• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Gia Trí – Hoạ sĩ tiên phong sáng tạo tranh sơn mài Việt Nam

Văn hoá 20/02/2023 16:54

(Tổ Quốc) - Sáng 20/2, tại Hà Nội, Viện Văn học tổ chức tọa đàm "Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX".

Tọa đàm được tổ chức nhằm thảo luận về giá trị nghệ thuật của tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí, cũng như tư tưởng nghệ thuật của ông trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX. Diễn trình kiến tạo này từng là một trong những mối quan tâm chính của giới trí thức trẻ đương thời đối với văn hóa và nghệ thuật.

Nguyễn Gia Trí – Họa sĩ tiên phong trong sáng tạo tranh sơn mài Việt Nam - Ảnh 1.

Không gian tọa đàm

Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một trong những họa sĩ tiên phong đóng góp rất lớn cho phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại thế kỉ 20. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, ông được xem là người đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật hội họa mới: sử dụng và biến hóa chất liệu truyền thống (sơn ta) trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, từ đó tạo nên những tác phẩm hiện đại mà vẫn đậm tính dân tộc như: Cảnh nông thôn (1939), Vườn xuân và thiếu nữ (1939), Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944), Thiếu nữ bên Hồ Gươm (1943-1944), Thiếu nữ bên đầm sen (1944)….

Năm 1939, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã có triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên, gây bất ngờ cho giới mỹ thuật Hà Nội và công chúng khi trưng bày các tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật riêng của mình.

Ngoài sáng tác, họa sĩ Nguyễn Gia Trí còn đưa ra ý kiến nhận xét về nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Những ý kiến này đã được họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi chép, tập hợp và in thành sách "Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo", có giá trị với nhiều nhà nghiên cứu và giới mỹ thuật nói chung.

Nguyễn Gia Trí – Họa sĩ tiên phong trong sáng tạo tranh sơn mài Việt Nam - Ảnh 2.

Tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Tại tọa đàm, họa sĩ Nguyễn Vi Thủy cho biết: "Trong hành trình sáng tạo, các họa sĩ luôn lựa chọn rất nhiều chất liệu khác nhau để vẽ như: sơn mài, lụa, sơn dầu… nhưng để yêu đến cùng, theo đến tận cùng với tranh sơn mài chỉ có danh họa Nguyễn Gia Trí. Cả cuộc đời của ông gắn bó với nghệ thuật tranh sơn mài. Những tác phẩm của ông đã trở thành mẫu mực của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Tranh sơn mài của ông rất khác biệt, ông vẽ theo hướng tự do bay bổng, không lệ thuộc vào xu hướng chung mà mọi người đi theo. Và khi vẽ tranh sơn mài, ông như được là chính mình, được sống trong thế giới riêng của một mình ông".

Là một người yêu thích hội hoạ, TS Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: "Nguyễn Gia Trí là một dẫn chứng để những người yêu hội họa sơn mài học tập theo. Ông đã có công rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh nghệ thuật mới của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Biến sơn ta thành kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, quy trình vẽ đi ngược lại với vẽ tranh sơn dầu khiến cho người Phương Tây cũng không thể hiểu được, từ đó, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu này trong nền mỹ thuật dân tộc hiện đại".

Chủ đề tranh Nguyễn Gia Trí rất thân thuộc với người Việt Nam. Đó là phong cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, cây cỏ; là cảnh sắc, đình chùa, phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của làng quê.

Cùng với một số họa sĩ danh tiếng khác như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường... các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Trí đã cộng tác chặt chẽ với nhóm trí thức trẻ của Tự Lực văn đoàn để góp phần quan trọng định hình nên diện mạo và xu hướng cho nghệ thuật và văn học, cho tư tưởng và xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX khi bước sang thời hiện đại.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là tấm gương điển hình về một nghệ sĩ chân chính, với tình yêu tha thiết dành cho dân tộc và khát vọng hướng đến một thứ nghệ thuật toàn thiện toàn mỹ. Ông đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về mỹ thuật vào năm 2012./.

Thu Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ