• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn sang Mỹ: Anh cứng rắn với Trung Quốc

Thế giới 14/07/2020 09:56

(Tổ Quốc) - Những lo ngại về cáo buộc gián điệp của các công ty Trung Quốc và các vấn đề khác đã khiến Anh thấy cần phải suy tính lại về lập trường quan hệ với Bắc Kinh.

"Thời kỳ hoàng kim" của quan hệ Anh - Trung Quốc được cựu Thủ tướng George Osborne thúc đẩy vào năm 2015 cũng vẫn được thời kỳ Theresa May ủng hộ. Lúc này, mệt mỏi trong các cuộc đàm phán với Brussels về Brexit, Anh hướng tầm nhìn sang sức mạnh đang trỗi dậy của thế giới.

Nhưng kể từ khi ông Boris Johnson lên nắm quyền, lo ngại về cáo buộc gián điệp về các công ty Trung Quốc và vấn đề bảo hộ thương mại đã làm nảy sinh các yêu cầu ngày càng cấp bách về việc xem xét lại hoàn toàn quan điểm của Vương quốc Anh.

Quyết định của ông Johnson hồi đầu tháng này về cấp quyền visa mới cho hàng triệu người Hồng Kông, đáp trả luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Trung Quốc đưa ra đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ và đưa ra cảnh báo về hậu quả. Trước mắt là nguy cơ ảnh hưởng đến 68 tỷ bảng Anh (86 tỷ USD) giao thương hàng năm giữa Anh và Trung Quốc và hàng tỷ đô la đầu tư Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết, chính phủ Anh dự kiến sẽ đảo chiều vai trò của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei trong việc cung cấp mạng 5G cho Vương quốc Anh – điều sẽ khiến Bắc Kinh tức giận hơn nữa.

Nhìn sang Mỹ: Anh cứng rắn với Trung Quốc - Ảnh 1.

Quyết định về Huawei dự kiến sẽ sớm được đưa ra. Ảnh: 10 Downing Street via AFP.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang ở trong một số nhiễu loạn khá nghiêm trọng … điều có thể được mô tả là một cơn bão lớn", Charles Parton, một chuyên gia tại cơ quan tham vấn RUSI và cựu ngoại giao có 22 năm kinh nghiệm về Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.

Trung Quốc, ông dự đoán, sẽ đẩy Vương quốc Anh vào "tình trạng thất thế về ngoại giao", đe dọa sẽ siết chặt đầu tư, xuất khẩu, du lịch của Anh và thậm chí số lượng sinh viên đến các trường đại học Anh. London cũng nên chuẩn bị cho một sự gia tăng trong các cuộc tấn công mạng, ông nói.

Các nghị sĩ riêng của ông Johnson đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này

Đây là một thời điểm quan trọng để chúng tôi hiệu chỉnh lại lập trường của mình, lập trường địa chiến lược của chúng tôi với Trung Quốc, ông Tobias Ellwood, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Hạ viện, nói với POLITICO. "Chúng tôi đang tiến vào một cuộc chiến tranh lạnh, ở đó không còn nghi ngờ gì nữa".

Tín hiệu về vấn đề Huawei

Ở một số khía cạnh, quan điểm của chính phủ Anh về Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi ngay cả trước khi xảy ra vấn đề Hồng Kông và dự kiến là đảo ngược quyết định về Huawei.

Vào tháng 1 năm 2018, từ một chiếc máy bay trên đường đến Vũ Hán, bà May nói với các phóng viên, Trung Quốc là một quốc gia mà chúng tôi muốn thực hiện một thỏa thuận thương mại cùng. Hai năm rưỡi sau, Bộ Thương mại Quốc tế từ chối xác nhận trong hồ sơ liệu Anh có còn theo đuổi thỏa thuận như vậy hay không.

Tuy nhiên, sự hạ nhiệt của sự nhiệt tình cũng phần nào liên quan nhiều đến chiến lược của Trung Quốc của Donald Trump, cũng như của Johnson.

Vương quốc Anh - quyết tâm bảo đảm một thỏa thuận thương mại hậu Brexit nhanh chóng với Mỹ - đã bị gây áp lực từ các nhà đàm phán của Washington, về việc xa rời Bắc Kinh.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã nhiều lần nói rằng Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada mới sẽ là khuôn mẫu cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai của Hoa Kỳ và bao gồm một điều khoản trao quyền cho Washington xem xét hoặc từ chối hiệu quả bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà Mexico hoặc Canada thực hiện với một nền kinh tế phi thị trường, bao gồm cả Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích dự đoán các nhà đàm phán Mỹ muốn có một điều khoản tương tự trong bất kỳ thỏa thuận nào với Anh.

Tương tự, đánh giá của chính phủ Vương quốc Anh về vai trò của Huawei trong việc tham gia vào dự án mạng 5G của Anh, nhiều quan chức cho biết, là tính đến những lo ngại về việc Mỹ đưa ra trừng phạt đối với công ty này, ngăn chặn họ sử dụng chất bán dẫn do Mỹ sản xuất.

Rana Mitter, giám đốc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, đồng ý với Parton rằng hành động đảo ngược của Anh đối với Huawei sẽ kéo theo một phản ứng rất mạnh mẽ của Bắc Kinh, ít nhất là về mặt lời nói. Nhưng Mitter đặt câu hỏi rằng Bắc Kinh có thực sự sẵn sàng biến các lời đe dọa thành hành động trên mặt trận kinh tế.

"Có những khía cạnh của mối quan hệ thương mại giữa [Anh và Trung Quốc] rất khó thay thế", ông Mitter nói, đề cập đến tầm quan trọng của ngành tài chính và khu vực pháp lý của London đối với Trung Quốc cũng như nguồn thu từ tầng lớp trung lưu Trung Quốc với các trường đại học Anh.

Cứng rắn với Trung Quốc?

Trong khi vài tuần và vài tháng tới có thể là cơn bão đối với mối quan hệ Anh - Trung, thì London có nhiều không gian hơn để thể hiện sự cứng rắn.

Trong khi Trung Quốc có thể tìm cách "vũ khí hóa" những người trẻ tuổi của mình, Parton nói, khi ngành giáo dục Anh gặp nhiều khó khăn khi diễn ra Brexit, đại dịch bùng nổ và do đó phải phụ thuộc nhiều vào lệ phí mà các sinh viên nước ngoài chi trả. Nhưng Mitter nói rằng có một số lời nói hoa mỹ hơn rất nhiều so với thực tế.

Ông Cameron nói, vẫn có một sức ép rất lớn đối với việc phải quốc tế hóa như một phần tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là họ có thể phát triển thoải mái trong môi trường nói tiếng Anh, vì vậy tôi nghĩ khả năng trong thực tế việc họ tẩy chay ngành giáo dục đại học nói tiếng Anh là rất thấp.

Tương tự như vậy về thương mại, Vương quốc Anh vẫn có thể thoải mái sau khi xem xét các hành động của Trung Quốc gần đây.

Khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Meng Wanzhou vào năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt lợn và thịt bò Canada, và dỡ bỏ hạn chế này một vài tháng sau đó.

Trong trường hợp của Vương quốc Anh, thịt bò Anh chỉ mới được phép quay trở lại Trung Quốc hơn 20 năm sau khi bị cấm vì bùng phát dịch BSE ở Anh. Tôi nghĩ rằng họ cũng có thể [tái lập lệnh cấm đối với thịt bò Anh] nhưng nó sẽ không kéo dài lâu vì họ cần thức ăn, ông Parton nói.

Dù vậy, một chính sách toàn diện về quan hệ Anh - Trung Quốc vẫn rất khó nắm bắt, Parton nói và ông tin rằng các chính sách sẽ phải thay đổi nhanh chóng khi mối quan hệ trở nên bão tố hơn.

"Nhiều thứ được kết nối với nhau. Cách thức bạn giao dịch trong khu vực thương mại kết nối với cách bạn giao dịch trong [các vấn đề khác]. Người Trung Quốc rất thường sử dụng những thứ từ khu vực này để làm đòn bẩy cho khu vực khác. Vì vậy, nên xem xét vấn đề theo cùng một cách như vậy: tất cả mọi lĩnh vực đều cần kết nối với nhau", theo ông Parton.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ