• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Lam Giang và những dòng ký ức lấp lánh

14/11/2017 12:00

Hơn 40 năm trôi qua nhưng những ký ức chiến tranh luôn là nỗi trăn trở, day dứt với nhà thơ - nhà văn Lam Giang. Đến mức, sau hai lần tai biến, mỗi ngày ông vẫn cần mẫn viết, những trang viết còn ám mùi khói lửa... Ông là một trong những tác giả dồi dào bút lực về đề tài chiến tranh cách mạng, với nhiều giải thưởng văn chương uy tín. 



“Tôi thấy mình cần phải viết…”

Những xúc cảm về cuộc chiến đã đi qua đã thúc đẩy Thượng tá, nhà văn, nhà thơ Lam Giang cho ra đời hàng chục cuốn tiểu thuyết, truyện ký. Trong đó, tiểu thuyết “Vùng trắng” của ông cách đây hai năm là tác phẩm được trao giải B - giải cao nhất về văn học trong Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiểu thuyết “Vùng trắng” của Lam Giang tái hiện một giai đoạn lịch sử chiến đấu bi hùng trên vùng vành đai bán nguyệt với chiều sâu khoảng 60km bảo vệ Sài Gòn. Khi ấy, chính quyền Mỹ - Ngụy đã biến Củ Chi - Trảng Bàng thành “vùng trắng”, vùng tự do hủy diệt, tự do oanh kích, nhất là từ sau Tết Mậu Thân 1968. Hơn 3 năm (1968 - 1970) giữ vùng trung tuyến - bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng Tây Bắc; Trung đoàn 268 đã chiến đấu anh dũng, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến trường vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Gần 1.700 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống ở “vùng trắng” này.

Tiểu thuyết “Vùng trắng” gắn với một giai đoạn chiến đấu khốc liệt mà ông từng tham gia từ năm 1968 - 1971. Tác giả chia sẻ, sau chiến tranh, đa số tác phẩm của ông viết về hồi ức, những kỷ niệm chiến trường vì hầu hết vốn sống của ông đều chắt lọc trong đó.

Lam Giang viết về vùng Củ Chi - Trảng Bàng rất nhiều nhưng điều nung nấu và trăn trở nhất của ông là phải viết một cái gì đó về Trung đoàn 268 bám trụ kiên cường và chiến đấu vô cùng anh dũng. Sau chiến tranh, dù vẫn luôn tự thấy thôi thúc cần viết những câu chuyện về họ, nhưng công việc của một sỹ quan quân đội rất bề bộn nên ông vẫn chưa thu xếp để viết. 

Nhà văn Lam Giang.

Ý muốn viết về vùng đất này anh hùng Củ Chi cứ âm ỉ, nung nấu trong người rất nhiều năm như một món nợ chưa trả được. Đến năm 2013, khi đi dự trại viết ở Vũng Tàu ông quyết đặt bút viết “Vùng trắng”, viết một mạch như thế cho đến khi hoàn thành trong khoảng thời gian 4 tháng. 4 tháng ròng nhập mình trong số phận những nhân vật thật tới mức không thể thật hơn, khốc liệt tới mức không thể khốc liệt hơn.

Viết về lịch sử nhưng rất hiếm khi Lam Giang chọn thể loại ký. Ông chọn thể loại tiểu thuyết vì theo ông, tác phẩm sẽ vừa thực mà cũng vừa hư cấu mang nhiều màu sắc hơn, người đọc dễ đọc hơn, có thể cảm nhận được chiều sâu của cuộc chiến đấu nhiều hơn.

Trong số rất nhiều người đi qua chiến tranh và “thâm canh” với đề tài lịch sử, Lam Giang vẫn chọn cho mình một vị thế vững chắc. Là bởi, ông luôn quan niệm: Cái hay khi viết về chiến tranh mà mọi người có thể chấp nhận được là viết đúng sự thật, không thêu dệt, không quá cường điệu về sự ác liệt của cuộc chiến, cũng không quá hạ thấp hay quá cường điệu hình tượng người lính. Tôi nghĩ những người viết cần phải phân biệt rạch ròi lịch sử là lịch sử; phải viết đúng quá khứ, không được lãng quên và không được phép xóa nhòa.

Tác phẩm "Vùng trắng".

Đặt trọn tình quê vào… bút danh

Ở tuổi ngoài 70, nhà văn Lam Giang vẫn cần mẫn trên cánh đồng chữ của mình. Ông đang viết một thiên hồi ký - một tự truyện có tuyến thời gian dài nhất từ trước tới nay trong tác phẩm của ông: Từ khi mình còn ở nhà cho đến thời điểm hiện nay, gồm khoảng 9 - 10 chương. “Tôi cố gắng dẫn dắt người đọc qua các thời điểm, các giai đoạn lịch sử mà mình đã trải qua. Đặc biệt là những chương viết về quân đội, viết về những năm đổi mới là những chương thực sự khó viết, khó thể hiện vì rất dễ động chạm. Tôi đã có mặt ở những nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng sợi tóc - cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Những trận chiến khốc liệt đã đành, những chuyến tàu từ Nam ra Bắc khi hòa bình lập lại cũng khốc liệt nghẹt thở. Nhìn lại, đó là những chất liệu ngồn ngộn mà nếu mình không viết sẽ quá uổng phí những năm tháng đã đi qua”.

Lam Giang đặt nhiều niềm tin vào cuốn hồi ký, tự truyện này, vì theo ông có nhiều câu chuyện, chi tiết cuộc đời sống động, hay ho hơn cả hư cấu. Tôi tin vào điều ấy, bởi biết chắc rằng, một người nhiều

Đề tài chiến tranh cách mạng là một điểm nhấn của lịch sử mà những người trong cuộc và cả những người sau này cũng không đủ sức truyền tải hết, cần phải có độ lùi về thời gian để có cái nhìn toàn cuộc. Thế hệ trẻ thì không qua chiến tranh, chỉ viết qua tư liệu hoặc qua những nhân chứng thì thường không sống động, họ không thể viết được những tiểu thuyết chiến tranh tầm cỡ nữa mà chỉ viết được những góc độ nào đó của người lính chứ không thể viết được như các thế hệ nhà văn “cầm súng”. Thế mạnh của lớp trẻ hiện nay là viết về cuộc sống đời thường, về kinh tế thị trường”.

Nhà văn Lam Giang

chiều sâu, tinh tế như ông, hẳn không thể không tự lượm lặt những ấn tượng sâu sắc trên cuộc đời nghìn trùng thiên lý của mình.

Từ những ngày tốt nghiệp phổ thông ở xứ Nghệ, những ngày học ở Đại học Thủy Lợi, chọn Hải Phòng làm vùng đất đầu tiên để lập nghiệp khi tốt nghiệp đạị học, để rồi chỉ sau 3 năm làm kỹ sư thì đi B bắt đầu đời lính… Một cuộc đời trải dài theo những sự kiện, thời gian, không gian dọc dài theo Đất Nước và theo tiếng gọi lẽ phải trái tim mình. 

Bút danh của nhà thơ, nhà văn Lam Giang khiến không ít người “đọc vị” ra chất Nghệ. Lam Giang là Sông Lam - dòng sông Mẹ quê tôi. Tôi yêu quê mình ở tất cả mọi khía cạnh, từ những cánh đồng, dáng núi, dáng sông, những cánh đồng… mà biểu hiện ngọt lành nhất là dòng sông Mẹ. Đó là lý do tôi chọn bút danh cho mình là Lam Giang. Tôi đặt trọn tình cảm với quê hương mình vào trong bút danh ấy, ông chia sẻ.

Kỳ thực, nhìn dáng vẻ của nhà văn Lam Giang không mấy người có thể nghĩ ông là người… nặng tình. Ông có tác phong chắc chắn, đĩnh đạc, nghiêm ngắn của một anh sĩ quan sống trọn đời trong quân đội. Về hưu, ông lại đảm nhiệm vị trí trưởng ban kiểm tra của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Tất cả vị trí ấy đều khiến người đối diện mặc định rằng ông là người kỹ tính.

Nhưng những người bạn của ông đều biết ông cất giấu nhiều tình cảm của mình trong vẻ ngoài đĩnh đạc ấy. Là ông, người không quản ngại mưa nắng tìm đến từng nhà văn, nhà thơ, tác giả gốc xứ Nghệ để mời mọc từng người tham gia, sáng lập nên CLB thơ ca xứ Nghệ ở đất Sài Gòn. Là ông, luôn là người chủ động điện thoại hỏi han sức khỏe bè bạn, dù chính sức khỏe ông đang… có vấn đề hơn người ta: Ngoài 70, tai biến hai lần mà vẫn bị “nghiệp” văn đeo đến phát “nghiện” - bác sỹ, nhà thơ Nguyễn Đình Phú hài hước kể về “ông bạn già của tôi” - cách ông gọi nhà thơ Lam Giang với tất cả chân tình. 

 

Nhà thơ, nhà văn Lam Giang tên thật Hồ Sĩ Thành, quê quán ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là nhà thơ, nhà văn xuất thân từ quân đội, với quân hàm thượng tá, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

* Giải thưởng văn học: Giải B Cuộc vận động sáng tác VHNT kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam do Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM tổ chức 2014-2015 với tiểu thuyết “Vùng trắng”.

Văn - thơ: Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh 2010, Văn - thơ Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh: 1977 - 1984 - 1985 - 1986, Thơ Báo Văn Nghệ 1975 - 1976…

Các tác phẩm đã xuất bản: Những tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn (1984), Trên con đường không cột số (1999), Ngày cuối cuộc chiến tranh (1986), Cửa gió (1997), Dấu chân qua đường phố (1988), Phía sau huyền thoại (trường ca, 2010), Trở lại dấu chân mình (1994), Chiến công những người anh hùng (2004), Người con đất thép (2004), Biệt động Sài Gòn - Những trận đánh vang dội (2008), Vùng trắng (2015)...

Khôi Nguyên Thảo

(Nguồn: báo Nghệ An)

NỔI BẬT TRANG CHỦ