• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những điểm sáng nổi bật trong công tác gia đình năm 2018

Văn hoá 03/02/2019 14:06

(Tổ Quốc) - Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi hình thành nên lối sống và nhân cách của mỗi con người. Với tầm quan trọng đó, những năm qua, Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan luôn xác định rõ vai trò và vị trí của công tác gia đình trong sự phát triển của toàn xã hội. Qua đó có những văn bản chỉ đạo kịp thời, đem đến những hiệu quả tích cực trong năm vừa qua.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, trong năm 2018, công tác gia đình đã gặt hái được nhiều thành công, triển khai đúng yêu cầu, tiến độ và đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của gia đình được nâng lên; phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác gia đình đã được quan tâm, chú trọng hơn.

Tiếp nối chủ đề công tác từ năm 2014 đến nay là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình", năm 2018, công tác gia đình tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao như: Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, chương trình giáo dục đời sống gia đình; Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, chương trình, đề án đã được phê duyệt. Xem đây là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững và phòng, chống bạo lực gia đình.

Những điểm sáng nổi bật trong công tác gia đình năm 2018 - Ảnh 1.

Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2018). (Ảnh: Minh Khánh)

Nổi bật trong năm 2018, toàn ngành đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như: sơ kết 5 năm Ngày quốc tế Hạnh phúc, 01 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc,…Qua đó đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế và đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, công tác gia đình tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác như: Kiểm tra giám sát liên ngành việc thực hiện Quy chế phối hợp trong phòng chống bạo lực gia đình và công tác gia đình tại địa phương; Tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Tổ chức các Ngày kỷ niệm về gia đình như Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; Bình đẳng giới, người cao tuổi và trẻ em trong gia đình; Thực hiện đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay"; Thực hiện các chương trình phối hợp đã ký kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Riêng về vấn đề bạo lực gia đình, tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua cho thấy, nhìn chung tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ trung ương tới cơ sở nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiểu biết và nhận thức của người dân và toàn xã hội đã được nâng lên, hành vi bạo lực gia đình được nhận diện và từng bước giải quyết theo quy định của pháp luật.

Những điểm sáng nổi bật trong công tác gia đình năm 2018 - Ảnh 2.

Hội thảo khoa học 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình thực trạng và giải pháp. (Ảnh: Đình Đạt).

Tại địa phương, các tỉnh, thành đã xây dựng Kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ, tập trung vào tuyên truyền các thông điệp, chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án, vinh danh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong việc thực hiện Đề án trong những năm qua. Nhiều tỉnh, thành đã có sáng tạo trong tổ chức hoạt động, thu hút được sự quan tâm tham gia đông đảo của nhân dân. Theo hướng dẫn của trung ương, các tỉnh, thành đều lồng ghép các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với các hoạt động của Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình tạo thành chuỗi các hoạt động của Tháng gia đình. Chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam năm 2018 tiếp tục là Bữa cơm gia đình - ấm áp, yêu thương để nhấn mạnh đến vai trò của bữa cơm gia đình trong đời sống gia đình ngày nay. Các tỉnh, thành phố vận động các gia đình thực hiện bữa cơm gia đình vào khung giờ 17-19 giờ ngày 28/6. Các tỉnh, thành còn tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề về gia đình; triển lãm sách về gia đình, hội thi gia đình thể thao, thi văn hóa ẩm thực…; gặp mặt tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu, tuyên dương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên nuôi con tốt, dạy con ngoan, gương người tốt, việc tốt; tổ chức các hoạt động chăm lo cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em bất hạnh; tổ chức Ngày hội văn hóa gia đình; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hạnh phúc, gia đình không bạo lực; Ngày hội gia đình miền Đông Nam bộ lần thứ IX tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Có thể thấy rằng, công tác gia đình đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp, tạo nên sự lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân với hiệu quả ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong năm 2018, công tác gia đình vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn và hạn chế. Trong đó, nổi bật lên các vấn đề về nguồn lực đầu tư; chất lượng đội ngũ cán bộ gia đình và đặc biệt là sự tác động của bối cảnh xã hội,…

Theo Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh, vai trò của gia đình trong xã hội của ngày hôm nay đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Sự phát triển của công nghệ thông tin làm con người thông minh hơn, hiện đại hơn, tiếp cận với cái mới tối tân, có sức hấp dẫn lôi cuốn hơn, nhất là giới trẻ hiện nay thấy được phải phát triển, bảo tồn truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc, cộng đồng, của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy giáo dục tuyên truyền, từng thành viên gia đình, cho đến cộng đồng, nâng cao nhận thức, bảo vệ gia đình Việt Nam tốt đẹp vốn có lịch sử đã để lại đến nay. Ở bất cứ giai đoạn nào, lịch sử của thời đại nào cũng ghi dấu ấn của văn hóa mà ở đó, gia đình là nơi nuôi dưỡng, lưu truyền, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được Vụ Gia đình đặt ra. Trong đó, Vụ sẽ tiếp tục thực hiện các văn bản, đề án về công tác gia đình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng phê duyệt. Xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về gia đình đến năm 2025; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Thông tư hướng dẫn tiêu chí gia đình hạnh phúc; tổ chức Hội nghị tập huấn công tác gia đình, Kiểm tra, giám sát địa phương về công tác gia đình; Thực hiện quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống bạo lực gia đình; Thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;…

Hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan, lãnh đạo địa phương, công tác gia đình sẽ ngày càng có những chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần lan tỏa sâu rộng ý nghĩa và vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội hiện đại, để nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình được phát huy và mãi mãi là cái nôi nuôi dưỡng các thế hệ người Việt Nam./.


Hằng Đinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ