• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những mầm mống tội ác núp sau “trò đùa” của cộng đồng mạng

Văn hoá 13/07/2017 09:11

(Tổ Quốc) -Câu chuyện hai cô gái có định tự tử vì một ngày “không đẹp trời” bỗng nhiên bị cộng đồng mạng “vu vạ” rất giật gân đã đặt ra một vấn đề trên mạng xã hội: tạo và chia sẻ thông tin cũng cần có trách nhiệm.

Theo đó “nạn nhân” vướng phải chuyện vu vạ này bị ai đó lấy cắp hình ảnh thật rồi minh họa cho câu chuyện hãm hiếp một nam thanh niên đến chết và đang được công an làm rõ.

Tác giả của câu chuyện bịa đặt kia biết thừa “không có chuyện này” xảy ra, nhưng đã dùng những thao tác đánh lừa dư luận bằng văn phong viết tin, khá giống với cách báo chí đưa tin, có nhân vật, địa chỉ, công an… bằng hình minh họa thật, bằng câu chuyện giật gân hiếm hoi: nữ hiếp nam mà lại... đến chết!.  Mục đích là đánh lừa dư luận, gây sự chú ý, gây sốc...

Nhưng có lẽ “trò đùa” tai hại tác giả lại đi quá trớn và không lường trước được câu chuyện mình tạo ra ảnh hưởng ghê gớm như thế nào, thậm chí là mầm mống của tội ác.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Cứ cho là người  xấu số trong câu chuyện là không có thật, và cái chết của anh ta như bao cái chết được hư cấu trong văn học, phim ảnh. Nhưng còn hai cô gái đề cập trong bài viết. Dù tên được viết tắt, tên không đúng nhưng hình ảnh lại là ảnh thật, không thể chối cãi. Khi những thông tin khủng khiếp đó liên tiếp ập đến với hai cô gái, bản thân các cô không đủ khả năng đi giải thích cho từng người rằng đó là thông tin bịa đặt. Chưa kể với biết bao lời dị nghị, thành kiến, lên án của cộng đồng mạng khiến nạn nhân không thể tự mình chống đỡ. Cuộc sống của hai cô gái đảo lộn. May mà các cô mới chỉ dừng lại ở ý định tự tử, nếu không thì tác giả của những tin bịa đặt kia khác nào kẻ giết người không dao.

Cho đến khi sự thật được xác minh, từ công an địa phương khẳng định không có sự việc như trên xảy ra trên địa bàn thì cộng đồng mới vỡ lẽ bị một cú lừa ngoạn mục và người trong cuộc, ngoài cuộc mới thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra sự căm tức, xót thương của bao người theo dõi sự việc chỉ là một trò tiêu khiển quá đáng của ai đó.

Internet từ lâu đã được ví như một cái chợ khổng lồ, với đủ các mặt hàng thông tin thật giả lẫn lộn. Người vào mạng cũng như người xách giỏ đi chợ phải biết lựa chọn thông tin, cái nào đúng, sai, tốt, xấu để dung nạp vào đầu. Nhưng một thực tế cho thấy ,cộng đồng mạng không phải ai cũng biết và phân biệt được đâu là thông tin chính thống và đâu là thông tin bịa đặt. Nhất là hiện nay có một số trang ở nước ngoài cho phép bất kỳ người dùng nào cũng có thể tự tạo thông tin fake (giả, nhái), khi cộng đồng mạng chia sẻ những link (đường dẫn trang in) này thì càng khó phân biệt thật giả. Cách nhận biết đơn giản nhất về thông tin đó đáng tin cậy không là xem nguồn dẫn link đăng có phải từ một tờ báo hay trang thông tin của một cơ quan chính thống, được phép hoạt động không.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Việc tự tạo ra thông tin về mình, có thể “nói quá”, “sống ảo” như thu nhập 200 triệu một tháng, được ăn tối với người nổi tiếng, được đặt chân tới mặt trăng, tới sao hỏa, được mọc cánh để bay, được mọc vây để bơi lặn, được sống trong ngôi nhà được xây bằng kim loại quý… thì những thông tin này chỉ vô thưởng, vô phạt, không ảnh hưởng đến ai, có khi còn trở nên hài hước, giảm những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Nhưng mọi trò đùa đều phải có giới hạn. Không thể đưa người khác vào cuộc, vào một câu chuyện rùng rợn, giật gân, câu khách rẻ tiền. Bởi lúc đấy, thay vì tiếng cười, có khi là những cái giá quá đắt mà người trong cuộc và người liên quan phải trả.

Vì vậy, không chỉ người tạo ra thông tin vui đùa, gây chú ý tới cộng đồng mạng cần ý thức hậu quả xảy ra đằng sau đó mà người chia sẻ thông tin cũng cần tỉnh táo hơn, có những lượt chia sẻ có trách nhiệm hơn. Nếu không cộng đồng mạng vô tình trở thành  những mầm mống tội ác núp sau một trò đùa.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ