• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đi nhận Giải văn học ASEAN

10/06/2017 10:33

LTS: Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã rời xa dương thế được một năm, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Uông Triều trong dịp tháp tùng nhà văn Nguyễn Chí Trung sang Thái Lan nhận Giải văn học Asean 2011 tới bạn đọc để cùng tưởng nhớ tới ông như một kỷ niệm đẹp.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đi nhận Giải văn học ASEAN

Vào một buổi chiều đầu thu năm 2011, tôi được nhà văn Ngô Vĩnh Bình gọi vào phòng nói chuyện. Khi vào, tôi đã thấy nhà văn Nguyễn Chí Trung ngồi đó, khuôn mặt rất vui vẻ. Mặc dù về Văn nghệ quân đội chưa lâu, nhưng tôi đã được nói chuyện với bác Chí Trung vài lần và cũng nghe nhiều “giai thoại” về nhà văn mang cấp hàm Tướng từng một thời làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí.

Lúc đó, tôi đang ở dãy tập thể của Văn nghệ quân đội, cách phòng nhà văn Nguyễn Chí Trung ba phòng và một cầu thang. Vì có một khoảng cách như vậy, tuy không xa nhưng vì bác Trung chân yếu nên sự tiếp xúc cũng không “sát sạt” như vài anh em khác.

Quay lại câu chuyện trong phòng Tổng Biên tập Ngô Vĩnh Bình. Sau vài câu chúc tụng như thói quen, bác Ngô Vĩnh Bình cho tôi biết nhà văn Nguyễn Chí Trung đã đạt giải văn học ASEAN năm 2011. Giải sẽ trao giải ở thủ đô Bangkok, Thái Lan vào tháng Mười. Bác Trung và bác Bình đã trao đổi và hai người đã thống nhất chọn tôi làm tháp tùng kiêm phiên dịch trong thời gian nhà văn Nguyễn Chí Trung nhận giải ở Thái Lan.

Khuôn mặt bác Trung khi đó rất rạng rỡ, bác bảo tôi hãy đi cùng để hỗ trợ vì tuy bác chưa yếu lắm nhưng di chuyển hơi khó khăn, nhất là tôi lại biết tiếng Anh nên có thể giúp bác giao dịch. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là tình cảm nên tôi vui vẻ nhận lời.

Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi nhưng khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thì xảy ra một sự kiện bất thường: năm đó Thái Lan bị lũ lụt nghiêm trọng, thủ đô BangKok chìm trong nước lũ và việc trao giải văn học ASEAN bị lùi tận sang năm 2012 và rút ngắn đi mấy ngày.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung (ngoài cùng bên phải hàng đầu tiên) trong dịp nhận Giải thưởng Văn học Asean

Một trong những công việc quan trọng nhất của tôi khi đó là dịch bài diễn từ của nhà văn sang tiếng Anh để chuyển cho Ban Tổ chức. Bác Trung là người rất kĩ tính, mỗi khi bài dịch của tôi gần như hoàn thành thì bác lại thay đổi một câu hoặc vài từ khiến cho việc làm cho bản dịch chu tất cũng mất khá nhiều thời gian. Cũng về bài diễn từ này, bác đọc cho tôi nghe vài lần để bấm thời gian và thử giọng, và đúng là một vị tướng đầy máu lửa, đã ngoài 80 tuổi nhưng giọng bác vẫn sang sảng, mạnh mẽ.

Một việc cũng rất quan trọng và tế nhị nữa là khi nhận giải, vì có mặt của hoàng gia Thái Lan, cụ thể là công chúa Thái sẽ trao giải nên theo nghi lễ hoàng gia, những người nhận giải sẽ phải qùy xuống khi công chúa trao tặng. Sở dĩ tôi nói điều này tế nhị vì trước hết bác Trung không muốn quỳ (có thể bác cảm giác mình là một vị tướng) và thứ nữa, sức khỏe của bác Trung cũng yếu, nếu phải quỳ sẽ khó khăn. Tôi nhận nhiệm vụ trao đổi lại với ban tổ chức xin miễn cho nghi lễ này và cuối cùng họ cũng chấp thuận, nhà văn Nguyễn Chí Trung không phải quỳ nhận mà ngồi trên một cái ghế tựa thấp.

Khách sạn ở thủ đô Bangkok nơi chúng tôi ở nằm ngay bờ sông và là nơi đã diễn ra nhiều cuộc trao giải văn học trước đó. Và mặc dù việc di chuyển rất khó khăn, bác Trung không bỏ lỡ bất cứ cuộc tham quan hay giao lưu nào, cuộc nào bác cũng tham dự với tinh thần phấn chấn và cởi mở. Tôi thấy bác đặc biệt thích thú trò chuyện với những người trẻ: những cô dọn phòng, anh bảo vệ, các cháu thiếu nhi cùng tham dự sự kiện và những nhà văn của 10 nước ASEAN.

Có một buổi nói chuyện giữa các nhà văn đạt giải với công chúa Thái Lan làm tôi nhớ mãi. Mỗi nhà văn tham dự có một bài phát biểu ngắn và trả lời các câu hỏi công chúng đặt ra. Bài phát biểu của bác Chí Trung khá dài, bác trích một ý trong Kinh thánh, đại khái nói về việc xây tháp Babel bị trì hoãn và thất bại vì Thượng đế đã bắt mỗi người nói một thứ tiếng nên họ không hiểu nhau. Ngôn ngữ có thể vừa là rào cản, cũng có thể là thứ khiến người ta xích lại gần nhau, nếu có sự cảm thông và chia sẻ, đấy là sứ mệnh của văn học. Ở buổi nói chuyện hôm đó bác Chí Trung nói rất nhiệt tình và hăng hái hơn các nhà văn khác, có lẽ vì bác không chỉ là một nhà văn, bác còn là một vị tướng và một nhà chính trị, người đã từng làm trợ lí cho nguyên thủ quốc gia.

Trong các buổi trao đổi, họp mặt với giới văn nghệ và trí thức của Thái Lan và nước ngoài, các vị khách châu Âu rất quý bác Chí Trung khi họ biết bác là một vị Tướng Quân đội. Vài ông khách nói với bác bằng tiếng Pháp và bác nói chuyện với họ khá suôn sẻ và cởi mở. Nhà văn không quá khắt khe và kĩ tính như giai thoại tôi đã từng nghe. Tôi thấy bất ngờ khi một hôm bác bảo tôi: Mình già rồi, chân yếu khó di chuyển, không mấy khi được ở Bangkok thế này, Uông Triều cứ ra ngoài đi chơi, khám phá một chút cho thoải mái, mình ở lại khách sạn một mình cũng không sao.

Tôi định không đi chơi vì lo nhà văn bất đồng ngôn ngữ, lại sợ bác di chuyển khó khăn nên e có chuyện gì xảy ra nhưng bác cứ giục và bảo nếu có gì cần bác sẽ gọi mấy cô phục vụ ở đây, tôi không cần phải quá lo lắng. Tôi nghe lời bác và gọi một anh bạn người Úc cũng đang tháp tùng một nhà văn Thái Lan đi dạo một vòng quanh Bangkok.

Ấn tượng của nhà văn Nguyễn Chí Trung để lại cho các đồng nghiệp văn chương ASEAN và những người phục vụ khách sạn là rất tốt. Họ nói chuyện với bác với sự kính trọng khâm phục một nhà văn, một vị Tướng Quân đội. Các cô dọn phòng và các anh bảo vệ có ấn tượng rất tốt với bác vì nhà văn luôn tươi cười và hỏi thăm họ những khi có cơ hội. Bác cũng thường xuyên bảo tôi tìm hiểu xem những người xung quanh nói gì về đất nước Việt Nam. Bác cảm thấy hơi tiếc đã không thể ra ngoài để tìm hiểu cuộc sống của những người dân lao động ở Bangkok. Nhà văn luôn có cái tầm của một người luôn quan tâm đến những vấn đề lớn, không hẳn chỉ là vấn đề văn chương.

Tôi được biết sau đó nhà văn Nguyễn Chí Trung đã dành gần như toàn bộ số tiền từ Giải thưởng để đóng góp xây dựng quê hương miền Trung.

Một con người hầu như không để lại gì riêng cho cá nhân, một nhân cách và một tấm gương hiếm có, suốt đời phấn đấu và hi sinh cho lí tưởng của mình.

Uông Triều

NỔI BẬT TRANG CHỦ