• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Những ngày thơ ấu" mở đầu cho thể tài hồi ký- tự truyện*

01/11/2013 15:30

(Toquoc)- Thế là, đã hơn 70 năm trôi qua, kể từ ngày Những ngày thơ ấu được xuất bản. Tác phẩm được tái bản nhiều lần, vẫn không thôi xúc động người đọc các thế hệ, gây ám ảnh khôn nguôi về sự cơ cực, tủi hổ của những số phận con người nhỏ bé trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng 8/1945.

 

(Toquoc)- Sau khi viết tác phẩm đầu tay - tiểu thuyết Bỉ vỏ (vào những năm 1935-1936) nhận Giải nhì của Giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1937, một năm sau, năm 1938, Nguyên Hồng viết Những ngày thơ ấu, khi ông tròn 20 tuổi đời.

Lúc đầu, năm 1939, tác phẩm được trình làng bằng cách trích đăng trên tuần báo Ngày Nay của Tự lực văn đoàn với lời giới thiệu của nhà văn Thạch Lam. Cây bút nổi tiếng Thạch Lam đã đánh giá cao bút pháp đặc sắc của Những ngày thơ ấu ở chỗ “nó là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại lạc loài trong những lề lối khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn.”





Năm 1940, "Những ngày thơ ấu" được nhà xuất bản Đời nay của Tự lực văn đoàn in thành sách (ảnh sachxua.net)



Có thể thấy Thạch Lam quả là người có con mắt tinh đời, nhìn thấu cái thần của văn Nguyên Hồng trong buổi đầu phát lộ.

Cũng trong những năm 1939-1940 đó, trên báo Ngày Nay, Thạch Lam đã cho in những tiểu luận độc đáo về nghề văn, về phê bình, tiếp nhận văn chương - một loại hình nghệ thuật của ngôn từ.

Về phê bình văn chương, Thạch Lam tâm huyết nhắc nhở:

“Trong công việc, nhà phê bình phải lưu ý hơn đến những tác phẩm đầu tiên của một nhà văn. Phải cúi mình xuống những tác phẩm có biểu lộ một tâm hồn rung động, một ý chí sốt sắng. Tác phẩm có thể vụng về, có thể non nớt, như tiếng chim mới biết kêu. Nhưng cốt nhất là thấy ở đấy một vẻ sắc riêng, một âm điệu đặc biệt; cái già dặn của nét bút, cách xếp đặt của cuốn truyện rồi về sau sẽ có.

Không thể nhầm được, và nhà phê bình cũng không có quyền nhầm, trong đó thế nào cũng có cái gì cho ta đoán biết được tài năng về sau này.

Không có gì cảm động hơn những bước chân hãy còn chập chững của những người mới mẻ, bắt đầu đi vào các đường lối trí thức và của tâm hồn”.

Trong một bài viết khác, khi bàn về tiểu thuyết, Thạch Lam có nhận xét thẳng thắn về sự nghèo nàn, hời hợt, nông nổi bề ngoài, thiếu sâu sắc, dồi dào của tiểu thuyết Việt Nam hồi bấy giờ, bởi trong những tác phẩm tự sự đó, nhà văn đã như người đi nhầm đường, không biết nhận ra, đi sâu khai thác cái của quý vô hạn là tâm hồn con người (tâm hồn tác giả, tâm hồn nhân vật), diễn tả nó ra, phân tích kỹ lưỡng và nghệ thuật những biểu hiện, thay đổi của tâm hồn trong đời sống phồn tạp của con người ta. Ông nhấn mạnh, cái mà văn học ta thiếu lúc này là nhận ra địa vị quan trọng của việc khám phá những bí mật của thế giới bên trong con người, bởi chỉ ở đây mới cho thấy nhà văn - qua công cụ ngôn ngữ đặc thù - đã nhìn sâu sắc vào cái phần không dễ thấy của con người, đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh độc lập và tâm hồn thanh cao của người viết. Thạch Lam khẳng định: “Tài năng không phải ở cách xếp đặt các câu văn, xếp đặt cốt truyện cho có mạch lạc; cái thực tài của nhà văn nguồn gốc ở chính tâm hồn nhà văn; một nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo mà thôi”. (Theo dòng, Nxb. Đời nay, 1941)

Trở lại ý kiến của Thạch Lam về Những ngày thơ ấu. Ở đây, không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam nhận ra cái mới của cây bút trẻ Nguyên Hồng đem lại cho văn học ta hồi ấy, ở chỗ qua tác phẩm của thể tài người thật việc thật này, nhà văn đã khắc họa thành thực, truyền cảm, sâu sắc và thấm thía đến tột cùng cái thế giới tâm linh tiềm ẩn, tế vi, cô đơn mà hướng thiện trong một cá thể con người trẻ tuổi, sớm phải dấn thân vào đời trong sự bủa vây khắc nghiệt của bao lề thói cũ, cùng hoàn cảnh bế tắc, bi đát, bị dồn đến chân tường của mình và các thành viên chủ chốt của gia đình.

Cuốn hồi ký - tự truyện này có số trang không nhiều, chỉ tương đương với một truyện vừa dưới 100 trang in. Xuôi theo dòng hồi ức có chọn lọc của nhân vật tôi - cậu bé Hồng, tức tác giả thời niên thiếu - nhớ và kể lại tuần tự những chuyện đã xảy ra còn ám ảnh hằn sâu vào tâm trí mình cho đến nay, kể từ lúc cậu ta chào đời đến năm học giữa chừng bậc tiểu học, không may bị thầy dạy hiểu nhầm, đánh đập tàn nhẫn, dùng hình phạt sỉ nhục nhân cách học trò, khiến cậu phẫn chí buộc phải bỏ học. Qua từng trang, tác giả mở ra một bức tranh với những chi tiết cụ thể, sống động về xã hội thành thị tỉnh lẻ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, cơ cực, khốn khó và tăm tối cùng các mối quan hệ gia đình, quan hệ xã hội bị chiết tỏa bởi những thành kiến nặng nề, phản nhân văn. Nhưng xuyên suốt tác phẩm, qua 9 mẩu hồi ức được đặt tên nhấn mạnh các khía cạnh của chủ đề tác phẩm, nhà văn đã rọi chiếu ánh sáng vào những mẩu sự kiện, chi tiết, ý nghĩ, cảm xúc của con người từ cái nhìn nghệ thuật của cái tôi tác giả là một cậu bé, giúp người đọc thâm nhập sâu vào những ngõ ngách, những biểu hiện tế vi của tâm lý, tình cảm con người. Bằng ngôn ngữ biểu cảm, tự nhiên và chân thật, tác giả đã ghi lại những ấn tượng mạnh mẽ, cảm xúc, cảm nghĩ phức hợp của một cậu bé lặng lẽ quan sát, xét đoán về những người thân trong gia đình mình (bà nội, bố, mẹ, người cô); về những người hàng xóm, láng giềng, những bạn bè thân quen; về thầy bạn trong trường lớp. Một thế giới thu nhỏ được nhìn nhận, bình giá qua đôi mắt mở to với những ấn tượng mỗi ngày một nhiều lên, sâu thêm rồi “làm tổ” trong lòng cậu bé ấy - một sinh linh nhỏ bé nhưng cả nghĩ, có phần già trước tuổi.

Trong những hồi ký về sau kể về đời văn của mình, Nguyên Hồng có cho biết thời trẻ trai lúc còn đi học và trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ông có được tiếp xúc và đọc một số tác phẩm của L.Tônxtôi, V.Hugô, M.Gorky, H.Barbusse… qua bản tiếng Pháp, trong đó có tự truyện Thời thơ ấu của M.Gorky. Tôi nghĩ, chắc hẳn câu chuyện về thời niên thiếu của cậu bé Aliosa và bút pháp tự sự của M.Gorky trong tự truyện Thời thơ ấu hẳn đã ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật và bút pháp của Nguyên Hồng, bởi số phận bất hạnh của Aliosa và cậu bé Hồng ít nhiều có những nét gần gũi, bởi “tạng” văn của Nguyên Hồng có những điểm tương đồng với M.Gorky.

Thế là, đã hơn 70 năm trôi qua, kể từ ngày Những ngày thơ ấu được xuất bản.

Tác phẩm được tái bản nhiều lần, vẫn không thôi xúc động người đọc các thế hệ, gây ám ảnh khôn nguôi về sự cơ cực, tủi hổ của những số phận con người nhỏ bé trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng 8/1945; sự tha hóa đáng thương cảm của con người sống mòn mỏi trong vòng vây của một xã hội cũ còn tồn tại nhiều tệ nạn xấu xa, sự bất công, vô nhân đạo. Nhưng vượt lên trên tất cả là chí khí, ý thức tu tỉnh, hướng thiện, bảo trọng nhân cách của một con người trẻ tuổi có học, biết nghĩ, biết vươn lên trong mưu sinh, khốn khó. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo trong tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của tác phẩm đã khiến tác phẩm tồn tại bền vững qua thử thách của thời gian. Sức sống mạnh mẽ, giọng điệu thống thiết, đằm thắm, tình cảm tươi mới, trẻ trung, lúc nào cũng biểu hiện ở cường độ cao, mãnh liệt, cảnh sắc rực rỡ, âm thanh náo động… trong văn Nguyên Hồng luôn có sức thu hút người đọc. Giáo sư Phan Cự Đệ, một chuyên gia nghiên cứu về Nguyên Hồng đã kể lại: “Tôi nhớ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, một lần phải dịch ra Pháp văn một đoạn trong Những ngày thơ ấu, cái đoạn nói về tiếng kèn. Đã bao năm qua rồi mà tôi vẫn không thể quên được cái tiếng kèn náo nức, dồn dập, rung vang đó”. (“Lời giới thiệu” Tuyển tập Nguyên Hồng, tập I, Nxb. Văn học, 1985, tr.33).

Nếu như trong văn học thế giới, người ta ghi nhận J.J.Rutxô với Những lời bộc bạch (1782-1789) mở đầu cho thể tài tự truyện, thì trong văn học Việt Nam hiện đại, phải chăng chúng ta cần ghi nhận Nguyên Hồng với Những ngày thơ ấu đã mở đầu cho thể tài hồi ký - tự truyện.

Kế sau Nguyên Hồng, ở các thời kỳ, giai đoạn tiếp nối của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, đã liên tiếp xuất hiện những tác phẩm hồi ký - tự truyện sáng giá khác với dung lượng và phạm vi bao quát ngày càng mở rộng, bút pháp phong phú và độc đáo. Có thể kể đến: Sống nhờ (1942) của Mạnh Phú Tư; Cai (1944) của Vũ Bằng; Bước đường viết văn (1970) của Nguyên Hồng; Đời viết văn của tôi (1970) của Nguyễn Công Hoan; Hồi ký (1985) của Đặng Thai Mai; Những năm tháng ấy (1987) của Vũ Ngọc Phan; Cát bụi chân ai (1990) của Tô Hoài; Bóng ngày qua (1999) của Quách Tấn; Nhớ lại một thời (2000) của Tố Hữu; Từ bến sông Thương (2002) của Anh Thơ; Cô bé nhìn mưa (2006) của Đặng Thị Hạnh; Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (2009) của Ma Văn Kháng v.v…

Hồi ký - tự truyện về thời thơ ấu, về đời văn và nghề văn của các nhà văn Việt Nam hiện đại, đã làm phong phú và sâu sắc thêm bức tranh về đời sống xã hội - lịch sử, văn hóa - văn nghệ, chân dung văn nghệ sĩ và con người Việt Nam đương thời qua thăng trầm của lịch sử dân tộc. Nó bộc lộ một cách trung thực bản lĩnh nghệ sĩ, nhân cách văn hóa, những suy nghĩ, trăn trở tâm huyết của các thế hệ văn nghệ sĩ trước những vấn đề lớn, nhỏ của lịch sử đất nước, vận mệnh con người và đặc thù, riêng tư về nghề nghiệp mà suốt đời họ theo đuổi, cống hiến. Qua hồi ký - tự truyện của các nhà văn, người đọc thấy rõ hơn sự gắn bó máu thịt giữa văn và đời, giữa tác phẩm và sự kinh lịch, nếm trải trên mỗi bước đi của từng đời văn, nghiệp văn.

“Văn tức là người”; “Phong cách tức là người”. Hồi ký - tự truyện của các nhà văn đã mở ra một cách nhìn tham chiếu cần thiết để người đọc và công chúng rộng rãi chia sẻ một cách tường minh, nhân ái và thể tất về những cái được và những điều bất cập của những người cầm bút, những kỹ sư tâm hồn, những con người dấn thân nhưng luôn luôn tự nhắc mình tìm cách đi đúng đường vì đang “vác trên vai mình của quý vô hạn là những gói bạc vàng của tâm hồn con người”, như nhà văn bậc thầy Thạch Lam đã từng nói. (*)

Nguyễn Ngọc Thiện

--------------

* Tiêu đề do báo đặt lại

- Tiêu đề tác giả đặt: NHỮNG NGÀY THƠ ẤU - cuốn hồi ký - tự truyện đặc sắc, mở đầu cho một thể tài của văn học Việt Nam hiện đại

NỔI BẬT TRANG CHỦ