• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những hiện vật lưu giữ hình bóng Bác Hồ

Văn hoá 31/08/2009 11:21

(Toquoc)-Lần đầu tiên những hiện vật gắn với quá trình giữ gìn, bảo quản thi hài Bác Hồ được công bố.


(Toquoc)- Lần đầu tiên, những hiện vật như: chiếc lược chải tóc, chiếc lọ thuỷ tinh đựng dung dịch để bảo quản thi hài Bác, chiếc máy hút dịch của Viện Quân y 108 chuyển giao cho Viện 69 để giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc xe ô tô vận chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84... được công bố.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 40 năm gìn giữ lâu dài, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm phát huy di sản văn hoá Hồ Chí Minh... Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày triển lãm các hiện vật về quá trình hình thành, phát triển cụm di tích Hồ Chí Minh.

Công việc thường ngày của những người chăm sóc, bảo vệ cụm di tích Hồ Chí Minh

Những ngày tháng 8 lịch sử, lượng người đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh đông hơn gấp bội. Hàng vạn lượt khách mỗi ngày tới thăm bảo tàng và Cụm di tích Hồ Chí Minh. Có đến đây mới cảm nhận được hết tình cảm, niềm kính trọng của đồng bào cả nước, các tầng lớp nhân dân và cả du khách nước ngoài đối với Bác Hồ, người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, 40 hiện vật được trưng bày tại đây đã giới thiệu với đồng bào cả nước, khách quốc tế về quá trình hình thành, phát triển của các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình, đặc biệt là nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 40 năm qua. 

Những vật dụng được sử dụng để bảo quản thi thể Bác

Đó là chiếc áo ka-ki màu trắng giản dị được mặc cho Bác khi người qua đời, là chiếc lược chải tóc, là chiếc lọ thuỷ tinh đựng dung dịch để bảo quản thi hài, là chiếc máy hút dịch của Viện Quân y 108 chuyển giao cho Viện 69 để giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiếc xe ô tô vận chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 để đảo bảo bí mật…

Đặc biệt, thông qua các tài liệu, hiện vật quý giá, người xem được biết nhiều hơn về quá trình gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch trong 40 năm qua, từ khi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta hội đàm với Đảng và Chính phủ Liên Xô để đào tạo các bác sĩ, chuẩn bị việc gìn giữ lâu dài thi hài Người cho đến nay. Tất cả được minh chứng qua các bức ảnh chân thật và sinh động đã được ghi lại suốt 4 thập kỷ qua: các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ ta làm việc với các đồng chí chuyên gia Liên Xô, các chuyên gia Liên Xô bên thi hài Hồ Chủ tịch; các hoạt động của Viện 69 với sự giúp đỡ mọi mặt của các chuyên gia Nga.

Cán bộ nhân viên Viện 69, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng tích cực chủ động nghiên cứu khoa học, làm chủ thiết bị kỹ thuật để phục vụ việc giữ gìn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

40 năm đã qua nhưng với những người được trực tiếp làm công tác bảo quản, vận chuyển thi hài Bác, chuyện tưởng chừng như mới hôm qua. Trước đó, các công nghệ của ta đều học và “nhờ” nước bạn Liên Xô. Mãi đến năm 2003 chúng ta mới sáng chế được. Đại tá, TS Đặng Lam Điền xúc động kể về loại “dung dịch đặc biệt”- loại “thuốc” có ý nghĩa quyết định đến việc bảo quản thi hài của Bác. Đó là ngày 4/6/2003, sau nhiều ngày làm việc, Viện sĩ Bư-kốp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va và Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đã chính thức ký văn bản phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam vào quý 1-2004. Thấm thoắt hơn 5 năm đã trôi qua, Viện 69 và các chuyên gia Nga đã pha chế thành công dung dịch tại Việt Nam, phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Điều này đã khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và trực tiếp là công lao và trí tuệ của đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong đơn vị đã nỗ lực phấn đấu đạt bằng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Đây cũng là sự phối hợp đặc biệt, tình cảm hữu nghị, truyền thống trước sau như một của các chuyên gia Nga đối với Việt Nam

Từng dòng người nối đuôi nhau vào thăm lăng Bác

Trong số những tài liệu được trưng bày tại đây, ấn tượng với nhiều người nhất có lẽ là bản di chúc viết tay của Bác được công bố năm 1969. Trong đó có đoạn “Cuộc đời tôi suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận. Chỉ tiếc là  không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung và một hộp cho miền Nam”... 

Nhưng ước mong của tất cả những người con đất Việt là được ngày ngày nhìn thấy Bác. Thế hệ nối tiếp thế hệ, được thấy Người và học tập, tôn thờ người anh hùng vĩ đại mà cũng rất đỗi gần gũi của dân tộc. Vì thế, Lăng Người nằm giữa trái tim Thủ đô, giữa trái tim Tổ quốc, ngày ngày, hàng vạn con cháu được vào thăm.

Tham quan triển lãm Ông Hoàng Chúc (khách tham quan đến từ TP. Hồ Chí Minh) xúc động: “Tôi rất mong được ra Hà Nội, vào thăm Bác Hồ. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, lúc đi vòng quanh linh cữu Bác tự nhiên tôi không cầm được nước mắt. Bác là vị Cha của cả dân tộc, cả cuộc đời Người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân nhưng chưa một lần nào Người nghĩ đến bản thân mình. Lăng Bác được xây dựng, bảo quản Bác như thế là việc đáng tự hào của dân tộc ta, cho thế hệ con cháu mai sau vẫn được vào thăm Bác”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng BCĐ Cụm di tích lịch sử, văn hoá Ba Đình cho biết: “Hơn 30 năm kể từ khi hoàn thành, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón gần 40 triệu lượt khách trong nước và quốc tế”.

Triển lãm “Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, 40 năm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh mang đến cho công chúng hơn 200 trăm hình ảnh, tài liệu và 40 hiện vật thể hiện công việc thầm lặng của các đơn vị trong cụm di tích, ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận nhiệm vụ bảo quản thi hài Bác. Triển lãm còn trưng bày nhiều tài liệu quí về Hồ Chủ tịch, góp phần quan trọng để giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng của Bác Hồ đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Triển lãm kéo dài đến hết tháng 11./.

Bài&ảnh: Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ