• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nhận diện được thế mạnh thì mới làm được văn hóa

Văn hoá 22/10/2016 17:14

(Tổ Quốc) - Phải nhận rõ ưu, nhược điểm của chúng ta thì mới xây dựng được văn hóa nói chung và văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp nói riêng. Phải nhận rõ ưu, nhược điểm của chúng ta thì mới xây dựng được văn hóa nói chung và văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp nói riêng. Phải nhận rõ ưu, nhược điểm của chúng ta thì mới xây dựng được văn hóa

Xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp cũng là một cách để đẩy lùi sự xuống cấp của xã hội, xây dựng đạo đức, con người Việt Nam, đưa Nghị quyết hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW) vào đời sống.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có những chia sẻ về vấn đề này với chúng tôi.

Phải xác định điểm mạnh, điểm yếu

Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam là một khái niệm mới manh nha hình thành. Bởi chính doanh nghiệp cũng mới được hình thành ở Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Văn hóa chỉ có thể có sự phát triển qua cọ xát của cuộc sống (ảnh Minh Khánh)

Nguyên Phó Thủ tướng chia lịch sử hình thành doanh nghiệp ở Việt Nam theo 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: Thời phong kiến- không có doanh nghiệp; Giai đoạn thứ 2: giai đoạn gần 100 năm là thuộc địa của Pháp. Thời đó Pháp khác với Anh, trong khi thực dân Anh xây dựng 1 giới quan chức, giới doanh nghiệp ở các nước thuộc địa của Anh thì Pháp ngược lại. Do vậy, thời thuộc Pháp ở Việt Nam doanh nghiệp rất ít và hiếm, nếu có cũng bị chèn ép và không có vai trò gì; Giai đoạn thứ 3 là thời kì chiến tranh, do chiến tranh liên miên nên không có buôn bán và doanh nghiệp; Giai đoạn thứ 4 là thời kì tập trung quan liêu bao cấp cũng không có doanh nghiệp; Thời kì thứ 5 là thời kì đổi mới 1986, bắt đầu có kinh doanh, có doanh nghiệp, doanh nhân...

Nguyên Phó Thủ tướng nhìn nhận: “5 thời kì đẻ ra hậu quả là: không có doanh nghiệp tư nhân, hầu như không có văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Thứ hai là tất cả các thời kì để lại dấu ấn sâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, dẫn đến tâm lý sản xuất nhỏ, văn hóa lúa nước, làng xã. Thời kỳ bao cấp xin cho vẫn để lại dấu ấn trong đời sống doanh nghiệp”...

Ông cho rằng chúng ta không thoát được tác động của nó, vì đã thấm sâu vào gen, vào tế bào.

Nguyên Phó Thủ tướng cho biết: Tôi tự đặt ba câu hỏi và tự trả lời:

Câu hỏi 1: Phải chăng, nói một cách cực đoan nhất là cho đến nay chúng ta chưa có doanh nghiệp?

Trả lời: Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp đúng nghĩa, thành ra việc định hình nó rất khó. Chúng ta phải nhìn thấy và nhìn thẳng vào thực tế đó để giải quyết.

Câu hỏi thứ 2: Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân vẫn tồn tại trong doanh nghiệp, nhưng nó là cái gì?

Trả lời: Nó không thể, không là sản phẩm của 5 thời kì lịch sử và cũng không là sản phẩm của hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Nó là sản phẩm của bản sắc văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam có hai mặt tích cực và không tích cực, cái không tích cực chúng ta vẫn né tránh.

Chúng ta có tinh thần yêu nước, có sự cần cù lao động… nhưng chúng ta cũng phải có mặt yếu chứ? Chúng ta nói người Việt Nam cần cù nhưng đó có phải thế mạnh không? Người Nhật, người Hàn không cần cù à? Chúng ta có thế mạnh là tinh thần yêu nước? Các nước cũng vậy. Nhưng cách biểu hiện khác.

Từ đó, tôi có kiến nghị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân: Nên tiếp cận vấn đề làm rõ cái gì là mạnh của Việt Nam, trong cái mạnh sẽ có cái nhược điểm và trong cái nhược điểm có thể khai thác được một số mặt, cái đó phải nhận diện ra- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoanh khẳng định.

Ông cũng cho rằng, vai trò của Bộ VHTTDL, các doanh nghiệp phải làm rõ vấn đề này để nhận diện được mình là ai? Mình có ưu, nhược điểm gì, mới có thể làm kinh tế hội nhập với thế giới được.

Và hình như chúng ta chưa hình dung được, mô tả và nhận diện được thế mạnh, yếu trong văn hóa của chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Có những vấn đề là hệ quả của lịch sử, có vấn đề là hệ quả của hoàn cảnh và có những vấn đề lại thuộc về bản sắc đã ăn vào máu thịt. Do đó phải nhận diện cho được thì mới xây dựng được điểm tốt và khắc phục được hạn chế.

Văn hóa phải được hình thành từ thực tiễn

Câu hỏi thứ 3 mà Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu ra là “Có thể ngồi bàn giấy để xây dựng văn hóa hay không?”. Nguyên Phó Thủ tướng cũng trả lời: Văn hóa phải trải qua cọ sát, qua phát triển, làm ăn rồi tiếp thu tinh hoa của nhân loại rồi sàng lọc, văn hóa là câu chuyện ngàn năm chứ không phải một vài năm.

Nguyên Phó Thủ tướng gợi ý cách làm: “Những gì thuộc về văn hóa đừng hành chính hóa ra những Nghị quyết, Điều Luật khô khan. Văn hóa chỉ có thể có sự phát triển qua cọ xát của cuộc sống. Nếu chúng ta không có cách tiếp cận đó thì cứ mãi loay hoay làm những việc vô bổ, không hiệu quả.

Nguyên Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Có 3 thành phần giữ vai trò quan trọng tạo dựng văn hóa doanh nghiệp trong đó, vai trò trung tâm là doanh nghiệp. Cứ để doanh nghiệp tự cọ xát và thấy văn hóa nào có lợi cho họ để chọn lọc và hành xử. Cái gì đem lại cho họ lợi nhất cũng như đào thải những cái làm thua thiệt, phá sản doanh nghiệp, họ sẽ biết cạnh lựa chọn.

Vai trò thứ 2 là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là những người thầy trên thế giới như Nhật, Đức, Mỹ. Nếu ta tiếp thu được thì sẽ phát triển và ngược lại.

Vai trò thứ 3 là vai trò của nhà nước: Phải tạo môi trường kinh doanh tích cực, lành mạnh thông qua việc xây dựng thể chế văn hóa phù hợp.

Nguyên Phó Thủ tướng khẳng định: Ba vai trò trên sẽ tạo nên văn hóa doanh nghiệp trong thời gian hiện nay. Nhưng văn hóa là chuyện ngàn năm, không thể vội được, dù rất muốn nhưng không thể vội được, phải có thời gian, phải có cách làm thích hợp./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ