• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Anh Nông đã lắng tiếng thơ riêng

02/09/2017 06:13

(Tổ Quốc) - Thơ có lí đến lạ. Sự bừng thức một phát hiện, rỉ máu như lời đùa động phải vết thương xưa tưởng đã lành sau lần áo, là khi chẳng có ai để nhớ, chẳng có buồn để đau thì vẫn đủ hụt hẫng và rơi xuống tận cùng của đáy vực suy tư mà cảm nhận.

Thơ Nguyễn Anh Nông là một trường hợp như thế.

Và, anh đứng như cây mùa lá rụng

Xoè bàn tay chỉ đón được mưa rơi

Và, đón được vô vàn lộc biếc

Lá vàng rơi, anh để tuột em rồi...

(Lá rụng)

Trong xu hướng vận động của các nhà thơ dân tộc thiểu số, việc giữ bản sắc bằng cách bám víu lấy những biểu tượng, thi ảnh như là một cứu cánh để “đánh thức tiềm lực” với nhiều hi vọng nhất. Chẳng thế mà “Rượu núi” của Lò Cao Nhum; “Bóng núi” của Dương Thuấn; “Lễ tẩy trần tháng tư” của Inrasara… từ nhan đề đến ý tứ đã đánh động đến người đọc lâu nay vốn nhàm chán, mệt mỏi với trăm ngàn thứ thơ lạ hoắc ảnh hưởng phương Tây. Những thứ thơ mà hễ cứ đọc lại quên, hễ cứ quên đọc lại là sốc.

Giữa trào lưu tìm kiếm đầy hiệu quả và được khích lệ đó, vẫn có cây bút thản nhiên mà khước từ đặc ân về vùng miền, tạm gác lại cuộc xung đột gay gắt giữa bản sắc và thời thượng để tạo ra những sự hẫng hụt rất có lí mà “bẫy” người đọc vào những cái lí bằng thơ của mình.

Nhà thơ Nguyễn Anh Nông (ảnh Kimdieuhuong)

Tiếc những gì từng có

Bản năng giúp con người tồn tại bằng cách nhìn về phía trước. Đôi mắt hướng về con đường phía trước với những hi vọng và và quay lưng lại với quá khứ để không bị sa lầy những bi lụy muôn thuở của con người. Nhưng, cũng phải thừa nhận rằng trong hành trình ấy, điều mất mát lớn nhất lại là những thứ mà ta không nhớ. Thế nên, trong nhịp sống đều đặn vẫn đây đó thảng thốt mà âm thầm, âm ỉ mà nóng hổi một tiếc nuối. Như thể là:

Bất chợt em cười sau liếp cửa

Và, tôi ngọt đắng bỏ đi thôi

Cái quả chưa ăn thường lại tiếc

Ăn rồi, đâu biết trái duyên ôi?

(Trái thu)

Sự tiếc nuối của thơ Nguyễn Anh Nông không gò theo một kịch bản về sự chua chát bằng quy luật nhân quả thường thấy. Cũng như, anh chẳng giả giọng triết gia mà cao ngạo than cho số phận để chê trách vì tài mệnh tương đố. Cái lẽ ở đời nó thế, cứ đánh mất thì sẽ được một ấn tượng đẹp. Sau liếp cửa mong manh là nụ cười chẳng biết có phải là tín hiệu của tình duyên thầm gọi không? Nhưng, cứ bước đi, cứ vờ như đánh rơi thì sẽ mãi là ấn tượng đẹp. Ảo vọng thường sống lâu hơn những gì có thật. Nói thế, hẳn chưa có gì đáng bàn nhưng đã biết được nếu được rẽ theo ngả khác thì lại là “trái duyên ôi”, mới thấy cái gì đang có hôm nay mới thật đáng giá và có giá.

Thơ có những khắt khe riêng cả với chính những người đã sinh hạ ra mình, ấy là thi sĩ. Một trong những điều đó là việc thơ luôn đòi hỏi người viết cũng “phiêu” cùng ý tứ. Chất phiêu ấy hình như với các nhà thơ miền núi không nhiều. Dẫu quanh họ, và váng vất trong thơ họ là núi đồi trùng điệp, gềnh thác kì vĩ như thi ảnh nào cũng đậm những triết lí. Bởi thế chỉ khi chạm vào mạch thơ Nguyễn Anh Nông, mới thấm cái chất điềm tĩnh và vẫn phiêu diêu của thơ được ngưng kết:

Em lặng thầm e lệ

Mắt đăm đắm nhìn tôi

Có chi mà vui thế

Lúc nao em cũng cười

 

Môi em hay trái chín

Anh chết thèm mất thôi

Ơ, mà như ai đã

Đặt lên nhầm - dấu môi

Nếu như lời than tiếc nuối được cất lên từ đời sống thế sự bắt nguồn từ mất mát một giá trị hay chí ít là một thứ gì đó quý giá như không tìm lại được, thì ở thơ ca, đơn giản chỉ là sự ngưỡng vọng, sùng bái trước quyền uy của cái đẹp mà than. Bởi thế, lời than kia cũng như là một khát vọng được tận hưởng và tận hiến. Chất phiêu diêu ấy đọng lại trong đáy lòng của chủ thể, như một bóng ảnh trong lăng kính chủ quan của thi nhân:

Đêm nay trăng sáng bời bời

Rưng rưng chén rượu ta cưòi... với ta.

“Núi cay” và “bể đắng”

Nói thế, cũng không hẳn là thơ ca chỉ là sản phẩm tinh thần của những cuộc nhập thân vào những trải nghiệm cuộc đời. Với một hồn thơ đi từ miền xứ Thanh còn chất chứa những kí ức mặn mà của lịch sử, thấm thía những va vấp nơi phố thị thì thơ còn phải là tiếng nói của những đắng cay. Duy có điều, đắng cay ấy được mĩ lệ hóa thành những không gian riêng (núi cay-bể đắng) mà dựng lên một thế giới nghệ thuật độc đáo trong thơ:

Người ta đãi cát tìm vàng

Tôi đãi buồn vui mong tìm hạt nắng

Đãi hết núi cay đãi sang bể đắng

Nắng của tôi đâu - con mắt hoe vàng?

 Một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Anh Nông (ảnh Internet)

Như một quy ước, văn chương tuy kị nói đến tiền bạc nhưng lại coi “vàng”, ước vàng, tìm vàng, để “vàng rơi” là những tích, những tình huống độc đáo để đưa người ta lâm vào những đòi hỏi phải chọn lựa. Bởi thế, trong thơ đã có những lời than như thể bất phục tùng:

Cầm lòng bán cái vàng đi

Để đem về cái nhiều khi không vàng.

(Đồng Đức Bốn)

Nhưng ở đây lại là một thứ vàng khác, vàng trong tay không mất mà con người kia đã mất đi sự xanh tươi, niềm hồ hởi sống để vàng vọt trong đáy mắt rồi thấy mình đơn lẻ, cô quạnh:

Nếu tôi có chút hương trời đất

Cũng bởi vì em đã hẹn hò

Không em tôi thấy như mình mất

Một quãng đời xanh tan ước mơ

(Ngẫu hứng)

Đối lập với đôi mắt vàng là khoảng trời xanh. Hai gam màu không đối lập như đối diện trong sự tương giao của hai trạng thái. Một xanh tươi của hi vọng, một héo úa của thất vọng và mong chờ. Dẫu trong thơ Nguyễn Anh Nông vẫn còn chất chứa những gam màu khác của “mây trắng”, “mây tím”, “tóc huyền”, “má ửng”… nhưng “xanh” - “vàng” vẫn cứ đối ứng để tương khắc trong chiều suy cảm và tương sinh trong một ấn tượng. Nào là: xanh làn tóc/ Lộng lẫy vầng mây (Nỗi niềm trăng) với Thời gian/ Nhiều/ Giọt xanh; mắt biếc (Em I)…

Cho một cái kết…

Mặc nhiên, ta có một cây bút của dân tộc thiểu số có giọng thơ lạ. Chất lạ ấy không do anh tự tạo nên bởi sợ lẫn vào với những người cùng trang lứa mà đơn giản chỉ là tự thân sáng tạo đã là cái riêng. Một cái riêng không thèm nhìn ngó mà vẫn buộc người khác phải đọc và chiêm nghiệm. Nguyễn Anh Nông là thế, không ồn ào, gay gắt nhưng thơ anh là dòng ý thức sinh động, là mạch suy cảm âm thầm mà quyết liệt tạo nên cái tiếc nuối, thơ than mà vẫn chạm phải những “tử huyệt” đau thương của kiếp người. Tiếc nuối đấy, đâu đấy, buồn đấy mà vẫn giục người ta ham sống. Phải không anh nhỉ?

Bùi Việt Phương

NỔI BẬT TRANG CHỦ