• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân viên y tế tự cắt cụt chân mắc chứng “rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể”?

Sức khỏe 16/11/2016 15:01

(Tổ Quốc) -Liên quan đên trường hợp nhân viên y tế P.D.K tự cắt chân mình ở Cần Thơ, chuyên gia y học nhận định đây là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam mắc chứng “rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể”.

Người mắc chứng BIID sẽ tự tổn thương mình hết lần này đến lần khác nếu không được điều trị kịp thời. (Ảnh minh họa).

Hôm 10/11, dư luận bị sốc trước tin tức từ các phương tiện truyền thông cho hay anh P.D.K (27 tuổi, trú quán Vĩnh Long), đang công tác tại BV Q. Cái Răng (Cần Thơ), bất ngờ tự cắt chân trái của mình đến tận đùi.

Sáng nay (16/11), tin từ BV Trung ương Cần Thơ – nơi anh P.D.K đang điều trị, cho hay tình trạng sức khỏe bệnh nhân đặc biệt này “đã ổn, tỉnh táo, tiếp xúc bình thường, mỏm cụt ở đùi trái đã khô”. Dự kiến hôm thứ Sáu tới anh P.D.K sẽ được tiếp tục điều trị tại BV Tâm thần TP. Cần Thơ.

Liên quan đến tình huống tự cắt chân của anh P.D.K, BS Lâm Minh Hiếu thuộc khoa Tâm thần BV Đại học Y dược TP.HCM cho rằng rất nhiều khả năng anh K mắc chứng “rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể”, gọi tắt là BIID (Body Integrity Identity Disorder).

“Trong bệnh lý này, một người có suy nghĩ cưỡng bức là một hay nhiều chi trên cơ thể không thuộc về mình, đau khổ thường trực với ý nghĩ đó và tìm cách để tự cắt bỏ chi. Đây là bệnh tâm thần hiếm gặp, trên thế giới cũng đã ghi nhận vài trường hợp, người bệnh có thể tự làm tổn thương để bác sĩ cắt cụt chi cho mình” – BS Hiếu giải thích thêm.

Chuyên gia này cũng khẳng định người mắc BIID không xuất hiện khuynh hướng làm tổn thương người khác. “Đây là bệnh tâm thần hiếm gặp. Nếu có triệu chứng bất thường thì khám và tư vấn tại phòng khám có bác sĩ chuyên khoa tâm thần” – BS Hiếu khuyến cáo.

Được biết, những dấu hiệu đầu tiên của chứng BIID thường xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng. Nếu không kịp thời được tư vấn và điều trị bởi chuyên gia tâm thần, người mắc chứng BIID sẽ tự tổn thương mình hết lần này đến lần khác.

Đỗ Bá

NỔI BẬT TRANG CHỦ