• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người níu hồn nhạc dân tộc Ê-đê

Giải trí 28/10/2012 20:22

(Toquoc)-Buôn Akô dhôn (phường Tân Lợi, TP Ban Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc) không ai là không biết tiếng nghệ nhân Ama Hloan- người suốt bao năm qua đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, chế tạo và làm “hồi sinh” các nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Ê-đê.

(Toquoc)-Buôn Akô dhôn (phường Tân Lợi, TP Ban Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc) không ai là không biết tiếng nghệ nhân Ama Hloan-  người suốt bao năm qua đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, chế tạo và làm “hồi sinh” các nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Ê-đê.

Năm nay đã ở tuổi 73 nhưng nghệ nhân Ama Hloan vẫn còn rất nhanh nhẹn, đôi bàn tay thoăn thoắt chuốt từng nan tre để làm nhạc cụ. Ông bảo “sẽ còn làm nhạc cụ đến khi không thể cầm dao được nữa”…

Không để vốn quý mất đi

Sinh ra và lớn lên ở buôn Tlang (xã Chư Powng, huyện Kr ông Buk), ngay từ nhỏ, Ama Hloan đã được sống trong âm thanh lánh lót, dền vang của tiếng chiêng, tiếng sáo và cả những điệu múa mừng lễ hội của người Ê đê. Cứ thế, những âm điệu ấy ngấm dần vào máu thịt cậu bé. 13 tuổi, Ama Hloan đã mày mò học và biết chơi những nhạc cụ đầu tiên. Đến tuổi trưởng thành, theo tiếng gọi của non sông, Ama Hloan lên đường nhập ngũ, hành trang mang theo chỉ là những kí ức về gia đình, cộng đồng và những âm điệu réo rắt của nhạc cụ dân tộc.



Ngày giải phóng đất nước, Ama Hloan trở về miền đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Cuộc sống khó khăn mưu sinh cứ cuốn lấy đồng bào các dân tộc. Các lễ hội trước kia giờ không còn được duy trì, thực hành nữa. Nhiều gia đình cũng đã mang “vốn quý” là chiếc cồng, chiếc chiêng mang bán, đổi lấy cuộc mưu sinh. Theo cơn lốc biến đổi ấy, cũng chẳng còn mấy người biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Ê đê. Đing Năm, Đing puốt, Kki pah, Brô,.. và nhiều nhạc cụ khác, rồi các điệu hát ru, hát Ay Ray… chỉ còn lại trong kí ức một vài người lớn tuổi. Không khỏi đau lòng trước thực trạng ấy, Ama Hloan đã đặt quyết tâm phải bằng mọi giá khôi phục lại vốn nhạc cổ truyền của dân tộc mình.

Nghệ nhân Ama Hloan

Từ năm 2000, Ama Hloan đã lặn lội khắp buôn làng để nghe những người già kể, mô tả lại các nhạc cụ. Ông ghi chép cẩn thận cách chế tạo, cách thổi và cả mục đích sử dụng các nhạc cụ ấy. May mắn còn một vài nhạc cụ sót lại trong buôn làng, Ama Hloan đã mua về để nghiên cứu, tìm hiểu, đối chiếu với lời các già làng kể rồi bắt tay vào việc khôi phục các nhạc cụ truyền thống của người Ê-đê. Thấy Ama Hloan bỏ không ít thời gian, tiền của để chế tạo nhạc cụ, có người đã bảo ông thật gàn dở. Nhưng bỏ ngoài tai mọi lời đồn, Ama Hloan chỉ chú tâm vào công việc của mình với một mong ước duy nhất làm sao làm sống lại được những nhạc cụ đã biến mất mấy chục năm qua. Những lần đầu chế tạo không thành công, Ama Hloan cũng không nản chí. Lấy chính những thất bại đó làm kinh nghiệm, ông lại miệt mài hàng giờ bên tre nứa, những quả bầu khô, sừng trâu… để làm nhạc cụ.



Làm nhiều quen tay, Ama Hloan đã biết cách vuốt thế nào cho tre nứa thật mịn, thật mỏng, rồi cả cách chọn quản bầu, chiếc sừng trâu đạt tiêu chuẩn, cách dùng sáp ong rừng để gắn nhạc cụ… Không biết đã qua bao nhiêu mùa rẫy, Ama Hloan cặm cụi bên những nhạc cụ để rồi những sản phẩm ưng ý đầu tiên đã “ra lò”. Sung sướng mang tới các già làng, bậc cao niên trong buôn xem và nghe thử nhưng Ama Hloan vẫn không khỏi lo. Chỉ đến khi các cụ gật đầu reo lên “đây đúng là các nhạc cụ của dân tộc mình”, Ama Hloan mới thở phào nhẹ nhõm.

Cứ thế, đến nay, Ama Hloan cũng không nhớ nổi có bao nhiêu chiếc đing năm, đing puốt, tak-ta… đã được mình phục chế và chế tác thành công. Chỉ biết rằng, bây giờ, tới buôn Akô dhôn, không khó để tìm nghe được âm thanh những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ê-đê.

Nhiều trăn trở

Năm nay 73 tuổi nhưng Ama Hloan vẫn rất hăng hái trong mọi hoạt động văn hóa văn nghệ của buôn. Ông cũng là gương mặt không thể thiếu, niềm tự hào của người Ê-đê trong mỗi dịp giao lưu văn hóa các dân tộc trên cả nước. Không chỉ là người biết chế tạo các nhạc cụ và trình diễn chúng, Ama Hloan còn sáng tác các bài hát dân gian bằng tiếng Ê-đê và nắm giữ pho sử thi dân tộc cùng nhiều điệu hát cổ truyền như Ayray. Ama Hloan đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh Đắc Lăk, của ngành văn hóa cho những cống hiến không ngừng nghỉ để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng với ông, điều quan trọng hơn nhiều các danh hiệu ấy là phải làm sao có được những chính sách cụ thể để khuyến khích hơn nữa lớp trẻ tham gia cùng với mình. “Một mình tôi không thể bảo tồn được văn hóa dân tộc. Cái này phải là sự chung sức của cả cộng đồng”- Ama Hloan chia sẻ.

Hiện nay, ở buôn Akô dhôn, số người biết làm nhạc cụ như Ama Hloan chỉ đếm được trên bàn tay, mà không phải ai cũng dành nhiều tâm huyết như ông. Số người biết chơi các nhạc cụ ấy cũng không nhiều. Lớp thanh niên trai tráng trong buôn giờ không còn thích nghe đing puốt, đing năm… nữa. Nếu trước kia các ngày hội là dịp để lớp trẻ biểu diễn các nhạc cụ truyền thống thì nay, chỉ còn lại những người già còn lưu luyến với chúng. Thời gian qua, nghệ nhân Ama Hloan cũng đã ý thức mở lớp dạy làm nhạc cụ và biểu diễn các nhạc cụ cho lớp trẻ nhưng không nhiều học trò kiên trì. “Muốn làm được nhạc cụ hay, tốt thì người thợ phải thật sự đam mê, yêu thích. Trong từng công đoạn đều phải rất tỉ mẩn, kĩ càng và có khiếu thẩm âm. Khó nhất là làm chiếc lưỡi gà (thanh rung bên trong của ống sáo), phải chuốt sao cho có đủ độ mỏng để thổi nhẹ cũng vang. Thế nhưng các cháu học bây giờ không chăm chú vào việc này”- Ama Hloan cho biết.  

Niềm an ủi lớn nhất với Ama Hloan hiện giờ là vợ ông và cả năm người con đều ủng hộ công việc của ông, và đều biết chơi một vài loại nhạc cụ, biết hát điệu Ayray. “Thấy các con say mê hát mình cũng mừng” nhưng Ama Hloan bảo ông vẫn không khỏi trăn trở về con đường dài phía trước của các nhạc cụ truyền thống dân tộc Ê-đê. Buôn Akô dhôn cũng như nhiều buôn làng khác ở Tây Nguyên, không đứng ngoài cơn lốc đô thị hóa. Nhiều người phá rừng, bỏ rẫy để làm những việc khác kiếm ra tiền hơn. Thấy Ama Hloan cứ chăm chút cho các nhạc cụ, không ít người hoài nghi liệu ông có trụ lại được trong cuộc mưu sinh.  Đáp lại thắc mắc ấy, Ama Hloan nhẩm tính: “Một nhạc cụ nếu làm nhanh thì trong khoảng 3 ngày sẽ xong, bán cho các buôn khác, rồi các khu du lịch đặt hàng giá tối thiểu cũng 500, 600 nghìn đồng, như vậy hàng tháng thu nhập cũng ổn định. Nếu các cháu chú tâm theo nghề này thì cũng sống được”. Chỉ tiếc rằng, công sức Ama Hloan bỏ ra để truyền nghề cho lớp trẻ đã không được đáp đền xứng đáng. Cả lớp học của ông có vài chục người, cơ bản biết đánh một vài nhạc cụ, nhưng biết làm nhạc cụ như ông thì chỉ có vài ba người.

Một nguyên do khiến người trẻ không miệt mài với lớp học cũng còn bởi lớp học do tự ông tổ chức, không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên không có ưu đãi cho người học. Họ cũng không biết học xong sẽ làm gì nên không muốn bỏ thời gian theo lớp. Ama Hloan bảo, giờ ông chỉ mong sao chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới việc bảo tồn và phát huy các nhạc cụ dân tộc này. Ông đề nghị chính quyền nên mở thêm lớp truyền dạy, có chế độ đãi ngộ với cả người truyền nghề và người học thì mới mong khuyến khích được nhiều nghệ nhân tham gia truyền nghề cũng như kéo được lớp trẻ theo học. “Bao năm qua, băn khoăn lớn nhất của tôi vẫn là làm sao để thế hệ trẻ thay thế những cụ già như chúng tôi”- Ama Hloan bày tỏ. “Chỉ mong đến lúc nhắm mắt xuôi tay, những nhạc cụ truyền thống cũng không theo xuống mồ”./.

Minh Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ