Không dừng lại ở ca khúc, tác giả của Em ơi Hà Nội phố sắp giới thiệu với công chúng hồi ký của mình. Hồi ký Phú Quang dự kiến phát hành vào cuối năm nay.
Không dừng lại ở ca khúc, tác giả của Em ơi Hà Nội phố sắp giới thiệu với công chúng hồi ký của mình. Hồi ký Phú Quang dự kiến phát hành vào cuối năm nay.
Từ đâu anh lại có ý tưởng viết hồi ký? Phải chăng âm nhạc không đủ để anh trải lòng mình?
Nhạc sĩ Phú Quang: Cũng chẳng có gì ghê gớm như cách bạn đặt vấn đề đâu. Tôi viết là để ghi lại những suy nghĩ đã từng đến trong đời và cũng chẳng theo một trật tự nào cả. Bởi vậy, tôi mới gọi đó là “Những ghi chép lăng nhăng”. Tôi viết cho chính tôi và cũng là cho các con tôi để chúng có thể hiểu hơn về người cha của chúng với những gì thật nhất, cả những điều tốt đẹp lẫn những điều lầm lỗi.
Bản chất của hồi ký là sự thật. Trong hồi ký của ông, sự thật có được tôn trọng tuyệt đối?
- Nếu bản chất hồi ký như bạn đã nói là đúng thì ai lại ngớ ngẩn đi gọi những bịa đặt là hồi ký!
Có nhiều người viết hồi ký nhưng quyết định công bố rộng rãi thì không phải ai cũng dám làm. Vì sao anh quyết định công bố nó?
- Cho dù tôi có công bố hay không công bố cuốn hồi ký này thì cũng chẳng vì những điều như bạn nghĩ là dám hay không dám. Có điều gì mà tôi phải sợ hãi khi những điều tôi viết ra đều là sự thật hoàn toàn. Và tôi cũng không có ý định thóa mạ hay xưng tụng điều gì không đúng với sự thật, dù là viết về mình hay về bất kỳ ai, cũng như các nhân chứng trước tòa án nước ngoài khi họ đặt tay lên kinh thánh và thề: “Tôi thề chỉ nói sự thật và sự thật mà thôi”.
Anh có thể giới thiệu vài nét về nội dung cuốn hồi ký của mình?
- Tôi phải rất xin lỗi vì sẽ không thể nói gì về nội dung, bởi chắc độc giả cũng đồng ý với tôi: “Chán nhất là đọc một cuốn sách mà mình đã nghe kể về nó đến mòn cả tai”.
Anh còn giữ lại gì cho riêng mình mà chưa thể nói ra trong cuốn hồi ký này ?
- Tất nhiên là có rất nhiều điều nhưng không phải vì sợ hãi hay giấu giếm mà vì chẳng có ai lại rỗi việc đến mức bỏ hết thời gian sống của mình để đọc một câu chuyện của một kẻ nói dai như đỉa đói mà chắc gì đã hay. Một lý do khác là không phải cái gì cũng nói thốc nói tháo ra với mọi người giống như một kẻ quá vô duyên. Cũng còn một lý do khác nữa là có những chuyện không nên nói ra nếu điều đó làm ảnh hưởng đến sự bình yên của một người nào đó mà tôi đã từng yêu thương...
Khán giả yêu nhạc vẫn nói rằng ca khúc của anh là thơ. Rất trau chuốt mượt mà nhưng ở một mặt nào đó, nó đòi hỏi người nghe phải tập trung cao độ. Đó có phải là điểm nổi bật, là nét riêng trong âm nhạc của Phú Quang?
- Về điều này, trước hết cho tôi xin cảm ơn các nhà thơ mà tôi đã tìm thấy sự đồng cảm trong các bài thơ của họ, dù tôi có giữ gần như nguyên vẹn bài thơ của họ hay tôi chỉ bắt gặp ở họ sự đồng điệu với suy nghĩ của mình, kể cả lúc tôi chỉ mượn của họ năm, bảy chữ.
Bởi tôi nghĩ rất chân thành rằng nếu như không có những điều đó, có thể những bài hát của tôi chưa chắc đã ra đời, dẫu rằng tôi cũng có nhiều bài hát mà lời ca là hoàn toàn của mình. Còn chuyện nghe nhạc, tôi nghĩ nếu ai muốn cảm nhận trọn vẹn một tác phẩm thì cũng phải lắng nghe thôi. Điều này không chỉ là cách xử sự với nhạc của riêng tôi mà nó cần có thái độ như thế với bất kỳ một nhạc sĩ nào. Tất nhiên, còn có những loại nhạc để tạo không khí thì dù bạn không nghe kỹ, nó vẫn làm cho bạn cảm thấy ổn.
Ở tuổi 60, nếu nhìn lại sự nghiệp âm nhạc của mình, anh sẽ nhận xét như thế nào về nó?
- Âm nhạc của tôi là chính cuộc đời tôi. Trong đó có cả những niềm vui lẫn những nỗi buồn, những điều hay lẫn những điều dở. Chỉ có điều nó chân thành, không bịp bợm, không giả trá.
Âm nhạc đã mang lại cho anh những gì và lấy đi của anh những gì?
- Tôi rất hạnh phúc khi tìm thấy sự đồng cảm của khán giả. Tôi cảm ơn họ vì họ là những người giúp tôi bình tĩnh đi tiếp con đường của mình. Còn cái mất ư? Khi chúng ta có bất kỳ một hạnh phúc nào trong cuộc đời thì chúng ta cũng phải trả giá bằng một mất mát tương đương thế.
Trong ca khúc của anh luôn xuất hiện những bóng hồng. Họ có ảnh hưởng và tạo nguồn cảm hứng như thế nào đối với anh?
- Ai là người có thể viết được về tình yêu nếu bạn không biết yêu một con người, dù người đó là người khác giới, thậm chí với cả những người mà trời đất đã sinh ra họ để chỉ biết yêu thương những người đồng giới!
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, một doanh nhân thành đạt, bây giờ anh lại dạo bước trên con đường văn chương?
- Những lời này lớn lao quá nên tôi cứ thấy gờn gợn. Tôi suốt đời chỉ là một nhạc sĩ thôi. Cũng có lúc cao hứng thử đi buôn nhưng chưa bao giờ thấy mình là doanh nhân thành đạt. Rồi những lúc buồn cũng tí toáy viết vài chữ chơi nhưng chẳng bao giờ dám nghĩ mình đang đi vào “con đường văn chương” cả. Sống được đến bây giờ, tôi cũng chỉ là kẻ “lập thân tối hạ thị âm nhạc”. Thế thôi.
Có bao giờ anh thấy mình nên có những ngã rẽ mới để hình ảnh của mình không chỉ sáng mà còn mới mẻ hơn?
- Tôi sẽ chẳng có ngã rẽ nào đâu. Tôi thích câu nói của nhà văn Marquez: “Mỗi người chỉ sáng tạo ra một tác phẩm, còn lại là những bản sao của chính mình”. Tất nhiên đó là một câu tự trào nhưng ngẫm nghĩ lại tôi thấy cũng có nhiều điều rất đúng.
Theo NLĐ