Kể từ ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Phạm Tuyên viết năm 1950, khi còn là học viên Trường Sĩ quan Lục quân, đến nay ông có một gia tài gần 700 tác phẩm. Ca khúc của ông hầu hết gắn liền với các sự kiện lớn của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình. Những ca khúc ấy song hành cùng nhân dân và sống mãi với thời gian.
Kể từ ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Phạm Tuyên viết năm 1950, khi còn là học viên Trường Sĩ quan Lục quân, đến nay ông có một gia tài gần 700 tác phẩm. Ca khúc của ông hầu hết gắn liền với các sự kiện lớn của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình. Những ca khúc ấy song hành cùng nhân dân và sống mãi với thời gian.
Hàng trăm ca khúc viết trong 50 năm qua về Đảng, về Bác Hồ, về cuộc kháng chiến giữ nước, về tình cảm của thiếu nhi, của người hậu phương đối với tiền tuyến… mỗi khi hát lên đều gợi nhớ đến một giai đoạn lịch sử cách mạng, gợi lên những ký ức khó quên trong mỗi người, từng chặng thời gian. Ông được coi là người chép sử bằng âm thanh, đồng thời cũng được coi là nhạc sĩ của thiếu nhi. Chúng ta khó liệt kê hết những tên bài hát mà cất lên đã biết ta đều thuộc.
Với riêng ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng đã không ít lời ngợi ca về sức sống của nó! Bởi một ca khúc giản dị như không thể giản dị hơn đi vào lòng công chúng khắp trong nước suốt hơn 30 năm qua và khá quen thuộc ở nước ngoài. Một số nhà lý luận phê bình đánh giá ca khúc này ngắn gọn, nhưng đạt cả hai điều cần thiết là cụ thể và khái quát. Chỉ vài dòng thôi, nhưng khái quát về thời đại Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh và cụ thể là 30 năm đấu tranh của nhân dân ta.
PV: Vậy sức sống một bài ca có biên giới không, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ PHẠM TUYÊN: Năm 2007, một người Nhật Bản tên là Takimoto sang Việt Nam nói rằng đi đâu và ở cuộc họp hay cuộc vui nào cũng hát Như có Bác… nên xin phép được lấy ca khúc này làm chủ đề chính cho tác phẩm của mình. Giai điệu Việt Nam - Hồ Chí Minh đã được Takimoto lấy làm nền chủ đạo trong tác phẩm của ông và đã biểu diễn suốt năm đó.
Cũng như thời chiến tôi viết Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ được bạn bè hát say sưa, nhiệt tình trong nước và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên thế giới. Rồi những bài hát của Nga tôi dịch cho các em thiếu nhi như bài Nụ cười, Ở trường cô dạy em thế… Tôi nghĩ rằng bài hát nào gắn với cuộc sống, với tình cảm chân thành, giản dị của con người đều có sức sống bền bỉ vì nó nói lên tâm tư, tình cảm riêng mà chung của cả cộng đồng trong từng giai đoạn biến động của xã hội. Một ca khúc có sức sống vượt thời gian là do trái tim người viết cùng nhịp đập với người nghe, đáp ứng nhu cầu tình cảm của công chúng.
Nhạc sĩ nghĩ sao về giải thưởng âm nhạc?
- Không có giải thưởng nào lớn bằng chỗ đứng của ca khúc trong lòng nhân dân. Có giải thưởng cụ thể khi được Nhà nước trao tặng, và giải thưởng ca khúc được tôn vinh sống mãi trong lòng công chúng. Tôi cố gắng tìm sự giản dị khi sáng tác vì tôi muốn ghi lại cảm xúc của mọi người trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Ví dụ ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng được Chính phủ tặng Huân chương Lao động, nhưng được nhân dân tặng danh hiệu sống mãi với thời gian.
Sau mỗi ca khúc ra đời, tâm trạng ông?
- Tôi luôn có tâm trạng hồi hộp trước hai giám khảo khó tính và khắt khe nhất là: Công chúng và Thời gian. Có những ca khúc viết rất cầu kỳ, sửa đi sửa lại, có ca khúc tôi viết chỉ hai tiếng đồng hồ mà dường như nó được hát ở tất cả mọi nơi, mọi lúc. Thế nên tôi thấy cái khó nhất khi viết ca khúc chính là tìm đến sự giản dị. Giản dị và trung thực với cảm xúc của chính mình sẽ đạt được điều mong muốn là hòa nhịp được với tiếng lòng của nhân dân…
Theo SGGP