• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Ninh

Kinh tế 07/12/2023 17:00

(Tổ Quốc) - Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cùng với sự nỗ lực của người dân đã có nhiều chuyển biến và kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

Để đạt được những kết quả quan trọng này, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai đến các đối tượng thụ hưởng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả đã được địa phương khuyến khích phát triển nhân rộng, đặc biệt các mô hình HTX kinh doanh và chế biến, mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi phát huy lợi thế của vùng miền...

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư nên từng bước được cải thiện và nâng cao. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin tuyên truyền được các cấp, ban ngành quan tâm, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Quảng Bình: Ghi nhận sự nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Ninh - Ảnh 1.

Mô hình trồng dưa hấu gối là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao được người dân xã Hàm Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) triển khai trên chính đồng ruộng của mình

Trên thực tế, việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các mô hình giảm nghèo triển khai chậm do vướng mắc về hướng dẫn thực hiện, chưa kích thích được sự tham gia của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Công tác giảm nghèo hàng năm đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn ở mức cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Mặt khác, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiệu quả chưa cao; tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm còn ít, nhất là đối với đối tượng được đào tạo chính quy (cao đẳng, đại học); nguồn lao động dồi dào nhưng số người đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo về mặt chỉ tiêu phấn đấu cơ bản đã đạt nhưng về chất lượng, đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn còn khó khăn, đặc biệt là người dân ở 2 xã Trường Sơn, Trường Xuân.

Sở dĩ có điều này do điều kiện tự nhiên một số nơi còn khó khăn, đặc biệt 2 xã miền núi bị chia cắt bởi hệ thống sông suối và đồi núi dày đặc, đất sản xuất ít, điểm xuất phát thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém, không đồng bộ, thiên tai thường xuyên đe dọa. Trình độ dân trí một số nơi còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực kém cùng với tập quán canh tác và sinh hoạt của người dân chậm được thay đổi, tính năng động, sáng tạo của người dân hạn chế.

Quảng Bình: Ghi nhận sự nỗ lực giảm nghèo bền vững ở huyện Quảng Ninh - Ảnh 2.

Ruộng dưa hấu được trồng trên đất trồng lúa sau mỗi mùa gặt

Có thể nói, mặc dù có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư nhưng chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ nên đã hạn chế đến kết quả đầu tư. Nhiều chương trình dự án trên địa bàn cùng mục tiêu phát triển và giảm nghèo chưa có cơ chế phối hợp, lồng ghép để thực hiện có hiệu quả. Điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế huyện, nguồn thu ngân sách của huyện, xã còn thấp nên nguồn lực tài chính bố trí thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao.

Với mong muốn hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững cần phải có những phương án phối hợp giữa địa phương và các sở ban ngành liên quan đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện.

Theo báo cáo của huyện Quảng Ninh, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 với tỷ lệ nghèo đa chiều: 10,75%. Trong đó tổng số hộ nghèo: 1.489 hộ, tỷ lệ 5,36%; Tổng số hộ cận nghèo: 1.497 hộ, tỷ lệ 5,39%. So với cuối năm 2021: giảm 442 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 1,59%), 479 hộ cận nghèo (tỷ lệ giảm 1,72%). Dự ước cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.164 hộ giảm 325 hộ nghèo (giảm 1,17% so với năm 2022); 1.166 hộ cận nghèo (giảm 1,19% so với năm 2022).

Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả khả quan trong những năm tới trên địa bàn huyện Quảng Ninh./.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ