cao đẹp "Lấy nhân nghĩa làm đầu/ Lấy hiếu trung làm rường cột/ Tin là tin đến chết". Nhưng "Nếu đã ghét/ Thì không thèm nhìn mặt/ Xúc đất/ Ném đi". Đồng bào Cao Bằng đã thay mặt nhân dân cả nước bảo vệ an toàn mọi hoạt động và chỗ ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là đảm bảo an toàn cho đại bản doanh của cách mạng trong những ngày đầu về nước gây dựng phong trào gian nan:

Mỗi ngày ta hiểu một chút

Vì sao Bác chọn Cao Bằng

Làm nơi khởi nguồn

Phong trào Cách mạng

Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" của Người đã nằm lòng bao thế hệ. Y Phương đã diễn đạt câu thơ "Sáng ra bờ suối, tối vào hang" của Bác vào trường ca một cách tự nhiên, dung dị như chính Con Người Hồ Chí Minh. Cúng Hồ hiện ra như một vị tiên ông giữa thiên nhiên hùng vĩ, phóng khoáng của núi non, nơi miệng nguồn "Người Tày gọi Pác Bó":

Bác ngồi như Phật ngồi

Mây lượn lờ quanh quanh chân người

Ngược dòng lịch sử, Y Phương đã nhắc thời điểm "Người đi tìm hình của nước" (Chế Lan Viên) bằng những câu thơ khái quát về một cuộc đi "Vòng quanh trái đất" với nhiều cái nhất: "Dài nhất/ Lâu nhất/ Bền bỉ nhất/ Gian khổ và hy sinh nhất…". Người đã đi trên chính đôi chân của mình mà bệ đỡ phía sau là truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc bền bỉ suốt mấy ngàn năm lịch sử:

Đôi chân người đi tìm đường cứu nước

Không một lãnh tụ nào trên thế giới

 …Bất chấp hiểm nguy như Bác

Người đã đi bằng đôi chân trần

Từ Xuân Tân Tỵ – 1941, Bác về nước lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, tròn 20 năm sau - Xuân Tân Sửu - 1961, Người trở lại thăm đồng bào Pác Bó - chiếc nôi của cách mạng, nơi có lòng dân thủy chung, son sắt, che chở cho Người trong những ngày đầu gây dựng phong trào đầy khó khăn, gian khổ. Trong cuộc nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Bác Hồ đã gửi bao niềm mong "Tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây. Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ít nhất Cao Bằng phải Cao Bằng nơi cao nhất…". Sự kiện Cúng Hồ về thăm Pác Bó bằng ngựa đã đi vào tác phẩm bằng những chi tiết cụ thể, đậm bản sắc đồng bào Việt Bắc từ hình ảnh đến âm thanh: 

Bác cưỡi ngựa

Lên thăm Pác Bó

Choong  nào đồng bào Nùng

Côông khoo phàng

Vọng vào vách núi

Pí lè đồng bào Dao

Ò ý e lò le

Réo rắt tựa thác nước

Khèn đồng bào Mông

Tò tý tò

Tò tò tý ty tý

Át cả tiếng vỗ tay

Y Phương đã khai thác từ chất liệu lịch sử để đưa vào tác phẩm. Trong kháng chiến chống Pháp, một nhóm người Pháp tiến bộ và một số hàng binh đã đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Hồ Chí Minh, ủng hộ cuộc kháng chiến dưới lá cờ giải phóng dân tộc. Nhóm người đó đã ra một tờ báo lấy tên là "Bạn chiến đấu" bằng tiếng Pháp, xuất bản tại chiến khu Việt Bắc, phát hành bí mật trong quân đội Pháp. Phóng viên báo "Bạn chiến đấu" đã phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Cứu Quốc số 938 (ngày 25/5/1948 - Chi nhánh số 6 in tại Liên khu X) đã đăng lại bài phỏng vấn này. Chi tiết hiện thực đó đã được Y Phương diễn đạt bằng ngôn ngữ thơ:

Có một phóng viên nước ngoài hỏi

Thưa Chủ tịch!

Chủ tịch ghét gì nhất?

Điều ác.

Thưa Chủ tịch!

Chủ tịch yêu gì nhất?

Điều thiện.

Chủ tịch cầu mong gì nhất?

Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên toàn cầu

Ngày 2/9/1969, Bác Hồ ra đi "về cõi người hiền" để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế. Sự kiện Cúng Hồ mất đã để lại khoảng trống lớn và nỗi mất mát không gì kể xiết cho nhân dân:

Suối Lê Nin òa lên nức nở

Người ngơ ngác hỏi người

Trời ngơ ngác hỏi trời

Chân tay đông cứng như bị trói

Da thịt hình như không phải thịt

Có hàng ngàn con kiến bò lên mặt

Trong nỗi đau không nói thành lời, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức lễ tang Cúng Hồ trọng thể tại Pác Bó. Đồng bào mặc trang phục đại tang, đau đớn tiễn đưa Bác bên bờ suối Lê nin như tiễn đưa người ruột thịt của mình:

Người già chít khăn trắng

Trẻ con chít khăn vàng

Đầu bản đến cuối bản

Đàn bà con gái

Áo lật trái

Đội khăn xô

Lưng đeo liềm

Miệng ngậm khăn

Đàn ông đội mũ rơm đi dép cỏ

Tay chống gậy

Gậy này gậy mạy ỏ

Tang cha

Gậy này gậy mạ tòong

Tang mẹ

 Đến vật vô tri như chiếc gậy cũng để tang Người:

Gậy cũng chít khăn tang như người

Chống nỗi buồn khủng khiếp này xuống đất

Đất gồng mình chịu đau thương âm ỉ khóc

Đồng bào dân tộc Tày – Nùng so sánh nỗi đau mồ côi:

Kể từ hôm nay chúng con mồ côi như con dao

Con dao không còn vỏ

Bởi người dân Cao Bằng coi Cúng Hồ như người thân trong gia đình:

Trên bàn thờ gia tiên

Bác chính là người trời

Đồng bào các dân tộc Việt Bắc thể hiện tình cảm yêu kính Bác. Cúng Hồ mất, người dân Việt Bắc để tang Bác hơn cả người thân:

Tang cha hai bảy tháng

Tang mẹ hai chín tháng

Tang Bác đủ ba năm

Chưa mãn tang Cúng Hồ, mọi nếp sống, sinh hoạt của người dân Việt Bắc như ngưng lại:

Ba năm không cắt tóc

Ba năm không cạo râu

Ba năm không sửa móng tay

Ba năm không tết nhất

Ba năm không cười đùa

Ba năm không múa hát

Theo phong tục của người Tày, bữa ăn cũng khác ngày thường:

Đến bữa ngồi ăn bốc

Ăn bốc

Mười ngón tay nhớ Bác

Liếm láp như trẻ con…

Khi đến ngày mãn tang, bà con làm lễ theo phong tục người Tày - Nùng:

Con chặt gậy mạy ỏ

Con chặt gậy mạy tòong

Đốt áo tang khăn tang

Mổ chú gà mỏ đỏ lông vàng

Làm mâm cơm cúng Bác

Thế mạnh của Y Phương không phải là "tãi" sự kiện, mà là sự dồn nén cảm xúc, là sự khái quát hóa, nâng cao vấn đề. Năng lực thơ cô đúc, súc tích đã giúp nhà thơ nâng lên tầm triết luận. Nhà thơ phác thảo diện mạo đất nước, dân tộc từ cái nhìn từ truyền thống lịch sử. Tác phẩm có những đoạn khái quát tâm thế một dân tộc anh hùng và giàu truyền thống văn hóa:

Một dân tộc lành hiền như lá

Một dân tộc chịu thương chịu khó

Một dân tộc

Đàn một dây

Chùa Một Cột

Tinh tế đến thế này

Thông qua cuộc đời, tấm gương đạo đức của Người, Y Phương nâng lên tầm cao chân lý về một dân tộc yêu chuộng hòa bình và luôn tôn vinh cái đẹp của lòng yêu nước:

Làm người yêu nước

Như hoa trong kẽm gai

Như trăng trong ngục tù

Mọi cái đẹp không có gì vùi dập được

Và cái đẹp sẽ dần dần

Cảm hóa cái xấu cái ác

Cái xấu cái ác sẽ tự tiêu đi mất

Trong quan niệm của người Á Đông, hoa sen là tượng trưng cho sự thuần khiết, là hình ảnh của người quân tử. Hình ảnh hoa sen là biểu tượng Cúng Hồ với một vẻ đẹp giản dị, thanh cao, ngời sáng:

Sen Việt Nam

Như người Việt Nam. Nhìn thấy sen là nhớ đến Bác

Người là hiện thân của lịch sử. Người là hiện thân của cả dân tộc. Người đã trở thành vị Tiên, vị Thánh trong lòng nhân dân. các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung:

Đấy là ông bụt

Bụt hiện xuống đây cứu nước cứu dân

Dù thâm nhập đội ngũ viết trường ca muộn hơn, nhưng để tránh biến trường ca thành diễn ca lịch sử và cũng phát huy thế mạnh của mình, Y Phương rất chú ý khai thác các yếu tố văn hoá, nhất là bản sắc văn hóa Tày, hoà trộn chất liệu văn hoá đó tạo ra một điểm tựa kép nâng đỡ tác phẩm. Đó là hai nguồn cảm hứng lớn tạo ra hai âm hưởng chủ đạo: âm hưởng tráng ca lịch sử hào hùng và âm hưởng trữ tình văn hoá dân gian sâu lắng da diết, bổ sung, nâng đỡ nhau làm nên một sắc điệu riêng của nhà thơ và của trường ca hôm nay.

Tác phẩm "Pác Bó có Cúng Hồ" đã thể hiện nỗ lực không ngừng trong hành trình sáng tạo của Y Phương. Thủ pháp nghệ thuật đồng hiện quá khứ - hiện tại; không gian trong nước - ngoài nước, không gian Cao Bằng – Hà Nội... bằng những liên tưởng, tưởng tượng, bắc cầu từ sự kiện này sang sự kiện khác đã được nhà thơ sử dụng hiệu quả kết hợp với nền tảng văn hóa Tày bền chắc, độc đáo đã làm nên thành công cho trường ca về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Hình ảnh con cháu các dân tộc anh em cùng quây quần bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội và Khu Di tích Pác Bó ở Cao Bằng là một thông điệp ý nghĩa. Nhà thơ đã chuyển tải tư tưởng Hồ Chí Minh, linh hồn và trí tuệ của Người trong tấm gương đạo đức quý giá cho các thế hệ người Việt Nam noi theo:

Sáng mười chín tháng năm

Sinh nhật Bác

Ông đưa các con ra chơi quanh Lăng

… Người đang mơ

Những giấc mơ tuyệt đẹp

Bay là là trên các cánh đồng lúa mạch

… Xin quý khách hãy coi Pác Bó là nhà

Nhà của Bác ở đây

Quê của Bác cũng là đây

Trong lòng người Nùng, người Tày

Y Phương đã để lại dấu ấn riêng, với những đóng góp quan trọng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Với phong cách thơ vừa dân tộc, vừa hiện đại, anh đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống của quê hương, của dân tộc Tày với truyền thống văn hóa dân tộc. Tác phẩm của Y Phương vì thế mà lắng đọng, nhiều suy ngẫm, trăn trở và mang tính dự báo. Tác phẩm "Pác Bó có Cúng Hồ" đã làm đầy, làm phong phú sự nghiệp của Y Phương trên hành trình tìm kiếm đầy sáng tạo.


(1)- Loại lúa cổ truyền người Tày, nay đã mai một
(2)-Cúng: Ông
(3)-Choong: Âm thanh của não bạt - nhạc cụ dân tộc dùng trong các tế lễ
(4) - Âm thanh phát ra từ nhạc cụ trên
(5)-Kèn của người Dao

Trác Khánh Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ