• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiệm vụ bất khả thi: Ai “phá băng” đối đầu Nga, Anh?

Thế giới 22/12/2017 06:24

(Tổ Quốc) - Liệu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson có thể đem lại luồng sinh khí mới cho quan hệ Nga – Anh trong chuyến công du chính thức tới Moscow?  

Chuyến công du tới Moscow vào ngày hôm nay (22/12) của ông Boris Johnson sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Ngoại trưởng Anh đến Nga trong vòng hơn 5 năm trở lại đây.

Cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Ngoại trưởng Anh và người đồng cấp nước Nga Sergei Lavrov đang nhận được nhiều sự chú ý, đặc biệt là khi mối quan hệ giữa hai nước hiện đang có nhiều bất đồng, thậm chí là bế tắc.

Hãng tin Sputnik nhận định, bản thân ông Johnson dường như còn khá mâu thuẫn về lập trường của mình trong chuyến thăm Nga. Ngoại trưởng Anh từng nhắc đến “những khác biệt sâu sắc” giữa Anh và Nga, cũng như sự cần thiết cho một mối quan hệ “được duy trì và phát triển”.

Một điều chắc chắn là: nếu thật sự mong muốn thúc đẩy quan hệ Nga và Anh tiến về phía trước, ông Johnson sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ cả bên trong và bên ngoài.

 Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ có chuyến công du chính thức tới Moscow vào ngày 22/12

Ukraine: Cuộc khủng hoảng đã bám gốc rễ

Trở ngại lớn nhất cho mục tiêu trên của Ngoại trưởng Anh, đó chính là cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây cũng chính là sự kiện đã châm ngòi cho cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Nga và phương Tây.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Anh đã thể hiện một lập trường cứng rắn về vấn đề này; đồng thời là một trong những “tiếng nói” đi đầu, thúc đẩy EU tiến hành và mở rộng các lệnh trừng phạt Nga.

Mặc dù ông Johnson không tham gia vào quyết định ban đầu áp dụng lệnh trừng phạt Nga, nhưng đầu năm nay, chính ông đã vận động Hội đồng Đối ngoại Châu Âu giữ nguyên các lệnh cấm vận này.

Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Anh về chuyến thăm chính thức Nga của ông Johnson, vấn đề Ukraine vẫn được liệt kê là một trong những “sự khác biệt sâu sắc” giữa Anh và Nga; đồng thời là một khoảng trống khó có thể lấp đầy trong việc khôi phục quan hệ chân thành giữa hai bên. 

Syria: Nga, Anh ở hai bên đối lập

Một điểm bất đồng đáng chú ý khác giữa Phố Downing (nơi đặt Văn phòng Thủ tướng Anh) và Điện Kremlin, là cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết tại Syria – nơi Nga và Anh có thể coi là thuộc hai bên đối lập nhau.

Anh nằm trong liên minh theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ lãnh đạo hiện tại của Syria; trong khi Nga công khai ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Moscow cũng không ít lần tỏ ra quan ngại về ranh giới mỏng manh giữa những “nhóm nổi dậy ôn hoà” mà Anh và phương Tây vẫn đề cập tới và giúp đỡ – với các lực lượng khủng bố, bao gồm cả IS.

Tuy nhiên, theo Sputnik, dường như đã có một sự thay đổi trong thái độ của London về cuộc chiến tại Syria. Tháng Một năm nay, Ngoại trưởng Anh từng ám chỉ, chính phủ nước này “cởi mở” đối với việc ông Assad tham gia vào quá trình quá độ. Mặc dù vậy, cuộc chiến Syria vẫn là một hòn đá tảng trong mối quan hệ giữa London và Moscow.

Thực tế là, hồi tháng Ba, ông Johnson đã huỷ bỏ chuyến thăm Moscow vì cuộc tấn công vũ khí hoá học mà theo phương Tây, là do chính quyền Syria thực hiện. Ngài Ngoại trưởng thậm chí còn cố gắng thuyết phục (mặc dù không thành công) các nhà lãnh đạo G7 áp dụng thêm các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Áp lực từ bên trong

Cuối cùng, nhưng không hề kém quan trọng, hiện đang có một áp lực khá lớn đến từ trong chính phủ cầm quyền Anh - những người đang nhìn nhận Nga là một “mối đe doạ” cho nước Anh.

Thủ tướng Anh Theresa May từng cáo buộc Nga tài trợ cho các cuộc tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử của các nước phương Tây. Moscow đã kiên quyết phủ nhận các cáo buộc này và chỉ ra rằng, cho đến nay vẫn chưa có một chứng cứ thực sự có sức thuyết phục nào.

Tương tự, Bộ Quốc phòng Anh cũng không ít lần đưa ra những cảnh báo về quân đội Nga đối với an ninh Châu Âu. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho rằng, Nga đang “tiến hành một cuộc chiến chống lại Anh” và “cố gắng để phá hoại các lợi ích của nước Anh”.

Một nhân vật khác trong nội các Anh, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond từng gọi Nga là “mối đe doạ lớn nhất đối với an ninh Anh”.

Ngoại trưởng Johnson chắc chắn hiểu rõ những áp lực trên. Bản thân ông cũng đã buộc tội Nga thực hiện “chiến tranh mạng”, “cố gắng phá vỡ các tiến trình dân chủ tại Anh” và “làm bất ổn các hoạt động tại phía tây Balkan”.

Trong một nỗ lực nhằm làm giảm bớt kỳ vọng của dư luận, ông Johnson tuyên bố, chuyến thăm tới Nga chỉ là một cách để giữ cho “các kênh liên lạc” được hoạt động.

Trong khi đó, Tổng thống Nga từng lưu ý, việc cải thiện quan hệ song phương giữa Nga và Anh “đến một mức cao hơn so với vị trị của nó ngày hôm nay” sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

(Theo Sputnik)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ