• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà trường+ Nhà hát = Đào tạo diễn viên sân khấu mô hình mới

Văn hoá 16/02/2017 08:13

(Tổ Quốc) - Nhà hát Tuổi Trẻ và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh vừa ký kết hợp tác tạo môi trường cho sinh viên nghệ thuật có những trải nghiệm thực tế trên sân khấu chuyên nghiệp.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Việc ký kết hợp tác giữa Nhà hát Tuổi Trẻ với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là một sự khởi đầu cho việc hợp tác tạo môi trường cho sinh viên nghệ thuật có một sân chơi nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp”.

Sự kết hợp này mang ý nghĩa chiến lược trong công tác đào tạo giúp Trường tiếp cận với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật để tạo cơ hội cho sinh viên có cơ hội được hoạt động và cọ xát trong môi trường thực tiễn để thử lửa và thạo nghề khi ra trường. Hai đơn vị chúng tôi sẽ cùng nhau nghiên cứu để tìm ra những hình thức nhằm có sự hợp tác hiệu quả nhất”.

Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ký kết hợp tác 

Trong năm 2017, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với các Học viện Nghệ thuật, các trường đại học và nhà hát của nước ngoài như: Ký kết với Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp dàn dựng vở Con chim xanh (tháng 3), Hợp tác với Viện Goethe Hà Nội tiếp tục dàn dựng vở Vòng phấn Kavkaz (tháng 5), mời Học viện Nghệ thuật sân khấu Nga sang diễn tác phẩm kinh điển Cậu Vania của Anton Pavlovich Chekhov (tháng 4), mời Nhà hát Kịch Noh Thằn lằn vàng của Nhật Bản sang biểu diễn vở Nguyệt hoa sao (tháng 11)...

PGS. TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết, Trường vốn là cái nôi đào tạo ra nhiều đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu chuyên nghiệp và rất nhiều người sau khi tốt nghiệp, công tác tại các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật nhưng vẫn về kết hợp đào tạo cho sinh viên của trường.

Những giảng viên có thực tiễn sẽ giúp cho các sinh viên có được những kiến thức toàn diện không chỉ về phương diện lý thuyết mà cả thực tiễn nghề nghiệp của mình. Nguồn nhân lực quan trọng này đóng góp một phần không nhỏ nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo.

NSND Lê Khanh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, đây là mô hình đào tạo thực tế trên thế giới đã và đang áp dụng rất nhiều. Bản thân Lê Khanh cũng như những nghệ sĩ cùng lứa như Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Hải… chính là thành quả của mô hình đào tạo này tại Nhà hát Tuổi trẻ từ thập niên 80 của thế kỷ trước. NSND Lê Khanh nhắc lại 2 vở diễn đầu tiên, là Lời đá cháy và Hoàng tử học nghề - mà chị và các bạn đã diễn trên sân khấu khi đang còn là học sinh. Đến năm 1982, với vở Romeo và Juliett có ngày chị đóng tới 4 ca. Chính nhờ liên tục được diễn mà lớp học sinh ngày ấy đã nhanh chóng trưởng thành, trở thành diễn viên chuyên nghiệp từ khi còn chưa được cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp./.

 

Hoàng Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ