• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: 50 năm xây dựng và phát triển

30/10/2009 09:46

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã trải qua một chặng đường 50 năm với sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ nghệ sĩ để khẳng định vị thế trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà và xây dựng nên một "thương hiệu" nghệ thuật.

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã trải qua một chặng đường 50 năm với sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ nghệ sĩ để khẳng định vị thế trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà và xây dựng nên một "thương hiệu" nghệ thuật.

Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Ngày 6-8-1959, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định thành lập Dàn Nhạc giao hưởng, tiền thân của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, sau đó Dàn hợp xướng được thành lập đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới cùng với phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Tiếp theo, ngày 7-5-1964, Bộ Văn hóa lại có quyết định thành lập Nhà hát giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam. Như vậy, ngoài các chương trình hòa nhạc giao hưởng, hợp xướng còn có sự phối hợp với các ca sĩ và diễn viên múa để thực hiện các vở nhạc kịch, vũ kịch.

Dàn nhạc Giao hưởng và Dàn hợp xướng đã xây dựng nhiều chương trình hòa nhạc có giá trị nghệ thuật cao, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Những tác phẩm: Ru con, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Du kích sông Thao..., đặc biệt nhạc kịch Cô Sao của Ðỗ Nhuận là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được dàn dựng công phu, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, tiếp đó là các vở nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Evghenhin Onegine, Bên bờ Krông Pa, Người tạc tượng và các vở vũ kịch Chị Sứ, Phá lao đã tạo tiếng vang trong và ngoài nước. Ðặc biệt, tối 10-9-1960, khi dàn nhạc giao hưởng biểu diễn chương trình chào mừng Ðại hội Ðảng tại công viên Bách Thảo, Bác Hồ đã đến và đứng trên bục cầm đũa chỉ huy bắt nhịp bài Kết đoàn là sức mạnh. Hình ảnh này mãi còn đọng lại trong trái tim ký ức của nhiều nghệ sĩ, dàn nhạc giao hưởng và cũng như công chúng yêu nghệ thuật.

Những năm 1966- 1967, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, các đoàn nghệ thuật xung kích, các nghệ sĩ, cán bộ của nhà hát đã không quản gian khổ hy sinh, mang tiếng hát phục vụ đồng bào chiến sĩ ở tuyến lửa Vĩnh Linh hoặc đi dọc đường Trường Sơn phục vụ bộ đội và đồng bào. Với thành tích như vậy, nhiều nghệ sĩ của nhà hát đã được Chính phủ trao tặng huân chương và nhiều danh hiệu cao quý.  Tên tuổi của họ được các lớp người sau trân trọng đó là: các chỉ huy Dương Quang Thiện, Nguyễn Hữu Hiếu, Trần Quý, Ðỗ Dũng, Trọng Bằng, Nguyễn Hải, đạo diễn Võ Bài, họa sĩ Trần Mậu, biên đạo múa Thái Ly, Ðoàn Long, Hồng Linh, các ca sĩ Quốc Hương, Tân Nhân, Quý Dương, Quang Hưng, Trung Kiên, Ngọc Dậu,  Anh Ðào, Thúy Hà, Kim Ðịnh, Bích Liên, Tâm Trừng...

Sau khi miền nam hoàn toàn giải phóng, hòa trong niềm vui chung của đất nước, Nhà hát giao hưởng hợp xướng ca, vũ, kịch được Bộ Văn hóa giao nhiệm vụ vào Sài Gòn mới giải phóng biểu diễn chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiều đêm diễn của Nhà hát đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng thành phố. Năm 1978, Nhà hát giao hưởng hợp xướng ca, vũ, kịch Việt Nam được đổi tên thành Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Từ đó mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ của nhà hát, với nhiều tác phẩm có chất lượng như nhạc kịch Phidelio của LV.Bét-tô-ven, Tiếng hát xanh của Nguyễn Ðình Tấn, Ruồi trâu của Xpa-da-véc-xki, Trương Chi của Văn Hà được dàn dựng và trình diễn rất thành công.

Thực hiện hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây) nhiều vở vũ kịch và nhạc kịch kinh điển nổi tiếng trong kho tàng nghệ thuật thế giới được chuyên gia bạn sang dàn dựng và công diễn thành công như kịch múa Spastac, Giden, Hồ Thiên Nga, Chàng du đãng và cô tiểu thư, Faxtơ  và vở nhạc kịch kinh điển Madame Butterfly... và đã tỏa sáng tài năng của nhiều nghệ sĩ như: Kim Quy, Kiều Ngân, Thế Dũng, Lê Vân, Lê An, Thúy Hạnh, Văn Hải, Anh Quân, Minh Thông, Hoàng Hoa, Gia Hội, Gia Khánh... Năm 1985, lần đầu tiên Những ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Liên Xô, nhiều nghệ sĩ của nhà hát đã biểu diễn tại Nhà hát lớn Mát-xcơ-va và nhiều nước thuộc Liên Xô, chinh phục chính người xem bằng nghệ thuật bác học kinh điển đỉnh cao của châu Âu.

Trước yêu cầu phát triển của nghệ thuật ba-lê và ô-pê-ra, đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhà hát đã chính thức đổi tên thành Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với chức năng biểu diễn loại hình nghệ thuật nhạc kịch và vũ kịch. Giai đoạn này, đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, vượt qua khó khăn, nhà hát vẫn xây dựng được một số vở kịch có sức hấp dẫn như: Tiếng hát Trương Chi, Vợ chồng A Phủ của NSND Ðoàn Long, Huyền thoại mẹ của Nguyễn Công Nhạc, Huyền tích Trường Sơn của Bằng Thịnh.

Từ năm 1996 đến nay, nhiều biên đạo, chỉ huy, nghệ sĩ nước ngoài đã đến Việt Nam làm việc với nhà hát. Sự hợp tác này làm phong phú hơn các chương trình nghệ thuật, nâng cao trình độ biểu diễn cho tập thể nhà hát. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời tiêu biểu: Em người phụ nữ Việt Nam, Qua miền đất lạ,  Mắt phượng hoàng;  vở Nhạc kịch LuCile, Cuộc sống Pari, Trường học Tình yêu, LaBohêm, Giấc mơ và hiện thực, Người Hà Lan bay,  Vũ kịch Romeo và Juliet, Ðiệu múa gió mùa, Kẹp hạt dẻ, Viên đạn thần, Ophee et Eurydiel, Thần Vệ nữ, Franceska Darimimi, Chim lửa, Trái tim tơ lụa, Mùa Xuân thiêng liêng, La Sylphide, Whocare, Câu chuyện Miền Tây và nhiều chương trình giao hưởng thính phòng như Carmina Burana, giao hưởng số 9...

Bắt nhập trào lưu nghệ thuật múa đương đại thế giới, Nhà hát là một trong những cái nôi tiếp nhận và phát triển múa hiện đại ở Việt Nam. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát đã được cử đi học tập tại Ô-xtrây-li-a, Pháp, Thụy Ðiển, Mỹ... Họ đã góp phần tạo cho múa hiện đại đến gần với công chúng trẻ. Một số tác phẩm múa đương đại đã tỏa sáng bản sắc văn hóa Việt Nam như Hồn Trương Chi, Nguồn sáng, Trường tương tư, Mùa đom đóm... Dự án nghệ thuật học đường Khám phá âm nhạc và múa của nhà hát đã và đang thu hút hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tham dự và được công luận đánh giá là có hiệu quả cao trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật bác học với công chúng trẻ.

50 năm qua, lớp lớp nghệ sĩ đã nối tiếp truyền thống, cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật bằng tất cả tâm, trí, lực. Ghi nhận sự đóng góp của nhà hát Nhà nước đã phong tặng năm nghệ sĩ danh hiệu NSND và 45 nghệ sĩ danh hiệu NSƯT, tập thể Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba  (1990) và Huân chương Lao động hạng nhì  (1999).

 

NSND PHẠM ANH PHƯƠNG -  Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (Nguồn ND)

NỔI BẬT TRANG CHỦ