• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗi niềm thầy thuốc trước nạn côn đồ trong bệnh viện

Thời sự 26/09/2013 08:23

Thời gian qua, không ít trường hợp bác sĩ, nhân viên bệnh viện bị côn đồ, người nhà bệnh nhân chửi bới, gây áp lực, hành hung, tính sổ,... Nhiều người cho rằng, nạn “côn đồ” xảy ra trong bệnh viện gần đây là do mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân đang ngày càng xuống cấp.

Thời gian qua, không ít trường hợp bác sĩ, nhân viên bệnh viện bị côn đồ, người nhà bệnh nhân chửi bới, gây áp lực, hành hung, tính sổ,... Nhiều người cho rằng, nạn “côn đồ” xảy ra trong bệnh viện gần đây là do mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân đang ngày càng xuống cấp.

Phập phồng nỗi lo

Các bác sĩ, nhân viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị nhóm côn đồ tấn công vào rạng sáng 23/9. Đang cấp cứu cho các bệnh nhân thì bất ngờ một đám đông khoảng 30 người cầm gậy gộc, mã tấu kéo vào bệnh viện đòi “tính sổ”, đòi “nợ máu” một bệnh nhân đang điều trị tại đây vì cho rằng bệnh nhân này đã gây ra cái chết cho người nhà của họ.

Sự việc trên khiến các nhân viên y tế bị vạ lây, nhóm “côn đồ” đòi “xử” luôn các nhân viên y tế vì cho rằng họ nhận tiền của bệnh nhân này nên đã bao che.

Qua sự việc trên, nhiều nhân viên y tế mới giật mình, vì ngoài chuyện bị tấn công từ phía người nhà bệnh nhân họ còn có nguy cơ bị “xử” do vạ lây.  

Các bác sĩ bị, y tá áp lực rất lớn trong khi cấp cứu bệnh nhân
Các bác sĩ bị, y tá áp lực rất lớn trong khi cấp cứu bệnh nhân

BS Trương Thế Hiệp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy TP.HCM, chia sẻ, nguy hiểm nghề nghiệp trong ngành y tế là khó tránh khỏi, đặc biệt là tại các khoa cấp cứu. Các Khoa Cấp cứu ở các BV lớn tại TP.HCM là những nơi thường xuyên tiếp nhận những nạn nhân là hậu quả của vụ hành xử nhau ngoài xã hội; những trường hợp tai nạn giao thông mà những nhóm người đưa thân nhân của họ đến BV có sử dụng rượu bia hay chất kích thích trước đó;...

Khoa cấp cứu các BV lớn trên địa bàn TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân
Khoa cấp cứu các BV lớn trên địa bàn TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân "dữ": nạn nhân là hậu quả của vụ hành xử nhau ngoài xã hội, nạn nhân có sử dụng chất kích thích bia/rượu,...

Ngoài sự vạ lây, nhân viên y tế còn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công từ người nhà bệnh nhân vì những sự cố y khoa. Mới đây, BS Phạm Đức Giàu (bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân đâm tử vong tại phòng làm việc vì cho rằng vị BS này đã chậm trễ trong việc cấp cứu; các BS tại Cà Mau, Bạc Liêu bị côn đồ tấn công tại BV;…

Có những thân nhân quá bức xúc, nóng giận vì thái độ của nhân viên y tế như: thờ ơ, vô trách nhiệm, hù dọa bệnh nhân để lấy phong bì,...Tuy nhiên, theo BS Hiệp, việc hành hung xảy ra là trái pháp luật. Các bác sĩ còn nhiều bệnh nhân khác cũng đang được cấp cứu trong bệnh viện, việc hành hung bác sĩ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc và cấp cứu các bệnh nhân khác.

Cứu người, ai cứu mình?

Các vụ hành hung liên tục xảy ra khiến các nhân viên y tế sợ hãi và tự hỏi không biết đến một ngày nào đó sẽ lại đến lượt mình bị hành hung và ai sẽ bảo vệ mình?. Pháp luật có dành cho mình một hành lang pháp lý an toàn hay không? Đơn vị mình công tác có bảo vệ mình hay không?.

Trước nạn “vạ lây”, BS Trương Thế Hiệp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy TP.HCM, chia sẻ: “Hiện nay tại các BV chỉ có đội bảo vệ của BV hoặc các BV hợp đồng với các công ty bảo vệ để đảm bảo an ninh trật tự trong BV; do đó chức năng của lực lượng nầy cũng bị hạn chế, khó có thể khống chế các trường hợp bạo lực như đã xảy ra”.

BS Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, chia sẻ: “Trước nay, các nhân viên y tế phải tự bảo vệ mình trước các sự cố là trước hết. Tuy nhiên, qua sự việc gần đây, BV sẽ phối hợp chặt chẽ với công an phường để thường xuyên tuần tra khu vực xung quanh bệnh viện, phòng trường hợp bất ngờ xảy ra”.

Cứu chữa bệnh nhân nhưng chẳng may bệnh nhân không qua khỏi; bác sĩ dễ bị oán trách, lên án
Cứu chữa bệnh nhân nhưng chẳng may bệnh nhân không qua khỏi; bác sĩ dễ bị oán trách, lên án

Còn việc tìm bác sĩ “tính sổ” vì những sự cố y khoa (mổ nhầm, mổ sót hay tai biến chết người), thái độ phục vụ thờ ơ,...Theo BS Trương Thế Hiệp, tâm lý của thân nhân bệnh nhân là mong muốn cho người thân của họ mau chóng được khỏi bệnh tật, được cứu sống. Giải quyết được điều này thì sẽ tránh được mâu thuẫn giữa thân nhân bệnh nhân và nhân viên y tế.  

Thực tế, những sự cố y khoa trong các cơ sở y tế là không ai mong muốn. Cách xử lý hiện nay khi có sự cố xảy ra, thủ trưởng đơn vị luôn kỷ luật bác sĩ trước để trấn an dư luận mà không cần biết bác sĩ đó hành xử đúng hay sai?

Những sự cố y khoa trong các cơ sở y tế là không ai mong muốn
Những sự cố y khoa trong các cơ sở y tế là không ai mong muốn

Theo TS BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, một cách để cải thiện chất lượng điều trị và ngăn chặn sai sót y khoa là cần có giải pháp loại bỏ “văn hoá buộc tội” ra khỏi các cơ sở y tế; xây dựng một môi trường tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau và khuyến khích mọi nhân viên y tế cùng tham gia xây dựng “văn hoá an toàn bệnh nhân”. Một khi còn tồn tại văn hóa buộc tội trong cơ sở y tế sẽ tạo ra tâm lý che giấu sai sót, ngại báo cáo sai sót và điều này có thể khiến cho sự cố có thể lặp lại ở một cá nhân khác hoặc một khoa khác.

Để mối quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân không trở nên quá căng thẳng; tốt nhất bệnh nhân, thân nhân và thầy thuốc cần nói chuyện thẳng thắn với nhau với niềm cảm thông cho nhau và hãy để cho pháp luật xử những người thầy thuốc vô trách nhiệm, thiếu lương tâm nghề nghiệp. Hành xử kiểu côn đồ càng làm cho mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân và thân nhân thêm căng thẳng.

Theo Đất Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ