• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Nguyễn Chí Trung với văn học Khu V

04/04/2017 14:56

(Tổ Quốc)- Chuyện về Nguyễn Chí Trung thì quá phong phú và cũng đã có nhiều bài viết sâu sắc. Tôi chỉ muốn nói thêm về tấm lòng của anh Trung với lực lượng sáng tác văn nghệ và những người viết trẻ.



(Tổ Quốc)- Trong những ngày đầu chập chững viết văn, tôi có may mắn gặp được hai nhà văn Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung. Đó là hai thủ trưởng trực tiếp, hai người anh, hai người thầy của tôi. Tháng Tư 1971 tôi được điều từ đơn vị lên Ban Văn học Cục chính trị quân khu 5. Người đầu tiên tôi gặp là nhà văn Nguyên Ngọc ở nơi đóng quân của Đoàn Văn công quân khu. Sau mấy ngày trao đổi kỹ càng về những gì tôi đã viết gồm một cuốn tiểu thuyết và mấy truyện ngắn, anh Ngọc phân công tôi về nơi sản xuất tự túc của Ban bên kia núi Dak Sao, thời đó gọi là huyện 40 KonTum. Anh nói: “Lợi cứ về trên ấy vừa phụ anh em làm rẫy vừa tranh thủ sửa lại những bài viết”. Ở đây đã có anh Lương Tử Miên làm thơ, họa sĩ Trần Hoàng Sơn sau này là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, anh Vũ Phong Tạo, lúc đó đã giỏi tiếng Trung, là nhà văn dịch văn học Trung Quốc sau này, nhà thơ Ngân Vịnh và em Chọn, công vụ của Ban. Anh em gặp nhau vui mừng vì chỉ biết tên giờ mới gặp mặt, chỉ có Chọn là đăm chiêu: “Nghe nói có người tăng cường để kịp vụ bắp, nhưng anh ốm yếu quá”. Quả thực lúc ấy tôi ốm yếu thật, và lại lính chủ lực đâu có quen làm rẫy.



Nhà văn Nguyễn Chí Trung (ảnh: TL)

Hằng ngày từ nơi ở trong rừng lồ ô ra rẫy phải xuống một con dốc. Khi đi thì không sao, nhưng chiều đến vừa qua một ngày vất vả lại cơn đói đến leo lên con dốc này không phải chuyện thường. Họa sĩ Trần Hoàng Sơn thường về sau cùng, nhìn anh em leo dốc rồi kết luận chúng tôi từ rẫy về nhà còn nhọc nhằn hơn những người kéo thuyền trên sông Vônga.

Sau bữa ăn tối đạm bạc, chúng tôi thường nói với nhau đủ thứ chuyện trong đó có chuyện về thủ trưởng của mình- hai nhà văn đáng kính và là thần tượng của chúng tôi. Sôi nổi nhất là chuyện về Phó Ban văn học, Bí thư chi bộ Nguyễn Chí Trung. Rất nhiều giai thoại tôi nghe được về anh, có thể có thêm bớt, nhưng phần nhiều là sự thật. Thời còn ngoài Bắc, có một lần anh mượn được chiếc xe đạp đến tiệm cắt tóc xa khoảng dăm cây số, khi xong việc, xe vẫn ở tiệm, anh đi bộ về. Mấy giờ sau người ta đòi xe anh mới nhớ ra, lại đi bộ dăm cây số để lấy xe. Hay một lần đi họp bên Bộ Tư lệnh quân khu 10 giờ đêm mới xong, nhưng anh vẫn về Ban Văn học vì ngày mai phải đi xuống đơn vị, chặng đường khoảng hai giờ đi bộ, nhưng đã gần hai giờ sáng mà chưa tới nơi. Đi một chặp nữa thì gặp một cái chòi bên đường. Anh nghĩ rằng ban đêm càng đi càng lạc nên dăng võng ngủ lại, sáng tính sau. Mờ sáng anh nghe có tiếng radio trong rừng vọng ra. Anh đi về phía có tiếng đài đang phát bản tin thời sự và dằn giọng: “Đơn vị nào đây mà vô kỷ luật, mất cảnh giác thế này, không biết địch đang rải thám báo khắp rừng à?”. Nhưng người đang nghe đài lại là nhà văn Nguyên Ngọc. Một chuyện nữa tại một hội nghị, anh Trung dăng võng trước rồi đi họp để khi về có chỗ ngủ ngay. Họp xong về lại không thấy võng của mình vì nhiều người đã dăng võng và ngủ. Anh Trung bèn nằm trên cái giá để ba lô. Sáng ra mọi người đã cuốn võng đi ăn sáng chỉ còn một chiếc võng. Anh nói to: “Đồng chí nào đây mà giờ này chưa cuộn võng vào gùi, không biết địch đang càn à”. Lại chuyện có lần tắm suối, không biết nghĩ được hình tượng gì mới mẻ, anh chỉ mặc áo, không mặc quần đi thẳng về Ban Văn học, có qua khu nhà bếp của các chị nuôi. Chuyện này thì có tranh cãi, người bảo có, người bảo không…

Mấy tháng sau, từ chiến trường Quảng Ngãi, anh đột ngột đến chỗ sản xuất của Ban Văn học. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Chí Trung. Ấn tượng về anh đến với tôi là mình đang đứng trước một con người nhiệt huyết, có thể làm được bất cứ điều gì. Anh khuấy động khu nhà âm u trong rừng lồ ô. Anh kể chuyện mới nhất về các chiến trường lúc đó đang thực sự khó khăn với một niềm tin mạnh mẽ rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt lên. Anh đưa chúng tôi vào làng. Vùng này phần đông bà con người XêĐăng. Anh nói chuyện với đồng bào gần hai giờ. Không biết đồng bào có đủ tiếng Kinh để nghe hết bài nói của anh không, nhưng mọi người rất chăm chú nhìn anh bởi cử chỉ gần gũi, lòng chân thành sôi nổi, toát ra từ giọng nói. “…Mình là bộ đội Bác Hồ, mình về đây để nói với đồng bào phải đoàn kết lại để đánh tan thằng Mỹ, thằng ngụy, giữ lấy cái rẫy, giữ lấy cái núi, giữ lấy cái suối, giữ lấy cái rừng của mình, không cho thằng Mỹ, thằng ngụy đến đây lấy lại nữa…”. Bài nói của anh nghe rạo rực như đọc Rừng xà nu của anh Ngọc và mang âm hưởng của truyện ngắn Bức thư làng Mực của anh. Tôi đã đến cái làng Mực cũ vào mùa mưa 1970. Hôm đó tôi và anh Thăng, tuyên huấn Mặt trận 4 mắc võng trên một cồn đất giữa sông Thành Mỹ để sáng mai có đò vượt sông sớm. Nửa đêm, thò chân xuống võng nước đã ngập quá mắt cá. Biết lũ đang về nhanh, hai anh em tháo võng, bỏ gùi vào tấm áo mưa cột chặt bơi vào bờ. Nước chảy mạnh, phải xuôi cả cây số mới vào bờ được. Thoát chết, tìm được một làng bỏ hoang, đồng bào đã sơ tán lên miền tây. Đó là làng Mực. Chúng tôi vào một căn nhà cũ được lợp bằng lá mây xếp rất đẹp. Khói bếp trước đây đã làm những kèo cột, mái lá đen bóng. Giữa nhà có cái bếp nhưng tro đã nguội lạnh từ lâu. Chỉ mang theo mươi lon gạo, mà cơn lũ thì chưa biết bao giờ mới dứt để về cơ quan anh Thăng, chúng tôi ra rừng kiếm thêm cái ăn. Rất may cạnh làng Mực không xa có một rừng loòng boong rất tươi tốt. Chúng tôi chén no bụng rồi mang một ít về nơi ở. Hôm sau anh Thăng có sáng kiến tìm được hai cái gùi của đồng bào bỏ lại, ra rừng lòong boong leo hết cây này sang cây khác, tìm được một cây quả ngọt nhất, đốn luôn cả cây xuống đất. Bây giờ mà làm như vậy là phạm luật to. Chúng tôi chất đầy hai gùi lòong boong về nhưng cây này phải đến mấy chục gùi. Sáng nào chúng tôi cũng ra gùi lòong boong đổ vào cái nia lớn, dăng võng lên, nằm đu đưa thò tay xuống lấy lòong boong ăn hoài mệt nghỉ. Đây là một loại trái cây lành, có thể ăn trừ bữa được, chẳng phải quan tâm đến cơn lũ đã rút hay chưa. Nằm ở làng Mực, ăn lòong boong trừ bữa, hệt như vua Gia Long lúc khốn khó. Rút Văn nghệ giải phóng trong gùi ra đọc Bức thư làng Mực của Nguyễn Chí Trung, thật là thú vị.

Cuối năm chúng tôi được lệnh rời khu sản xuất về khu A để chuẩn bị cho công việc năm 1972.

Cũng cuối năm đó, tôi bị anh Nguyễn Chí Trung kiểm điểm nặng nề. Ban Văn học tổ chức một tổ theo đường Nước Lon cõng gạo từ Quảng Ngãi lên. Ngân Vinh phụ trách tổ, đi về mất cả tuần. Khoảng ngày thứ ba, tôi phát hiện một con suối có nhiều cá và đề xuất ném một trái lựu đạn lấy cá bồi dưỡng. Cả tổ không ai phản đối. Chúng tôi có được mấy ăng gô cá để thêm chất tươi trong những ngày cõng gạo nhọc nhằn. Không biết có ai báo cáo lại mà vừa về đến nhà một ngày, anh Trung gặp riêng tôi và phê bình rất gay gắt. Các cụm từ như vô tổ chức, tự do chủ nghĩa, phá hoại kỷ luật quân đội được anh nhắc đi lại nhiều lần với tôi. Vẫn biết là việc đánh cá bằng chất nổ được cấm trên toàn quân khu, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên với sự kết tội của anh Trung. Hồi còn ở đơn vị, đại đội quân y chúng tôi từng cử một đội lên ngã ba sông Bung và sông A Vương đánh cá để có thức ăn tươi cho thương binh và bộ đội. Chúng tôi làm cái bè lằng lồ ô, kéo ra giữa sông, thả thuốc nổ TNT rồi kéo bè vào bờ. Chưa đến bờ bộc phá đã nổ, lật bè nhưng không ai can gì. Cá nhiều đến mức chúng tôi không bắt cá nổi vì không ngon bằng các loại cá chìm. Bắt hơn mười gùi mà không hết. Vì không có muối chúng tôi quyết định đốt lửa lấy than nướng cá. Ánh lửa giữa rừng có lẽ làm thám báo nhìn thấy và gọi máy bay đến. Bốn chiếc B57 dộng xuống cả chục loạt bom theo tọa độ, bay mất mấy gùi cá, không hiểu sao chúng tôi không có hầm mà chẳng ai bị thương. Hôm sau ra vớt tiếp, lợi dụng những đám cháy do bom Mỹ gây ra, nướng hết số cá, xếp vào gùi cõng về đơn vị. Chúng tôi được dặn không được kể với ai chuyện đánh cá nuôi thương binh. Nếu lộ ra đại đội trưởng, chính trị viên chắc bị kỷ luật nặng, cách chức là chắc. Nhưng vì muốn thương bệnh binh có chất tươi bồi dưỡng nên các thủ trưởng cũng liều lách luật. Tuy bị anh Trung phê bình nặng nề, nhưng năm đó tôi cũng được nhận xét không đến nỗi nào, trong đó có câu: có khả năng công tác và sáng tác tốt. Tôi cũng được thăng cấp từ chuẩn úy lên thiếu úy.

Anh Trung là người bò vào khu dồn địch ở Quảng Ngãi, cứ theo chỗ nào có mùi phân người mà đi vì không có mìn, anh Trung lặn lội ở chiến trường Campuchia ác liệt và rùng rợn. Thời chống Pháp rồi chống Mỹ khắp chiến trường khu 5 không nơi nào là không có dấu chân anh. Như chiến dịch Thu 1974, quân ta có kế hoạch đánh chiếm Thượng Đức và Nông Sơn, hai cứ điểm lớn của địch cắm sâu vào vùng giải phóng. Hầu hết các văn nghệ sĩ đều được huy động đi thực tế chiến trường chỉ trừ vài người trực cơ quan. Anh Trung phân công anh Bùi Minh Quốc, Trần Vũ Mai và tôi đi tiểu đoàn 8, trung đoàn 31, sự đoàn 2, đơn vị chủ công đánh vào Nông Sơn. Tôi đã từng là lính chủ lực nên nhận đi với đại đội 7 là đại đội thọc sâu của tiểu đoàn. Trần Vũ Mai đi với đại đội 5, anh Bùi Minh Quốc đi với chỉ huy tiểu đoàn. Anh Trung dặn dò anh em chúng tôi mọi việc rồi rời khỏi tiểu đoàn. Chắc anh lên sở chỉ huy hoặc đến một đơn vị nào đó. Trận đánh thuận lợi bất ngờ. Buổi chiều trước đêm ta tấn công địch thay quân. Nông Sơn từ một tiểu đoàn thành hai tiểu đoàn, quân dồn trú cũ rục rịch ra đi, quân mới đến thì lạ nước lạ cái. Mờ sáng pháo của ta theo sáng kiến của sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn kéo lên lưng chừng núi Cà Tang bắn thẳng vào Nông Sơn. Đạn pháo bắn thẳng thì chẳng có công sự nào chịu nổi. Địch trong căn cứ nhốn nháo. Năm giờ chiều ta chiếm được Nông Sơn, đáng ra chỉ đánh với một tiểu đoàn thì diệt được hai tiểu đoàn, chủ yếu là bắt tù binh. Khi tôi lên đến đỉnh đồi đã thấy Trần Vũ Mai trên đó rồi. Anh đã bám sát trung đội tiền tiêu nằm ở hàng rào cuối cùng cả ngày rồi cùng bộ đội nhảy lên chiếm đồn địch. Tôi chưa thấy trận nào mà quân ta đánh đấm dễ dàng như vậy. Đêm đó đại đội 7, sau khi bàn giao Nông Sơn cho đơn vị chốt giữ, rút xuống bờ sông Thu Bồn, lính ta ngủ như chết chín giờ sáng hôm sau mới thức dậy. Mấy ngày sau tôi không gặp anh Trung. Thì ra biết Nông Sơn thuận lợi, anh đã ra Thượng Đức, nơi sư đoàn 304 của Bộ đánh nhau cù cưa, không dứt điểm được, thương vong cao. Anh đã đi xuống đơn vị chủ công, cùng bộ đội đào hào vây lấn, chịu gian khổ ác liệt hàng tháng trời cho đến khi quân ta chiếm được Thượng Đức.

Chuyện về Nguyễn Chí Trung thì quá phong phú và cũng đã có nhiều bài viết sâu sắc. Tôi chỉ muốn nói thêm về tấm lòng của anh Trung với lực lượng sáng tác văn nghệ và những người viết trẻ.

Sau giải phóng cấp khu giải thể, theo đề xuất của anh Ngọc, anh Trung được các đồng chí lãnh đạo Võ Chí Công- Bí thư khu ủy, Chu Huy Mân- Tư lệnh quân khu ủng hộ, các văn nghệ sĩ hoạt động trên chiến trường khu 5 tập họp về một trại sáng tác do quân khu quản lý. Nhà văn Nguyên Ngọc làm trại trưởng, hai nhà văn Phan Tứ và Nguyễn Chí Trung làm trại phó. Sau đó ít lâu, anh Ngọc được rút ra Hà Nội làm Phó Tổng Thư ký, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Phan Tứ bận thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng và tập trung viết những tác phẩm dài hơi, công việc chủ yếu anh Trung phải lo. Anh em trên rừng xuống không thiếu một ai. Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Nguyên Đặng Kỳ, Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi… Anh Trung điều Trung Trung Đỉnh từ Tây Nguyên về, thu nhận các cây viết trong đô thị Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Công Khế, đi Hà Nội xin họa sĩ Lê Văn Tài, ra Huế rủ rê Bửu Chỉ, vào Nam Bộ sưu tầm Thanh Thảo. Lo chuyện ăn ở, nhà đất cho các trại viên có nhu cầu ở Đà Nẵng. Anh còn lập một trại gà để có trứng bồi dưỡng sáng tác. Gà đẻ trứng, trại viên đẻ tác phẩm để đêm đêm Nguyễn Chí Trung lật từng trang viết của anh em, nâng niu như tác phẩm của mình, trao đổi, thảo luận từng câu từng chữ. Anh đọc văn tôi rồi cứ băn khoăn mãi: Lợi viết không có cao trào. Phòng tôi cạnh phòng Thu Bồn, nghe tiếng anh Trung trao đổi với nhà thơ về trường ca Bazan khát lúc nhỏ, lúc to. Có lúc căng thẳng, chẳng người nào chịu người nào. Cuối buổi khi tôi mở cửa để đi ăn trưa thì thấy hai người ôm nhau khóc.

Không khí sáng tác cứ sùng sục như đi đánh trận. Mà chúng tôi cũng lần lượt được anh Trung cử đến những điểm nóng thời đó ở chiến trường Campuchia. Thật là nhiều kỷ niệm buồn vui ở các số nhà 10 Lý Tự Trọng, 1B Ba Đình, 10 Bạch Đằng là nơi anh em chúng tôi sống và sáng tác ròng rã gần năm năm trời. Nhiều tác giả đã khẳng định được vị trí văn học của mình ở những căn nhà ấy. Có được điều này công sức Nguyễn Chí Trung bỏ ra không phải nhỏ.

Ý chí của Nguyễn Chí Trung luôn sôi nổi, mãnh liệt làm ta có cảm giác không có trở ngại nào mà anh không vượt qua được, nhưng cũng có những nét cực đoan rất là Nguyễn Chí Trung. Nhớ lần gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ khu 5, trong một căn phòng của Hội Văn nghệ Đà Nẵng, tôi đã chứng kiến cuộc đối thoại của hai con người có thể khác nhau nhiều điểm và cũng có những điểm giống nhau.

Nguyễn Chí Trung:

- Quốc ơi, Quốc quên nhân dân rồi. Quốc theo… làm gì để quên mất nhân dân mình.

Bùi Minh Quốc.

- Anh Trung ơi, anh có nhân dân của anh, tôi có nhân dân của tôi, không ai có thể áp nạp được ai.

Cuộc đối thoại không biết bao giờ sẽ chấm dứt. Tôi ngồi nghe đã thấy ngán ngẩm đành đứng lên.

- Tôi xin có ý kiến:

Anh Trung:

- Lợi nói đi.

Tôi phải nói một câu tếu táo để lấy cớ thoát ra khỏi hoàn cảnh này:

- Hai anh đều vì nhân dân quên mình cả, hay là các anh thử vì mình quên nhân dân được không?

Khi đẩy cửa ra khỏi phòng tôi chợt nhìn thấy nét đau khổ hiện lên trên khuôn mặt anh Trung. Bất cứ ai không đồng thuận với suy nghĩ, với ý chí của anh đều làm anh đau khổ, không kể đúng sai thế nào.

02/2017

Thái Bá Lợi

NỔI BẬT TRANG CHỦ