• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều tiềm năng thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Thụy Sĩ

Kinh tế 26/06/2023 10:42

(Tổ Quốc) - Việt Nam và Thụy Sĩ đang hướng tới kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho tới nay, hai nước đã đạt được nhiều bước tiến trong quan hệ song phương, trong đó có thương mại.

Đánh giá cao kết quả cuộc gặp vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass, trang Vietnam Briefing đã đánh giá sự phát triển thương mại giữa Thụy Sĩ và Việt Nam.

Trong cuộc tiếp Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass chiều 16/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm chính thức đến Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ nhân dịp hai nước kỉ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, một nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm giữa hai Chủ tịch Quốc hội lần này đó là việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), trong đó Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng trong Khối.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Bên sẽ bàn giải pháp để gia tăng thương mại và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.

Nhiều tiềm năng thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Thụy Sĩ - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass. Ảnh: Quochoi.vn.

Có thể thấy thương mại và đầu tư song phương cùng tiến độ đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Thụy Sĩ là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Việt Nam và Khối Thương mại Tự do Châu Âu EFTA (Iceland, Na Uy, Lichtenstein và Thụy Sĩ) đã khởi động tiến trình đối thoại FTA từ năm 2012. Với ít nhất bốn vòng đàm phán chính thức đã hoàn tất, kết quả tích cực có thể sẽ được sớm công bố.

Các dự án FDI và xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Việt Nam

Các công ty Thụy Sĩ đã triển khai tổng cộng 198 dự án tại Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, với tổng giá trị 1,89 tỷ USD.

Một trong những nhà đầu tư Thụy Sĩ lớn nhất tại Việt Nam là Nestle. "Ông lớn" về thực phẩm và đồ uống đã đầu tư hàng triệu USD vào các hoạt động tại Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng xu hướng này. Vào tháng 2, Nestle tuyên bố sẽ chi thêm 132 triệu USD để mở rộng hoạt động, tăng gấp đôi sản lượng cà phê chất lượng cao mà họ sản xuất tại Việt Nam.

Hiện xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Việt Nam đạt tổng trị giá 622,5 triệu USD năm 2022. Nổi tiếng về sản xuất thiết bị có chất lượng cao, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Thụy Sĩ sang Việt Nam là máy móc, thiết bị, công cụ và dụng cụ. Riêng những sản phẩm này đã chiếm tổng cộng 164 triệu USD.

Thêm vào đó, Thụy Sĩ cũng sản xuất nhiều loại linh kiện và phụ kiện máy tính mà Việt Nam đang thiếu hụt. Do đó, đây là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Thụy Sĩ sang Việt Nam vào năm 2022, với tổng trị giá hơn 96,5 triệu USD.

Thụy Sĩ cũng là nơi đóng trụ sở của một số nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới và nổi tiếng về sản xuất các loại thuốc tân tiến và chất lượng cao. Nhiều công ty dược phẩm trong số này đã hiện diện tại Việt Nam, thông qua liên doanh, đầu tư trực tiếp hoặc hợp đồng phân phối, ví dụ như Ferring Pharmaceuticals.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ

Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 183,7 triệu USD sang Thụy Sĩ trong năm 2022. Bên cạnh các mặt hàng chủ lực là sản phẩm hàng công nghiệp chế tạo và vật liệu xây dựng, thì thực phẩm cũng là một khía cạnh nổi bật.

Đầu tiên là máy vi tính, sản phẩm điện tử, phụ tùng và linh kiện. Việt Nam có chi phí sản xuất cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác nên quốc gia này là một điểm đến hấp dẫn để sản xuất các thiết bị điện tử. Còn Thụy Sĩ là một trong những quốc gia giàu có trên thế giới và có nhu cầu cao đối với máy tính và thiết bị điện tử công nghệ cao. Do đó, khối lượng sản phẩm máy tính, phụ tùng, linh kiện… nhập khẩu từ Việt Nam sang Thụy Sĩ còn rất nhiều tiềm năng.

Mặt hàng quan trọng thứ hai là giày dép. Các nhà sản xuất giày dép Việt Nam đang sản xuất nhiều loại sản phẩm, như giày thông thường, giày thể thao, xăng-đan và ủng. Các đơn hàng này thường dành cho các thương hiệu lớn có trụ sở tại châu Âu chọn tận dụng chi phí sản xuất thuận lợi và lao động lành nghề của Việt Nam.

Hiện Việt Nam cũng có cơ sở sản xuất của nhiều thương hiệu giày dép lớn như Nike và Adidas. Cả hai công ty đều có mạng lưới sản xuất rộng khắp Việt Nam và đang xuất khẩu ra quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ, một lượng hàng lớn.

Mặt hàng đáng kể tiếp theo là sản phẩm thủy sản. Thụy Sĩ không giáp biển nên phụ thuộc rất nhiều vào cá và hải sản nhập khẩu. Việt Nam có ngành đánh cá phát triển và có thể cung cấp cho Thụy Sĩ nhiều sản phẩm thủy, hải sản chất lượng tốt.

Hiện các công ty Việt Nam cũng đang sản xuất nhiều loại sản phẩm thủy hải sản như tôm, mực và cá philê. Sự đa dạng của các sản phẩm này giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thụy Sĩ dễ dàng tìm thấy các sản phẩm đáp ứng nhu cầu và sở thích cụ thể của họ.

Có thể thấy sau gần 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đã được thúc đẩy, phù hợp với cách tiếp cận hướng ngoại của Việt Nam đối với thương mại quốc tế.

Là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng đang hướng đến FTA với khối EFTA. Triển vọng đang rất tích cực để đáp ứng nhiều tiềm năng trong giao thương giữa Việt Nam và các thành viên trong khối, trong đó có Thụy Sĩ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ