• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà nghiên cứu lên tiếng về danh sách 27 công trình Pháp tiêu biểu ở Huế

Thời sự 07/06/2018 07:55

(Tổ Quốc) - Theo các nhà nghiên cứu, việc có quyết định công bố danh sách các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại TP. Huế là cần thiết, tuy nhiên việc làm này cần phải nghiêm túc về mặt học thuật, xuất phát từ các khảo cứu chứ không nên tùy tiện “gắn mác”.

Huế chỉ có 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu?

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã đưa tin, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có Quyết định 1152/QĐ-UBND công bố danh sách các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế. Theo đó, trong danh sách có 11 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu do các cơ quan nhà nước quản lý gồm: Cơ quan Đại học Huế, Bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học trường tiểu học Lê Lợi, Dãy lớp học A&B trường Đại học Khoa học Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival, Sân vận động Tự Do.

Khách sạn Sài Gòn Morin nằm trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế.

16 công trình kiến trúc Pháp thuộc sở hữu các tổ chức bao gồm: Ga Huế, Khách sạn Sài Gòn Morin, Nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, Khách sạn Le Domaine de Cocodo, Nhà máy nước Vạn Niên, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam (Dòng Khâm Mạng), Nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, Tu Viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đan viện Carmel Huế, Nhà thờ Phanxico, Nhà Nguyện (Hội dòng thánh Phao Lô).

Việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Huế nhằm tạo cơ sở để định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan, lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật. Tuy nhiên sau khi danh sách này được công bố đã có nhiều ý kiến trái chiều được người dân và các nhà nghiên cứu đưa ra.

Theo tìm hiểu được biết, ở Huế hiện nay kiến trúc Pháp là một bộ phận kiến trúc có nhiều giá trị. Mang phong cách kiến trúc du nhập từ Pháp và có sự kết hợp với kiến trúc truyền thống bản địa, những công trình kiến trúc Pháp là “nhân chứng” phản ánh một giai đoạn lịch sử trước đây và cũng là phong cách kiến trúc rất đặc trưng trong kiến trúc của Huế.

Các công trình kiến trúc Pháp ở Huế đa dạng và phong phú về thể loại, là "chứng nhân" cho một giai đoạn lịch sử. 

Các công trình mang phong cách kiến trúc Pháp ở Huế đa dạng và phong phú với nhiều thể loại khác nhau như công trình công cộng, biệt thự, công sở,… Vậy nên khi danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được công bố, nhiều người cho rằng con số này là quá “khiêm tốn” so với thực tế.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra ý kiến về việc một số công trình nằm trong danh sách được công bố là chưa hợp lý trong khi đó ở Huế hiện tại còn nhiều công trình kiến trúc Pháp khác xứng đáng được công nhận tiêu biểu thì lại bị “bỏ rơi” ngoài danh sách. Nhiều người lo lắng cho số phận của các công trình ngoài danh sách này trong tương lai rồi sẽ như thế nào nếu không được nhìn nhận một cách công bằng, xứng đáng?.

Chuyên gia nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế) việc UBND tỉnh có quyết định công bố danh sách các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được việc này thì cần phải làm nghiêm túc về mặt học thuật, xuất phát từ các khảo cứu chứ không nên tùy tiện “gắn mác” công trình tiêu biểu cho 27 hạng mục kiến trúc. Việc UBND tỉnh ký quyết định nói trên còn có những nhầm lẫn về mặt học thuật và mơ hồ về mặt chủ trương.

Căn biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp tại 26 Lê Lợi (TP. Huế) được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 không nằm trong danh sách được công bố.

Ông Hoa đưa ra ví dụ dẫn chứng là công trình Nhà thờ Phủ Cam. Đây là công trình được người Pháp xây dựng lần đầu vào đầu thế kỷ nhưng mãi đến năm 1960, khi ông Ngô Đình Thục lên làm linh mục đã cho phá bỏ và thuê kiến trúc sư người Việt xây dựng theo lối kiến trúc khác bản gốc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mãi đến năm 2000 nhân dịp 200 năm thành lập giáo phận Huế thì nhà thờ này mới hoàn thành. Vậy nên nói công trình này tiêu biểu cho kiến trúc Pháp là không hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Hoa cũng cho biết thêm, một số công trình nằm trong danh sách đã được công bố hiện đã không giống với nguyên bản như: Khách sạn Sài Gòn Morin vốn chỉ có 2 tầng nhưng sau này đã xây lại thành 4 tầng trên nền móng cũ hay Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (Bia Quốc Học) đã thay đổi màu sơn và họa tiết với nguyên bản vốn có.

Nói về sự mơ hồ về mặt học thuật khiến tên các công trình bị nhầm lẫn, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề cập đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế nằm trên đường Nguyễn Huệ. Theo đó, nhà thờ nói trên vốn có tên là “Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Phía sau nhà thờ có một dãy nhà hai tầng, dãy nhà này mới được gọi là Dòng Chúa Cứu Thế.

“Nhầm lẫn đó là rất buồn cười, chứng tỏ người tham mưu không am hiểu về Huế. Quyết định này rất mơ hồ và không có ý nghĩa thực tiễn”, ông Hoa đưa ra ý kiến.

Đối với danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được công bố, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng thắc mắc tại sao có những công trình như tòa nhà tại số 26 Lê Lợi (TP. Huế) vốn là căn biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp tuyệt đẹp được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 lại không nằm trong danh sách.

Công trình này hiện nằm trên khu vực đất “vàng” của TP. Huế, đang là trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây không chỉ là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của nhiều tác giả trong và ngoài nước mà còn là nơi đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ trong nước, quốc tế về trao đổi, giao lưu, hội thảo với văn nghệ sĩ Huế, là “ngôi nhà chung nghệ thuật Huế”. Theo ông Hoa, việc xem xét công nhận tòa nhà này là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế là hoàn toàn xứng đáng.

Liên quan đến tòa nhà này, cách đây không lâu Báo điện tử Tổ Quốc đã có bài viết ghi nhận phản ánh của nhiều văn nghệ sĩ ở Huế bày tỏ quan điểm không đồng tình khi nơi này được nghiên cứu để đầu tư thành dự án khu phức hợp khách sạn.

Theo thời gian, nhiều công trình mang kiến trúc Pháp ở Huế bị tháo gỡ khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Bộ mặt kiến trúc của Huế ít nhiều cũng bị thay đổi.

Kiến trúc Pháp ở Huế có nhiều giá trị về nghệ thuật và lịch sử, lâu nay đã trở thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế. Việc khảo sát, phân loại và đánh giá giá trị của những công trình kiến trúc Pháp để có những biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên có thể thấy qua thời gian có nhiều công trình mang kiến trúc Pháp ở Huế đang dần bị phá hủy như các biệt thự dọc đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám,.. khiến bộ mặt kiến trúc của Huế ít nhiều bị thay đổi.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế, quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đến nay mới ban hành là hơi muộn. Ở đây vấn đề cần được xem xét đó là còn công trình nào bị bỏ sót hay không và sau khi được công nhận thì biện pháp cụ thể để bảo vệ đối với những công trình này là gì?.

Lê Chung

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ