• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhạy cảm chuyện cảnh nóng trên phim

Văn hoá 20/05/2012 23:22

(Toquoc)- Một bộ phim Việt đã bị cấm phát hành vì cảnh nóng quá đà, nội dung không phù hợp. Đây có lẽ là bài học cho các nhà làm phim về việc lấy cảnh nóng làm mồi câu khách song cũng dấy lên những tranh luận, thế nào là ‘nóng’ nghệ thuật, thế nào là ‘nóng’ câu khách?

(Toquoc)- Một bộ phim Việt đã bị cấm phát hành vì cảnh nóng quá đà, nội dung không phù hợp. Đây có lẽ là bài học cho các nhà làm phim về việc lấy cảnh nóng "câu khách", song cũng dấy lên những tranh luận, thế nào là ‘nóng’ nghệ thuật, thế nào là ‘nóng’ câu khách?

Có một điều rất lạ là các đạo diễn, các nhà phê bình đều không muốn nói đến cảnh nóng trong phim Việt. Trong khi, những cảnh nóng lại đang xuất hiện nhan nhản trên phim và truyền thông thì liên tục đưa tin. Bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy, xu hướng làm phim có cảnh nóng đang nở rộ. Từ truyền hình cho đến điện ảnh. Mới đây, một bộ phim đã bị cấm phát hành vì nhiều cảnh gợi cảm quá đà. Các đạo diễn thì nói mình không lạm dụng, các nhà phê bình thì lắc đầu lè lưỡi, còn khán giả thì không hiểu, những bộ phim đầy cảnh nóng ấy có ích gì?

Nóng: nhiều và nhạt!

Không phải phim Việt gần đây mới có cảnh nóng. Cảnh nóng đầy ám ảnh đã xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước với “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Sau đó, khán giả còn nhớ đến “Người đàn bà nghịch cát” của Đỗ Minh Tuấn từ năm 1990. Có một điểm chung giữa hai bộ phim, cảnh nóng không xuất hiện nhiều, nhưng lại cần thiết và ám ảnh người xem đến tận cùng.

Điện ảnh Việt ngày càng thiếu những cảnh nóng mang tính nghệ thuật

Cảnh nóng là cần thiết nếu phù hợp với đề tài bộ phim phản ánh. Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng thể hiện cảnh nóng trong phim của mình một cách mạnh bạo, dạn dĩ bởi nhân vật mà bộ phim đề cập là cô gái bán hoa trên sông Hương. Hơn nữa, không có cảnh đó, tình huống bọn lính nguỵ bỏ đi khi nhìn thấy đôi chân nam nữ thò ra khỏi chăn không còn thuyết phục. Cảnh nóng đã trở thành một chi tiết nằm trong cốt truyện phim. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Cô gái trên sông" cần những cảnh đó vì nhân vật chính là cô gái làm nghề bán thân nuôi miệng. Còn nếu nhân vật này là một cô giáo hay một nữ sinh ở trường Đồng Khánh thì không thể cho những cảnh đó vào được”.

Không thể phủ nhận, cảnh nóng là một trong những yếu tố hấp dẫn, gợi trí tò mò của khán giả. Bởi vậy, nó thường được ví như là món đặc sản mà các đạo diễn dùng để kéo khán giả tới rạp. Nếu được xử lý tốt thì cảnh nóng vừa là yếu tố hấp dẫn vừa góp phần nâng cao chất lượng bộ phim. Ngược lại, đạo diễn non tay thì cảnh nóng chỉ gây phản cảm. Khán giả từng ngao ngán với những cảnh nóng thô thiển của “Đẻ mướn”, “Chuông reo là bắn”, trần trụi của “Bi, đừng sợ”, nhạt nhẽo trong “Những cô gái chân dài”, “Nụ hôn thần chết”, “Đẹp từng centimet”…

Xu hướng làm phim có cảnh nóng giờ đây đang nở rộ trong điện ảnh Việt. Lời khen thì ít mà tiếng chê thì nhiều. Nếu trước đây, các nhà làm phim chỉ lấy cảnh nóng làm minh họa cho bộ phim thì bây giờ, nhiều bộ phim được làm để minh họa cho cảnh nóng. Nói như vậy không quá, bởi bộ phim “Chuông reo là bắn” đã từng được khán giả gọi chệch đi thành “Chuông reo là…cởi” hay “Chuông reo là…tắm”. Mới đây nhất, bộ phim “Bẫy cấp 3” không được ra rạp bởi cảnh nóng quá đà, nội dung không phù hợp. Trailer phim câu khách bằng cảnh giường chiếu, nam nữ trang phục mát mẻ ôm nhau tắm suối trong khi là bộ phim nói về học sinh trung học. Sự lệch lạc trong việc lấy cảnh nóng làm mục đích câu khách trong trường hợp này là khá rõ.

Giữa hàng chục bộ phim có cảnh nóng của điện ảnh Việt gần đây, có được bao nhiêu bộ phim khiến khán giả nhớ đến bởi chất lượng nghệ thuật của cảnh nóng. Hình ảnh đầy nghệ thuật với hai đôi chân trần run rẩy trong mưa của vợ chồng Dần trong “Áo lụa Hà Đông” chỉ là một hiện tượng hiếm hoi của cảnh nóng trong phim Việt gần đây.

Né chuyện nhạy cảm?

Hầu như các bài báo nói chuyện cảnh nóng đều là ý kiến các diễn viên và thông tin rằng phim này, phim khác có cảnh nóng. Còn các đạo diễn dường như không muốn nói đến chuyện làm phim cảnh nóng bởi theo họ, như thế nào là cảnh nóng, như thế nào là cảnh nóng nghệ thuật và cảnh nóng phi nghệ thuật vẫn còn khó mà thẩm định.

Chỉ khi nào, các nhà làm phim thực sự đi đến cùng mục đích sáng tạo nghệ thuật của mình thì mới hy vọng, điện ảnh Việt không còn những cảnh nóng sống sượng



Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Giữa nhà quản lý, người xem và đạo diễn không có mẫu số chung thế nào là cảnh nóng thẩm mỹ, thế nào là cảnh nóng không thẩm mỹ. Tính thẩm mỹ của mỗi người cũng rất xa vời, khó để nhận định chung về cảnh nóng. Bởi vậy, với người này có thể là cảnh nóng thô tục nhưng với người khác lại bình thường. Vấn đề là ở cấp bậc của thẩm mỹ và văn hóa”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thì cho rằng: “Phim hay ở chỗ khác chứ không phải ở chỗ có nhiều cảnh sex hay ít cảnh sex. Tôi cũng lạ khi đọc báo, chỉ thấy người ta toàn bàn đến những cảnh “hot” (nóng-PV) trong phim. Trong khi, để nâng cao chất lượng phim ảnh còn biết bao nhiêu chuyện cần bàn chứ đâu chỉ có chuyện có cảnh “hot” hay không”.

“Nóng hay không nóng, nghệ thuật hay phản nghệ thuật, điều đó còn phụ thuộc và mục đích của người làm phim và thẩm mỹ của người đạo diễn đến đâu”- Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết. Đạo diễn của “Đời cát” cũng cho rằng: "Nếu mục đích làm cảnh nóng của tôi là trong sáng, thì chắc chắn tôi sẽ được chấp nhận. Còn nếu không được chấp nhận, đạo diễn hãy xem lại chính mình”.

Đạo diễn “Cô gái trên sông” cũng đồng quan điểm này. Ông cho rằng: “Có những đạo diễn cần cảnh nóng để câu khách vì người ta làm phim lấy đồng tiền làm mục đích, làm phim theo lối bắt chước, thấy phim người ta sex thì mình cũng sex, thấy người ta đồng tính mình cũng đồng tính, người ta làm phim ma mình cũng làm phim ma. Một nền điện ảnh bắt chước, chẳng bao giờ được ai kính trọng”.

Tuy nhiên, bất chấp sự bàn luận của các đạo diễn thì vẫn tồn tại một sự thật rằng, càng ngày, những bộ phim lạm dụng cảnh nóng càng nhiều hơn. Song đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nổi tiếng với bộ phim khá nhiều cảnh nóng là “Sống trong sợ hãi” lại cho rằng: chẳng có gì đáng ngại, không hề có chuyện lạm dụng cảnh nóng với điện ảnh Việt.

Khái niệm thế nào là cảnh nóng, thế nào là nghệ thuật hay phản cảm vẫn còn chưa có “chuẩn” thì làm phim cảnh nóng hay không là quyền lựa chọn của mỗi đạo diễn. Song điều quyết định đến sự thành công hay không lại phụ thuộc vào tài năng và tầm nhìn của họ. Chỉ khi nào, các nhà làm phim thực sự đi đến cùng mục đích sáng tạo nghệ thuật của mình thì mới hy vọng, điện ảnh Việt không còn những cảnh nóng sống sượng./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ