• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân rộng các mô hình hiệu quả trong cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc

Văn hoá 26/05/2020 17:10

(Tổ Quốc) - Ban hành Kế hoạch công tác gia đình năm 2020; Tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình"; Tạo sự chuyến biến mạnh mẽ trong đăng ký thi đua thực hiện các danh hiệu văn hóa là những điểm tin văn hóa, gia đình tại một số tỉnh Tây Nam Bộ.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả trong cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/giadinhvanhoa

Tiền Giang: Nhân rộng các mô hình hiệu quả tại cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, triển khai, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các văn bản có liên quan đến gia đình trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch công tác gia đình năm 2020.

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành như: Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Nghị quyết số 81/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị 49-CT/TW. Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các Chương trình, Đề án gồm: Đề án phát huy giá trị mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc đến năm 2020; Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020…

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền chủ đề thực hiện nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 "Xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; Tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc và Ngày Gia đình Việt Nam; Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Thực hiện thí điểm năm thứ 2 Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình. Duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả tại cộng đồng về xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình…

Trà Vinh: Tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình"

Trong tháng 5/2020, ngành VHTTDL tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Tiếp tục thực hiện hồ sơ di tích Chùa Lớn, xã Ngũ Lạc, chùa Bà Giam, chùa La Bang, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải; di tích Thiên Hậu Cung, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần; Chùa Xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè. Đồng thời phối hợp với huyện Duyên Hải thẩm định, thống nhất việc phục hồi hầm bí mật trong chánh điện di tích chùa Tà Lôn, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Đến nay, toàn tỉnh có 01 bảo vật quốc gia, 05 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 43 di tích được xếp hạng.

Về xây dựng văn hóa cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Các huyện đã tiến hành kiểm tra công nhận ấp đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh đã có 244.576/275.529 hộ đạt chuẩn "Gia đình văn hóa"; 561/756 "ấp – khóm văn hóa"; có 57 xã đạt chuẩn "Văn hóa nông thôn mới"; 14 phường, thị trấn đạt chuẩn "văn minh đô thị"; 1.063/1.141 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Trong tháng, đã bổ sung 856 tờ báo, tạp chí, phục vụ 5.361 lượt bạn đọc, số sách báo luân chuyển 4.891 lượt quyển. Tiếp tục biên soạn thông tin chuyên đề "Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020)". Luân chuyển sách đến 15 điểm thuộc huyện Càng Long, Châu Thành và TP Trà Vinh, với 4.500 quyển; lập danh mục sách cho 27 điểm bưu điện văn hóa xã.

Về công tác gia đình: Tiếp tục triển khai kế hoạch công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2020. Xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội gia đình tỉnh Trà Vinh lần thứ IV năm 2020. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 106 mô hình "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống" tại 106 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố; 343 mô hình "Phòng, chống bạo lực gia đình".

Tháng 6, ngành sẽ tham gia cùng ban chỉ đạo "Các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh kiểm tra các tiêu chí về văn hóa các xã xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn Ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra công nhận, tái công nhận danh hiệu "xã văn hóa nông thôn mới", "phường, thị trấn văn minh đô thị", công nhận, tái công nhận ấp – khóm văn hóa; nông thôn mới; kiểm tra công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; hoạt động mô hình "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống"; "Phòng, chống bạo lực gia đình" năm 2020. Thư viện tỉnh trưng bày sách phục vụ cho việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; sách kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; sách về biển đảo Việt Nam…

Bảo tàng tổng hợp tỉnh tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm hiện vật; triển khai kế hoạch lập hồ sơ Lễ hội Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ban Quản lý di tích thực hiện hồ sơ khoa học các di tích và tổ chức lấy ý kiến đóng góp lý lịch di tích chùa Xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè. Khảo sát xác định giá trị di tích chùa Tân Long, xã Thanh Sơn; chùa Phnô Prel ấp Nô Rè, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú.

Vĩnh Long: Tạo sự chuyến biến mạnh mẽ trong đăng ký thi đua thực hiện các danh hiệu văn hóa

Thực hiện Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung các Quyết định. Từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa và giá trị to lớn của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tạo sự chuyến biến mạnh mẽ về chất lượng và số lượng trong đăng ký tham gia thi đua thực hiện danh hiệu "Gia đình văn hoá"; "Ấp, khóm (khu) văn hoá"; "Xã văn hóa nông thôn mới"; "Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị".

Kết quả, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" thời gian qua liên tục được phát triển, nhận được sự tích cực hưởng ứng của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp nhiều công - của cùng nhà nước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng; những hiệu quả thiết thực mà phong trào đã mang lại cho xã hội như: điện, đường, trường, trạm, v.v… góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống vật chất và tinh thần giữa người dân.

Bên cạnh đó, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Ngoài việc hoàn thành nghĩa vụ công dân, nông dân còn đóng góp rất lớn sức người, sức của góp phần cùng nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo khí thế mới ở cơ sở, làm cho bộ mặt nông thôn ngày được đổi mới, tạo cho nông thôn, thành thị ngày càng xích lại gần nhau.

Giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội như giải quyết việc làm cho người lao động, xoá được hộ đói, giảm được hộ nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách, người già cô đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giải quyết học hành theo chương trình phổ cập, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình, ngăn chặn đáng kể các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng lành mạnh các quan hệ xã hội, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư, xóm ấp.

Tạo tiền đề và điều kiện tốt cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua việc sinh hoạt Tổ Nhân dân tự quản, sinh hoạt Chi, Tổ hội các đoàn thể, quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy bằng nhiều hình thức. Từ đó, tính tự giác của quần chúng không ngừng được nâng lên, đại bộ phận nhân dân chấp hành thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, Pháp luật Nhà nước, các nghĩa vụ công dân hoàn thành tốt.

Thông qua phong trào, đã nâng cao vai trò lãnh đạo của Chi, Đảng bộ cơ sở, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo mối quan hệ gắn bó giữa 10 Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với nhân dân, đổi mới được nội dung, phương thức hoạt động, thực lực chính trị ở cơ sở được xây dựng ngày càng mạnh, lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ