• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Thi- Người tạc tượng các anh hùng

29/04/2008 09:09

(Toquoc)- Bài viết nhân Kỷ niệm 80 năm ngày sinh - 40 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi.

(Toquoc)- Bài viết nhân Kỷ niệm 80 năm ngày sinh - 40 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi.

Mấy năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Thành Thị Du, ở ngoại ô Nam Định được một đồng đội cũ của con- nhà văn Thanh Giang- mời vào thăm Tp. Hồ Chí Minh, nơi con bà hy sinh. Hôm ấy bà mang một bó hoa đi suốt những con đường mà trong Tổng tấn công Mậu Thân đợt hai (1968) nơi con bà có thể đã ngã xuống. Bó hoa héo dần trên tay mà bà không tìm được nơi đâu để cắm.

Nhà văn Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn
(1928-1968)

Cho đến nay, nơi anh hy sinh vẫn còn là một băn khoăn của đồng đội và gia đình. Dẫu ở trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố đã có một ngôi mộ gió và quận 5 có một con phố nhỏ ghi tên anh. Người đó là nhà văn Nguyễn Thi tức Nguyễn Ngọc Tấn.


Anh là một trong những nhà văn của Văn nghệ Quân đội đầu tiên đi B. Và lần trở lại này mới thật sự khẳng định sự phát triển tài năng văn học của anh. Gọi là trở lại, vì quê ở Quần Phương Thượng- Hải Hậu- Nam Định, trong một gia đình cách mạng, sớm mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, từ bé anh đã phải sống tự lập. Năm 1943, mười lăm tuổi anh đã vào Sài Gòn kiếm sống. Cách mạng tháng Tám anh tham gia tự vệ, vào đội cảm tử quân, rồi gia nhập quân đội. Suốt mấy năm chống Pháp, anh trực tiếp tham gia chiến đấu. Đã từng có mặt trong các trận đánh ở Thủ Dầu Một, Bình Thuận, đường Sài Gòn- Đà Lạt, Bến Cát, Bến Súc, Chà Là, Chà Vông, Bến Sỏi, Bàu Sen, sang Cam-pu-chia… Được cất nhắc từ chính trị viên tiểu đội đến cán bộ ở cơ quan chính trị tiểu đoàn 901. Làm cán bộ chính trị trong chiến đấu là làm tất cả những gì tạo nên một đời sống tinh thần bảo đảm cho bộ đội hăng hái chiến đấu. Ngoài viết báo, vẽ, sáng tác bài ca cải lương (Nam Bộ mà!), anh còn viết văn, làm thơ. Năm 1952 tập thơ Hương Đồng Nội của anh đã được giải thưởng Văn nghệ Cửu Long.

Đầu năm 1954, lập gia đình, nhưng khi nước nhà tạm thời chia cắt anh theo đơn vị đi tập kết, chị ở lại hoạt động nội thành. Tháng 12/1956 đang là trợ lý văn nghệ của một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 330 anh được gọi về xây dựng tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng những nhà văn trẻ cùng thế hệ, bằng bút ký, truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tấn đã góp sức tạo dựng nên một tờ tạp chí vănhọc sang trọng, đẹp, bài vở hấp dẫn, là địa bàn, môi trường tập hợp, đào tạo nên một thế hệ nhà văn quân đội có phẩm chất chuyên nghiệp, chuyên sáng tác về một đề tài mới mẻ nhưng hấp dẫn: Về kháng chiến và anh bộ đội Cụ Hồ. Những năm này Nguyễn Thi đã tự học một cách nghiêm túc để từ một người viết nghiệp dư với học vấn cơ bản thấp thành một nhà văn với đúng nghĩa của nó. Phần lớn những truyện ngắn in trong mấy năm này của anh đã được tập hợp trong hai tập “Trăng sáng” (1960) và “Đôi bạn” (1962). Đây là hai tập truyện nổi tiếng nổi bật trong văn học đương thời khẳng định tài năng đầy triển vọng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn. Chúng ta không quên đây là những năm cách mạng miền Nam đang chìm trong đêm tối. Chính không khí lao động khẩn trương xây dựng miền Bắc XHCN làm hậu phương lớn cho miền Nam được thể hiện trong hai tập truyện đã tạo được một không khí lạc quan tin tưởng cho người đọc.

Sau đồng khởi, sự chi viện cho cách mạng mềin Nam được mở rộng. Văn nghệ là một mặt trận ngay từ đầu đã được chú ý. Buổi đầu chỉ các nhà văn quê ở miền Nam mới được chọn trở lại chiến trường. Nguyễn Ngọc Tấn trở về quê hương ở miền Bắc. Gia đình cũ tan vỡ, nhưng anh đã bằng mọi cách để có mặt trong số ít những nhà văn đó. Tháng 5 năm 1962, cùng nhà văn Nguyên Ngọc, anh được trở lại chiến trường. Mãi đến đầu năm 1963 anh mới vào tới Nam Bộ. Tờ tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng vừa ra số đầu đón anh như đón một người anh, một chỗ dựa vững chắc cho các bạn viết trẻ: Thanh Giang, Võ Trần Nhã… Công việc ở toà soạn không ngăn được những chuyến đi thực tế của anh về Ấp Bắc, Tây Ninh, Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ: Mỹ Tho, Bến Tre… Mấy chục cuốn vở ghi chép là kho tài liệu vô giá anh đã thu lượm được trong các chuyến đi. Nhưng viết lại là việc khác. Bởi ngoài công tác rất bận rộn của một toà soạn trong thời chiến, với tư cách một cán bộ chính trị của Tuyên huấn Miền, anh lại phải đi mở các lớp bồi dưỡng cộng tác viên, bạn viết, mở các lớp dạy hát và tự biên soạn các bài hát, thậm chí dạy múa cho các đội văn nghệ cơ sở. Có thế mới thấy sức làm việc, sức viết của nhà văn đang độ sung sức thật đáng kính nể. Nếu ở miền Bắc hoà bình sáu năm (1956-1962) anh chỉ in được có hai tập truyện ngắn thì chưa đầy sáu năm ở chiến trường (1963-1968) thời gian giành cho sáng tác không nhiều, điều kiện tất nhiên vô cùng khó, anh đã có một số lượng trang viết nhiều gấp ba lần! Bắt đầu từ các bút ký như Sự tích ở đất thép đến hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa được tập hợp trong các tập Truyện và ký, Người mẹ cầm súng, Ước mơ của đất. Ngoài ra còn một số truyện còn viết dở được in sau khi anh mất: Ở xã Trung Nghĩa, Sen trong đồng, Cô gái đất Ba Dừa. Và gần một nghìn trang ghi chép trong cuốn Năm tháng chưa xa. Đó là những bức tranh sinh động về một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử cách mạng miền Nam: Những năm đầy biến động, nếu kẻ địch cực kỳ tàn ác, đang ở thế thắng nhưng lại run sợ, nên càng tàn bạo, độc ác hơn và người dân vì thế càng tin tưởng ở cách mạng, bất chấp trước mắt khá nhiều những người từng tham gia kháng chiến quay ra chiêu hồi, đầu thú, đầu hàng, hợp tác với địch. Nguyễn Thi bằng tác phẩm của mình đã tạc nên bức tượng đài bất tử của những người anh hùng Phạm Văn Cội, Út Tịch, Nguyễn Thị Hạnh và bao nhiêu con người Nam Bộ trung kiên, đặc trưng trong bối cảnh lịch sử đó. Vóc dáng những người anh hùng lồng lộng trên bối cảnh chiến tranh nhân dân đặc sắc mang đậm màu sắc Nam Bộ: Gian khổ, ác liệt nhưng vẫn có chất hài hước dân gian ẩn trong một cái nhìn, một lời thoại, một cử chỉ làm nên chất lạc quan, thể hiện sức mạnh tinh thần còn tiềm ẩn của người nông dân Nam Bộ. Trong chiến tranh, những tác phẩm văn học Từ miền Nam gửi ra này đã góp phần to lớn tạo dựng niềm tin cho đồng bào chiến sĩ cả nước.

Anh sinh tháng 5 năm 1928. Vào chiến trường tháng 5 năm 1962. Hy sinh tháng 5 năm 1968 khi theo một đơn vị của phân khu Hai từ Long An tiến vào Sài Gòn trong đợt 2 Tổng tấn công Mậu Thân, năm tròn 40 tuổi. Nhưng bằng tác phẩm của mình, anh vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc chiến đấu, động viên bao nhiêu người cầm súng xông lên hoàn thành sứ mệnh vẻ vang giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cho đến nay những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi vẫn là đỉnh cao trong thành tựu văn học những năm chống Mỹ. Giải thưởng Hồ Chí Minh dành cho tác phẩm của anh là sự ghi nhận xứng đáng của Nhà nước với những đóng góp đó. Nhưng nếu trong văn học Việt Nam có một nhà văn đáng được tuyên dương anh hùng, thì tôi nghĩ, đó là Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi.

Ngô Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ