• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2)

Khám phá 27/11/2022 12:00

(Tổ Quốc) - Có thể bạn chưa biết, nhiều sinh vật tưởng chừng rất bình thường, đôi khi có phần nhỏ bé lại là những "kỷ lục gia" trong thế giới các loài động vật. Cùng tìm hiểu xem chúng là những con vật nào nhé!

7. Động vật nhiều răng nhất – ốc sên

Một con cá sấu chỉ cần "cười duyên" là đã lộ nguyên một bộ hàm gồm 120 chiếc răng. Con số này vẫn chưa là gì khi cá mập có tới 3.000 chiếc răng. Thế nhưng, sinh vật nhiều răng nhất thế giới động vật vẫn không phải là cá sấu hay cá mập. Chẳng ai có thể ngờ rằng, quán quân nhiều răng lại chính là ốc sên. Số lượng răng mà chúng sở hữu lên tới 15.000 chiếc. Số răng này không chỉ có trong miệng mà là trên toàn cơ thể của nó.

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2) - Ảnh 1.

Ốc sên tuy nhỏ bé nhưng có tới 15.000 chiếc răng trên toàn cơ thể nó. (Ảnh: AZanimals)

Theo các nhà khoa học, 15.000 chiếc răng siêu nhỏ của ốc sên có chất chitin là chất tạo thành bộ xương ngoài của động vật chân đốt. Họ gọi những chiếc răng này là răng vi. 15.000 chiếc răng sắc như dao cạo được sử dụng để bào mỏng thực vật hoặc thậm chí các động vật khác để làm thức ăn. Theo ước tính của họ, độ bền trung bình của một chiếc răng khoảng 5GPa, tương đương áp lực để biến carbon thành kim cương dưới lớp vỏ Trái Đất.

8. Động vật tinh mắt nhất – Chim cắt

Theo như thông tin mà Sách kỷ lục Guinness về thú vật công bố, chim cắt di cư có thể nhận ra một con bồ câu ở khoảng cách là 8km. Kể cả khi đang bay ở trên cao, nó cũng có thể thấy rõ một con chuột đồng hoặc một con thỏ đang chạy ở dưới mặt đất. Chim cắt có thị lực tốt là bởi trên võng mạc trong mỗi con mắt của nó có 2 lỗ hõm ở giữa, tức là nhiều hơn 1 so với con người. Như thế, nghĩa là phạm vi nhìn của chim cắt rộng hơn các loài khác rất nhiều.

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2) - Ảnh 2.

Chim cắt có thể nhìn thấy con mồi từ khoảng cách 8km. (Ảnh: AZanimals)

Hơn nữa, mắt chim cắt có số lượng tế bào cảm thụ ánh sáng nhiều hơn gấp 5 lần mắt người—khoảng 1.000.000 tế bào hình nón trên 1 milimét vuông so với 200.000 tế bào trong mắt chúng ta. Mỗi tế bào cảm thụ ánh sáng đều được nối với một tế bào thần kinh. Vì vậy, thần kinh thị giác của chim cắt có gấp đôi số sợi thần kinh so với con người. Chẳng có gì lạ khi chim cắt có khả năng cảm thụ màu sắc nhạy bén hơn các sinh vật.

9. Sinh vật dài nhất Trái đất – Siphonophore Apolemia

Vào tháng 4 năm 2020, các nhà khoa học biển của Viện Hải dương học Schmidt đã tìm thấy một sinh vật bí ẩn ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Úc. Nó có hình dáng như một chuỗi hạt màu trắng và cuộn tròn khi săn mồi. Sinh vật này có tên là Apolemia, thuộc loài siphonophore. Và nó đã được ghi nhận là sinh vật biển dài nhất trên Trái đất, đồng thời "cướp" giải này của cá voi xanh với độ dài lên tới 50m.

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2) - Ảnh 3.

Các nhà khoa học đã tìm thấy một Siphonophore Apolemia dài tới 50m ở Úc. (Ảnh: AZanimals)

Apolemia không phải là sinh vật đơn độc mà là một tập hợp nhiều mắt xích nhỏ ghép lại với nhau. Mỗi mắt xích có chức năng riêng như tự vệ, sinh sản, tiêu hóa sống chung với nhau, tương tự như ở loài san hô. Phát hiện này khiến các nhà sinh vật học bất ngờ. Họ cho biết trước đây chỉ thấy những Siphonophore dài 20cm hoặc 1m, tuy nhiên kỷ lục lần này quá lớn, sinh vật này khiến họ liên tưởng nó là một loài thú săn mồi đến từ hành tinh khác.

10. Động vật có vú có bộ gien lớn nhất – Chuột vizcacha đỏ

Chuột vizcacha đỏ hay còn gọi là Tympanoctomys barrerae là một loài động vật có vú trong họ Octodontidae thuộc bộ Gặm nhấm. Chúng được mô tả lần đầu là vào năm 1941. Chuột vizcacha đỏ có bộ gen chứa 16,8 picogram, tương đương 16,8 nghìn tỷ của 1 gram ADN (1 picogram = 1 nghìn tỷ của 1 gram). Trong khi đó, bộ gen của các động vật có vú khác chỉ chứa 6-8 picogram.

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2) - Ảnh 4.

Chuột viscacha đỏ có bộ gen chứa 16,8 picogram, tương đương 16,8 nghìn tỷ của 1 gram ADN. (Ảnh: AZanimals)

Theo Daily Mail, chuột viscacha thường sống ở khu vực Nam Mỹ, trong đó nhiều nhất ở khu vực Argentina, Ecuador, Chile, Peru. Chúng thích sống ở khu vực đồng bằng nhiều cỏ nhiệt đới. Chuột viscacha có vẻ ngoài khá giống thỏ. Nó có đôi chân trước nhỏ ngắn, đôi chân sau to hơn. Toàn thân chúng được phủ một lớp lông ngắn và mịn. Chuột viscacha thường sống thành đàn từ 10 - 100 cá thể.

11. Động vật "canh nhà" giỏi nhất – Hà mã

Hà mã được mệnh danh là động vật có vú trên cạn lớn thứ 3, sau tê giác trắng và voi. Đừng tưởng hà mã ăn cỏ mà nghĩ chúng hiền lành. Trên thực tế, hà mã được coi là một trong những sinh vật nguy hiểm nhất thế giới. Hà mã đặc biệt hung dữ khi bị xâm phạm lãnh thổ của chúng và động đến con cái của chúng.

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2) - Ảnh 5.

Hà mã sẽ không tha cho kẻ xâm phạm lãnh thổ của chúng. (Ảnh: AZanimals)

Nếu phát hiện lãnh thổ bị xâm phạm, chúng rượt đuổi, kéo xuống đầm và cắn nát kẻ địch. Nguyên nhân là bởi hà có trọng lượng trung bình lên tới 1,5 tấn và hàm răng có sức mạnh tương đương với một chiếc búa tạ cỡ lớn. Hàm của hà mã có thể "nghiền nát" một hoặc hai con cá sấu dài 3m. Mặc dù có thân thể béo mập và bốn cái chân ngắn cũn nhưng hà mã có thể đạt tới tốc độ lên đến 48 km/h và dễ dàng vượt mặt một số loài.

12. Động vật có nọc độc nhất - Ốc nón

Các nhà khoa học từng công bố sứa hộp là loài vật có nọc độc nhất thế giới, nhưng, theo nghiên cứu mới nhất thì ốc nón Conus geographus mới là quán quân. Một khi đã nhắm vào con mồi, chúng sẽ phóng cái vòi của mình ra như một cây lao với liều lượng nọc độc mạnh gấp 10.000 lần morphin. Chúng có thể tiết ra nọc độc bất cứ lúc nào. Nọc độc này sẽ khiến con mồi bị tê liệt trong vòng vài giây và chết ngay lập tức.

Những kỷ lục khó tin của các loài: Sinh vật dài nhất bị hiểu lầm tới từ hành tinh khác (Phần 2) - Ảnh 6.

Ốc nón có nọc độc mà không loài động vật có xương sống nào trên Trái đất có dạng tương tự. (Ảnh: AZanimals)

Nọc độc của ốc nón được cấu tạo bởi một hỗn hợp có tên là peptide conus. Mỗi loài ốc nón có một công thức cấu tạo nọc độc riêng. Các nhà khoa học đã tìm thấy hơn 50.000 peptide conus. Chúng đều là chất độc thần kinh và đặc biệt không loài động vật có xương sống nào trên Trái đất có dạng nọc độc tương tự.

*Bài viết được tổng hợp từ Guinness, Animaldiversity.

Nguyệt Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ