• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những tin tức kinh tế gây chú ý trong tuần qua

Kinh tế 16/09/2018 16:26

(Tổ Quốc) - Lương của người lao động sẽ thay đổi từ 1/11; Cựu giám đốc Vietcombank Hà Nội bị cách các chức vụ trong Đảng… là những tin tức gây chú ý trong tuần qua (10/9-15/9).

WEF ASEAN ở Hà Nội thành công nhất trong 27 năm qua

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: WEF.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trưởng ban tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về  ASEAN (WEF ASEAN), khẳng định Hội nghị đã thành công toàn diện ở tất cả mọi mặt và đây cũng là đánh giá chung của mọi thành viên tham gia diễn đàn.

“Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất”, Thứ trưởng nói tại cuộc họp báo sau lễ bế mạc hội nghị hôm 13/9.

Cụ thể, theo thông tin Việt Nam nhận được từ WEF, hội nghị đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Tới trưa 13/9 đã có 7.890 bài viết đưa tin về hội nghị WEF lần này trong khi đó, hội nghị WEF 2017 chỉ có 2.000 bài viết.

Bên cạnh đó, 7 triệu người đã tham gia tương tác trên mạng xã hội, 13.000 lượt bài viết và bình luận trên Facebook, và 90.000 lượt người xem trực tuyến về các phiên thảo luận khác nhau của WEF.

Chín lãnh đạo các quốc gia khu vực đã đến dự Hội nghị cùng với 1.000 doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả những tập đoàn kinh tế hàng đầu như: Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, Tập đoàn Mc Kinsey&Company, công ty dược phẩm sinh học Shire Ple (Anh)… Có mặt tại Việt Nam lần này còn gồm cả 80 doanh nghiệp start-up thuộc nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe….  

Lương của người lao động sẽ thay đổi từ 1/11

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nghị định 121/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 49/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật Lao động về tiền lương. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11 tới.

Theo đó, DN xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo các nguyên tắc: Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý; Mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của người lao động, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động; Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động biết ít nhất 15 ngày trước khi áp dụng thử. Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện mức. (Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức lao động); Mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn lại, các doanh nghiệp, tổ chức phải xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của DN để theo dõi, kiểm tra theo quy định.

Cựu giám đốc Vietcombank Hà Nội bị cách các chức vụ trong Đảng

Ngày 10-12/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng họp kỳ 29 đã xem xét, thi hành kỷ luật với một số cá nhân, tổ chức vi phạm.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Xuân Luật, Phó trưởng Ban Giám sát Tập đoàn tài chính (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) do những vi phạm nghiêm trọng thời còn giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hà Nội.

"Trong thời gian giữ chức Giám đốc Vietcombank chi nhánh Hà Nội, ông Luật đã thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định trong việc phê duyệt cấp tín dụng và cho doanh nghiệp vay vốn, dẫn đến nợ xấu với số tiền lớn", kết luận của Ủy ban nêu. Vi phạm của ông Luật được Ủy ban Kiểm tra đánh giá là "nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, ngân hàng Vietcombank".

Ông Nguyễn Xuân Luật sinh năm 1962. Ông Nguyễn Xuân Luật được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Giám sát tập đoàn tài chính hồi tháng 12/2017./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ