(Toquoc)-Vẫn còn nhiều ồn ào khen chê sau Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam vừa diễn ra tại Huế. Nhưng giá trị lớn nhất mà ít ai phủ nhận là liên hoan đã kịp thời tôn vinh những nghệ sỹ đứng bên cánh gà sân khấu trước khi họ tan tác với nghề.
(Toquoc)-Vẫn còn nhiều ồn ào khen chê sau Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam vừa diễn ra tại Huế. Nhưng giá trị lớn nhất mà ít ai phủ nhận là liên hoan đã kịp thời tôn vinh những nghệ sỹ đứng bên cánh gà sân khấu trước khi họ tan tác với nghề.
Thương lắm, nhạc công ơi!
Cơ chế cho mỗi đoàn nghệ thuật truyền thống hiện nay chỉ có 4 nhạc công. Mà một dàn nhạc cho chèo có khi cần tới trên 10 người. Do đó, phần lớn các nhạc công phải sống bằng mức lương hợp đồng ít ỏi.
Kèm theo cơ chế kinh phí công tác cứng nhắc, nhiều đoàn nghệ thuật muốn cử các nhạc công có tài tham gia kỳ liên hoan vừa qua mà không có đủ kinh phí tham dự. Thậm chí, có những đoàn đã đến được Huế dự liên hoan nhưng chỉ dám ở lại đúng ngày khai mạc và ngày biểu diễn của đoàn, sau đó là rút về vì không có tiền chi cho việc ăn ở, chỉ “cắm” lại thành viên có khả năng đoạt giải.
Động lực duy nhất để những nhạc công vẫn làm nghề không có gì khác ngoài tình yêu chảy trong huyết quản dành cho âm nhạc kịch hát dân tộc (Ảnh: Internet)
Đó là lý do mà theo kế hoạch ban đầu thì tên của sự kiện này là Liên hoan dàn nhạc kịch hát dân tộc Việt Nam. Nhưng sau thấy có quá nhiều đơn vị không có khả năng tham gia, liên hoan phải đổi tên để lấy thêm các dàn nhạc từ các đơn vị đào tạo nghệ thuật, các đội thông tin lưu động.
Sự vắng mặt của nhiều nhạc công vì lý do “cơm áo không đùa với khách thơ” khiến những người gắn bó với âm nhạc kịch hát dân tộc không khỏi xót xa.
Có câu chuyện được thì thầm sau cánh gà rằng một nhạc sỹ “đa đề” nằm trong BGK đề nghị được bỏ tiền túi ra cho một đoàn ở lại liên hoan đến hết bế mạc nhưng các nghệ sỹ của đoàn đã từ chối: “Chúng em không thể nhận tiền của thầy được”.
Theo tiết lộ của một nhạc công đoàn chèo Thái Bình, tất cả các thành viên trong dàn nhạc đều phải đi làm thêm để kiếm sống.
Người may mắn thì vẫn được chơi nhạc nhưng là chơi trong các lễ hội làng, đám ma, lễ cúng bái tại gia. Số khác thì làm đủ thứ nghề lao động chân tay, nhiều người làm xe ôm.
Nhạc sỹ chèo Hạnh Nhân cho hay đó cũng là tình trạng phổ biến ở hầu khắp các đoàn nghệ thuật truyền thống địa phương, thậm chí là ở trung ương.
“Vậy nên, những nhạc công còn gắn bó được với nghề, còn làm nghề nghiêm túc thì rất đáng được thương yêu, trân trọng” - nhạc sỹ Hạnh Nhân khẳng định.
“Khi đã quyết định chọn con đường trở thành một nhạc công nhạc cụ dân tộc, các nghệ sỹ đã chấp nhận một sự nghiệp không tiền tài, không danh vọng.
Học hành gần chục năm để có nghề trong tay nhưng nhận một mức lương theo hệ số nhà nước cào bằng như mọi ngành nghề khác. Công việc của họ lại chỉ đứng sau hậu trường, hai bên cánh gà hoặc dưới sân khấu, làm nền cho những vở diễn, tôn vở diễn và diễn viên lên. Khán giả đi xem một vở cả chục lần cũng không bao giờ quan tâm xem dàn nhạc của vở là những ai, ai đã viết những bản nhạc ấy.
Động lực duy nhất để những nhạc công vẫn làm nghề không có gì khác ngoài tình yêu chảy trong huyết quản dành cho âm nhạc kịch hát dân tộc”.
Cuộc chơi này còn phải tiếp diễn
Có tới 50 huy chương được trao trong lễ bế mạc Liên hoan Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, tăng thêm 20% số huy chương theo quy định của BTC ban đầu, nhưng vẫn không làm hài lòng các thành viên BGK. Bất luận những chỉ trích từ bên ngoài về việc cơn mưa giải thưởng như thông lệ tại mọi kỳ liên hoan, BGK vẫn giữ quan điểm của mình rằng “cái gì đáng được tôn vinh thì phải tôn vinh, chỉ ngại không có đủ huy chương để tôn vinh”.
Khó đòi hỏi các nhạc công phải sáng tạo được ra làn điệu mới trong bối cảnh kịch hát dân tộc còn ì trệ và đang bị mai một như hiện nay (Ảnh: Hoàng Hồng)
Nhạc sỹ Hạnh Nhân - Chủ tịch BGK liên hoan - cho hay, có quá nhiều tiết mục xuất sắc mà trong lần đầu tiên có một liên hoan dành cho nhạc công này, họ đã trưng trổ như một sự khẳng định và tự hào. “Nếu ai phản đối về số lượng huy chương thì có lẽ họ chưa xem hoặc là họ không hiểu được giá trị của nhạc công”.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn của các nghệ sỹ gạo cội là sự xuất hiện ít ỏi của những tác phẩm mới.
“Ngay cả tác phẩm đoạt giải của nghệ sỹ Xuân Bắc - Chủ nhiệm khoa Nghệ thuật truyền thống Đại học VHNT Quân đội cũng chỉ là một tác phẩm sử dụng chất liệu chèo chứ chưa cho ra 1 làn điệu mới.
Cũng khó đòi hỏi họ phải sáng tạo được ra làn điệu mới trong bối cảnh kịch hát dân tộc còn ì trệ và đang bị mai một như hiện nay. Họ không bóp méo đi là may” - Nghệ sỹ Nguyễn Đình Vệ - Giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho hay.
Theo nghệ sỹ Đình Vệ, các nhạc công cũng không nên trách công chúng thờ ơ với mình khi họ chưa hết sức quyết liệt với nghề.
“Các nghệ sỹ vẫn đang ăn sẵn những gì các cụ làm ra chứ chưa ít người sáng tạo ra âm nhạc có hơi thở của hiện tại. Thế hệ anh Đôn Truyền, Hạnh Nhân rồi cũng qua mà chưa nhìn thấy thế hệ kế tiếp. Thế nên, cuộc chơi này còn phải tiếp diễn với những cách thức tổ chức hoàn thiện hơn, cơ chế mở hơn cho nhiều nhạc công được tham gia. Khi được khuyến khích, được tôn vinh, được một sân chơi nghiêm túc, chuyên nghiệp để thi thố tài năng, các nhạc công sẽ có động lực để sáng tạo và cống hiến vô tư cho nghệ thuật kịch hát dân tộc.
Giống như tâm sự của nghệ sỹ Xuân Bắc khi nhận giải: “Tôi vui sướng nhưng không phải vì đoạt giải, mà vì lần đầu tiên đến với chèo đã được chèo ghi nhận”./.
Hoàng Hồng