• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: "Viết bằng tấm lòng thì tác phẩm sẽ có sức sống"

21/10/2011 15:12

Căn gác nhỏ của nhạc sĩ Phạm Tuyên nằm cuối ngõ nhỏ đường Vạn Bảo - HN. Đầu đường có cảnh vệ vọng gác, hỏi nhà ông ai cũng mau mắn chỉ đường.

Căn gác nhỏ của nhạc sĩ Phạm Tuyên nằm cuối ngõ nhỏ đường Vạn Bảo - HN. Đầu đường có cảnh vệ vọng gác, hỏi nhà ông ai cũng mau mắn chỉ đường.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Khu tập thể nhà N2 - ngõ 40 Vạn Bảo từng là chốn đi về của nhiều cây đa cây đề trong lĩnh vực văn học nghệ thuật như GS - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Tế Hanh... Người đã chuyển đi nơi khác, người khuất bóng, đa số căn hộ của họ giờ để lại cho con cháu sinh sống. Riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn chung thủy chốn này gần 20 năm qua.

Trên cửa nhà nhạc sĩ đề hai chữ Phạm Tuyên. Nay đã tuổi 80, nhạc sĩ họ Phạm đi lại vẫn nhanh nhẹn, phong thái, lịch lãm, nhẹ nhàng. Ông ân cần vào chuyện chứ chẳng cần tôi hỏi: “Tôi chỉ nói về tôi, chứ không bình luận về việc của người khác đâu nhé”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, 10 năm trước ông cũng làm hồ sơ đề nghị xét giải thưởng và được nhận giải thưởng Nhà nước năm 2001. Lúc đó nhiều người bảo ông, đợi có đợt giải thưởng Hồ Chí Minh thì làm hồ sơ xét sau. Nhưng tác giả của bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng tự tại rằng mình đã có giải thưởng Nhà nước rồi. Vậy là đợt rồi ông không làm hồ sơ đăng ký xét giải thưởng HCM nữa.

Bẵng đi một thời gian, Hội Nhạc sĩ HN quyết định làm đề nghị đặc cách xét giải thưởng Hồ Chí Minh cho vị Chủ tịch danh dự của Hội. Trên con đường được đưa vào Danh sách tác giả được đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên lên báo hơi bị nhiều. Ông cười mỉm: “Nó là sự cố thôi”.

Ông thêm: “tuổi thọ” của tác phẩm mới là điều quan trọng với những người sáng tác. Mà sản phẩm gắn thương hiệu - nhạc sĩ Phạm Tuyên thì nhiều “mẻ” hàng chục năm vẫn sống tốt. Đơn cử như nhạc phẩm Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng gần 40 năm qua vẫn vang mãi trong nhiều thế hệ. Bài hát đã được hát bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới: Nga, Lào, Cuba... Thậm chí, 49 tỉnh của Nhật Bản đã dịch sang tiếng Nhật để hát...

Nói vậy nhưng ngay trong phòng đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề của nhạc sĩ Gửi nắng cho em, ông bày trang trọng những Giải thưởng mà ông giành được. Trong đó có Bằng chứng nhận Công dân ưu tú thủ đô năm 2011 mà ông mới được nhận đầu tháng 10.

Nhạc sĩ dí dỏm: “Tôi quê gốc Hải Dương nhưng sinh và sống ở HN. Hơn 80 năm qua tôi đã là công dân của thủ đô, cuối đời chỉ thêm hai chữ ưu tú thôi mà”. Tuổi ông, trời kêu thì dạ, dường như chẳng có gì là quá quan trọng nữa. Ngay cả những tác phẩm đề cử xét giải thưởng Hồ Chí Minh, ông cũng bảo đó là những bài hát do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN tư vấn chọn lựa.

Nhìn lại lịch sử âm nhạc VN, những nhạc sĩ của chúng ta luôn có những bài hát đỉnh cao gắn liền với các sự kiện lịch sử dân tộc. Năm 1945 có Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, 1954 có Chiến thắng Điện Biên - Đỗ Nhuận và không thể không kể đến bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Bài hát được ông sáng tác đêm ngày 28.4.1975, tập và thu âm ngay trong chiều ngày 30. 4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài Tiếng nói VN chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam VN.

Hơn thế, nhiều sáng tác của Phạm Tuyên gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Năm 1959, ngay sau Hội nghị Trung ương Đảng Lao động lần thứ 15 (tháng 1.1959) đưa ra những quyết định quan trọng trong công cuộc giải phóng đất nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên trình làng bài hát Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng.

Nhạc phẩm lấy cảm hứng từ bài thơ của nhà thơ, nhà chính trị người Pháp - Louis Aragon qua bản dịch của nhà thơ Tố Hữu. Sang năm 1960, vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại cho ra đời bài hát Đảng đã cho ta cả một mùa xuân.

Sau ngày hòa bình lập lại, năm 1976 khi gặp nhau ở miền Nam, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã nói với Phạm Tuyên: “Tôi chưa thấy bài hát chính luận nào mà viết được nhẹ nhàng, mềm mại như Đảng đã cho ta cả một mùa xuân”... Thật không quá khi nhìn nhận nhạc sĩ Phạm Tuyên là người biên niên sử bằng nhạc.

Đối với nhiều người, đề tài chính luận vẫn luôn là một cái gì đó xơ cứng, khô khan nhưng với nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông quan niệm: “Khi cảm xúc lên tiếng, viết bằng tấm lòng chân thành mà phù hợp với nhịp đập trái tim của nhiều người thì tác phẩm nào cũng sẽ có sức sống”.

Ngoài ra, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn có Màu cờ tôi yêu - một sáng tác về Đảng rất thành công nữa ra đời năm 1968. Bên cạnh thể loại nhạc đỏ, nhạc thiếu nhi cũng là một kho tàng đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong đó tiêu biểu phải kể đến bài hát Tiến lên đoàn viên ông sáng tác năm 1954 và hàng loạt tác phẩm khác như: Chiếc đèn ông sao, Đêm pháo hoa, Hát dưới cờ HN...

Cụm 5 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này gồm: Tiến lên đoàn viên, Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng, Những ngôi sao ca đêm, Từ làng Sen, Đêm trên Chalo. Mỗi bài cũng có những kỉ niệm, cảm xúc riêng của người nhạc sĩ.

Bài Đêm trên Chalo được bình chọn là 1/10 bài hát hay nhất về Bộ đội Biên phòng, Từ làng Sen từ lâu đã trở thành bài hát truyền thống của Nghệ An và cả nước trong dịp sinh nhật Bác Hồ... Có thể thấy, cả hai mảng đề tài thành công của Phạm Tuyên là nhạc đỏ và nhạc thiếu nhi đều góp mặt trong cụm tác phẩm đề cử với những tác phẩm thuộc diện tiêu biểu nhất.

Theo VH

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ