• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những điều cần biết về bệnh cúm A H7N9

Sức khỏe 01/03/2017 11:51

(Tổ Quốc) - Trước diễn biễn phức tạp của dịch cúm H7N9 thứ 5 bùng phát trên thế giới và có khả năng xâm nhập vào Việt Nam nếu chúng ta không chủ động phòng chống.

Hãy tìm hiểu cúm A là gì?

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng nhưng chúng có khả năng lây bệnh khác nhau. H7N9, H5N1 lây nhiễm chủ yếu ở vật và đôi khi mới lây sang người, trong khi H1N1 thì bình thường cũng hay lây nhiễm ở người và cả vật như chim, lợn…

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang virus cúm A có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh và có thể lây lan mạnh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ… và hiện vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu phòng chống cúm A.

Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC.

 

Thời điểm mùa đông là thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, dự kiến số người mắc bệnh sẽ tăng cao vào mùa đông tới nên cần tăng cường các biện pháp phòng chống. Các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào thời tiết mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus.

Phân biệt các loại cúm

Cúm A (H5N1)

Cúm gia cầm (còn gọi là cúm gà) là bệnh do virus cúm A H5N1 gây ra. Bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân, do vậy cần đặc biệt lưu ý khi ở vùng có nhiều gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) chết, lại xuất hiện những người có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người…

Bệnh nhân sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày. Nhiệt độ có thể lên tới 40- 41độ c; có những trường hợp chỉ sốt nhẹ 38- 38,5độ c, những trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân sức đề kháng giảm nhiều như: suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo;Biểu hiệndanóng, đỏ xuất hiện ở những bệnh nhân sốt cao, khi có suy hô hấp có tím môi, đầu chi; Bệnh nhân thường có cảm giác đau đầu, đau mỏi người, có thể thấy đau quanh hốc mắt. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể có rối loạn ý thức.

Cúm A (H1N1)

Triệu chứng bệnh cúm A (H1N1) giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm H1N1 mới cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong.

Triệu chứng cúm A (H1N1) mới khác với cúm gia cầm A (H5N1). Cúm gia cầm không có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp sốt, ho, khó thở. Hiện chưa rõ được mức độ trầm trọng của bệnh gây ra do virus cúm A (H1N1) mới này trên toàn thế giới.

Cúm A(H1N1) mới này so với cúm gia cầm A/H5N1 thì tỷ lệ tử vong của cúm gia cầm cao hơn (tỉ lệ tử vong khi nhiễm cúm gia cầm là trên 50%). Các triệu chứng hô hấp báo động bệnh trở nên nặng là: thở nhanh (người lớn trên 30 lần phút), có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngộp thở, tím môi hay đầu chi, lơ mơ.

Cúm A (H7N9)

Đến nay, hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm H7N9 bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, thông tin về các bệnh mà virus H7N9 có thể gây ra vẫn còn hạn chế.

Đối với cúm A (H7N9) thì nguồn lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc với môi trường đã bị nhiễm virus như chuồng gà vịt, phân, chất thải gia cầm nhưng trong phần lớn các trường hợp không thể xác định được nguồn lây nhiễm.

Virus không được tìm thấy ở gia cầm, chim bồ câu cũng như môi trường chung quanh ở những khu vực có người bị nhiễm và đường lây chính của virus hiện cũng chưa rõ, bởi virus này không gây triệu chứng lâm sàng ở gia cầm nên khó xác định chúng lây sang người như thế nào.

Có một số trường hợp mắc bệnh theo từng nhóm người (cùng ở chung phòng, cùng vị trí làm việc, cùng cơ quan, trường học, thời gian ủ bệnh và xuất hiện triệu chứng giống nhau, nhưng dường như virus H7N9 rất khó lây từ người sang người và vấn đề này hiện vẫn đang được nghiên cứu để xác định rõ.

Có thể ngăn chặn việc lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người như thế nào?

Mặc dù cúm là thể bệnh lành tính, nhưng có tỉ lệ tử vong đáng kể nên người mắc bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà và có khả năng khó trở tay khi bệnh tiến triển nặng.

- Tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay bằng xà phòng hoặc hóa chất sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường hay tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, súc miệng, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối, TB…

- Nâng cao thể trạng, ăn uống dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thêm các vitamin nhóm A, C, thường xuyên luyện tập rèn luyện tăng cường sức khỏe, duy trì cân nặng vừa phải (Tính theo chỉ số BMI). 

- Điều trị ổn định các bệnh mạn tính nếu có như COPD, đái tháo đường, xơ gan. Bỏ rượu, thuốc lá, thuốc lào… nếu nghiện.

- Trang bị bảo hộ đầy đủ bao gồm: Khẩu trang, mũ, kính, găng tay…khi chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm, không ăn thịt gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc mà phải đem tiêu huỷ ngay khi phát hiện.

- Tiêm phòng: Hiện chưa có vacxin phòng cúm A/H7N9, Bộ Y tế khuyến khích người dân, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao, người già, trẻ em… nên tiêm phòng vacxin phòng cúm mùa đều đặn hàng năm vì loại vacxin này cũng có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tử vong do các chủng cúm nguy hiểm gây ra như cúm A/H5N1, H7N9…

- Tuyên truyền cho người dân nắm được đầy đủ thông tin về dịch cúm để mỗi người chủ động có biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống trong lành, giám sát đàn gia cầm nuôi trong khu vực.

Khi phát hiện người dân có triệu chứng cúm phải cách ly điều trị tại cơ sở y tế để hạn chế lây lan cho người khác, đồng thời báo cho các cơ quan có chức năng để giám sát dịch tễ, bao vây dập dịch nếu có.

Virus cúm không lây truyền qua tiêu thụ thực phẩm đã được nấu chín kỹ vì virus cúm gia cầm bị bất hoạt ở nhiệt độ thông thường như sử dụng khi nấu chín thức ăn (để tất cả các phần của thực phẩm đều đạt ở nhiệt độ 70°C hoặc rất nóng và không có phần nào còn màu hồng). Ăn thịt được chế biến và nấu chín đúng cách là phương pháp an toàn, kể cả thịt gia cầm và chim săn được nhưng không nên ăn thịt động vật bị bệnh hoặc chết vì mắc bệnh.

Ở những vùng đang xảy ra bùng phát dịch, vẫn có thể tiêu thụ các sản phẩm thịt với điều kiện phải nấu chín đúng cách và xử lý đúng cách trong quá trình chế biến. Ăn thịt sống và các món ăn được chế biến hơi sống là thói quen ăn uống có nguy cơ cao và cần phải ngăn chặn.

Điều trị thế nào?

Về lý thuyết, khi virus cúm H7N9 đã lây từ gia cầm sang người là có thể gây ra đại dịch nếu nó phát triển được khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Thế nhưng cho đến hiện nay, chỉ phát hiện bệnh lây cho những người tiếp xúc với thịt gia súc, gia cầm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm bệnh chứ chưa thấy lây trực tiếp từ người sang người. Trong tương lai, vius này có khả năng biến đổi về di truyền  để lây trực tiếp từ người sang người để gây đại dịch hay không thì vẫn chưa thể kết luận được.

Hiện tại cũng chưa có vắc-xin để phòng ngừa cúm H7N9 được sử dụng trên người. Tổ chức y tế thế giới đang cùng các đối tác nghiên cứu điều chế ra vắc-xin và đang thử nghiệm tính hiệu quả, độ an toàn của vắc-xin nhưng qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, virus cúm H7N9 nhạy với các loại thuốc chống cúm đã từng được dùng trong điều trị cúm A (H1N1) và cúm gà (H5N1) trước đây.

Hai loại thuốc có tác dụng điều trị đặc hiệu virrus cúm A/H7N9 là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn để điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Thuốc chỉ có tác dụng tốt nhất trong thời gian 48h sau khi bị sốt nên bệnh nhân nghi mắc cúm cần đến các bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy, lọc máu ngoài cơ thể, truyền máu, truyền huyết tương, trợ tim mạch… được áp dụng cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong là rất cao./.

Tuấn Minh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ