• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những dấu ấn đột phá của ngành du lịch trong năm 2016

Du lịch 01/01/2017 11:00

(Tổ Quốc)-Năm 2016 là một năm thành công của du lịch Việt Nam với nhiều thành quả và dấu mốc ấn tượng.

Năm 2016, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vượt qua những tác động và ảnh hưởng không thuận lợi, ngành Du lịch đã nỗ lực, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. Những dấu ấn của ngành Du lịch trong năm 2016 được thể hiện qua những kết quả sau:

1. Du lịch Việt Nam đạt kỳ tích tăng trưởng trong lịch sử phát triển của ngành khi lần đầu tiên đón 10 triệu khách quốc tế, cán đích trước 4 năm

Năm 2016, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đón 10 triệu khách quốc tế, phục vụ 62 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng (Ảnh: TCDL)

 

Năm 2016, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đón 10 triệu khách quốc tế, cán đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra; phục vụ 62 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc lịch sử toàn ngành mong đợi từ nhiều năm qua và là mức tăng trưởng kỷ lục từ trước đến nay: tổng số khách nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng trưởng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015), khẳng định vị thế và sự đóng góp của ngành Du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội. Sự kiện này là động lực quan trọng để ngành Du lịch tiếp tục phấn đấu thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực ASEAN.

2. Bộ Chính trị họp và nhất trí ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 16/12/2016, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về đề án “Phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tháng 12. Sự kiện này được đánh giá là cơ hội lịch sử để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

3. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại Thành phố Hội An (tháng 8/2016)

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An vào tháng 8.2016. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó tập trung một số nội dung cụ thể về thủ tục nhập cảnh, phát triển hạ tầng giao thông, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch.

4. Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc được triển khai nghiêm túc và có sức lan tỏa trong toàn ngành

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch (9/8/2016), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Tổng cục Du lịch đã triển khai Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại 20 tỉnh/thành là địa bàn trọng điểm về du lịch. Chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, giáo dục ý thức ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện tại các cơ sở lưu trú. Trong Chiến dịch này, Tổng cục Du lịch đã thu hồi Quyết định công nhận hạng sao đối với 36 khách sạn từ 3-5 sao.

5. Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về Luật Du lịch (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã nhất trí cho phép bổ sung, hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội thông qua dự án Luật du lịch (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2017.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Nam Nguyễn)

6. Năm Du lịch Quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” thành công tốt đẹp

Năm Du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất Phương Nam” đã được tổ chức thành công và đạt được những kết quả tích cực. Số lượng khách và tổng doanh thu du lịch trong vùng đều tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng Kiên Giang, doanh thu du lịch trực tiếp đạt 3.500 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2015, đón hơn 5,4 triệu lượt khách du lịch. Nhiều hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia đã được các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tổ chức như: Hội nghị liên kết phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Liên hoan ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long, Triển lãm nghệ thuật Việt Nam, Giải vô địch đua thuyền rồng toàn quốc…

Năm Du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất Phương Nam” đã được tổ chức thành công và đạt được những kết quả tích cực (Ảnh: TCDL)

7. Thí điểm cấp visa điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

Sáng 22/11/2016, với 91.08% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời hạn hai năm, áp dụng từ ngày 1/2/2017. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp du lịch, visa điện tử là bước đi đột phá, được xem là một "đòn bẩy" thu hút khách du lịch các nước đến Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những giải pháp thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để giúp du lịch phát triển.

8. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đổi mới và triển khai hiệu quả

Trong năm 2016, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được quan tâm chú trọng cả về chất lượng và hình thức, tập trung vào những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Theo đó, ngành Du lịch đã tập trung nguồn lực cho hoạt động quảng bá xúc tiến ở nước ngoài với việc tham gia 10 Hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và tại nhiều quốc gia Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Úc, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan; đón đoàn famtrip của tập đoàn Der Touristik và tổ chức Hội nghị gồm 220 đại diện các hãng lữ hành của Đức và Áo và 09 đoàn doanh nghiệp, báo chí đến từ các thị trường lớn. Trong nước, đã tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế năm 2016 là VITM (Hà Nội), BMTM (Đà Nẵng), ITE (TP. Hồ Chí Minh), Festival Huế và đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững.

Lần đầu tiên, ngành Du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về Du lịch (VTVtrip) nhằm giới thiệu hình ảnh các điểm đến trên kênh truyền hình quốc gia (Ảnh: Minh Khánh)

Cũng trong năm nay, lần đầu tiên, ngành Du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về Du lịch (VTVtrip) nhằm giới thiệu hình ảnh các điểm đến trên kênh truyền hình quốc gia. Ngoài ra, Chiến dịch e-marketing được triển khai với trọng tâm là đưa vào hoạt động trang website vietnamtourism.vn với giao diện và nội dung mới. Lần đầu tiên trang web quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài tại địa chỉ được xây dựng theo mô hình xã hội hóa với sự đóng góp của một số doanh nghiệp hàng đầu trong Hội đồng tư vấn du lịch (TAB). Bên cạnh đó, tổ chức chiến dịch quảng bá du lịch Why Vietnam, khởi động dự án Super selfie…

9. Hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục hoạt động du lịch

Năm 2016 cũng đánh dấu những nỗ lực tích cực của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL trong việc hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển thông qua 02 Hội nghị kích cầu du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, tổ chức Chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch các tỉnh miền Trung tại Udothani và Bangkok (Thái Lan) và tổ chức 02 đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp và báo chí đến các tỉnh miền Trung để chứng kiến môi trường đã được phục hồi, an toàn cho khách du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến các địa phương này.

Hội nghị xúc tiến du lịch Bắc Trung Bộ tại Hà Nội (Ảnh: Thảo Linh)

10. Tổ chức thành công không gian đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Lần đầu tiên triển khai, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ ngày 1/9/2016 đến nay đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ phía người dân và du khách. Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gắn kết với không gian đi bộ trong khu phố cổ đã tạo ra không gian vui chơi văn minh, sạch sẽ và thân thiện cho người dân Thủ đô, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Điều đáng ghi nhận là Hà Nội tăng cường nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, do vậy không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm đã thêm phần hấp dẫn hơn trước.

Lần đầu tiên triển khai, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ ngày 1/9/2016 đến nay đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ phía người dân và du khách. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Theo thống kê, trung bình ban ngày lưu lượng người đến thăm phố đi bộ vào khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú tăng nhanh. Đơn cử trong 11 tháng năm 2016 lượng khách quốc tế và Việt kiều đến quận Hoàn Kiếm lưu trú khoảng gần 1,4 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Lâm Minh

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ