• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nóng” Trung Đông, Mỹ chính thức rời UNESCO… lần hai?

Thế giới 12/10/2017 16:37

(Tổ Quốc) - Foreign Policy tiết lộ, Mỹ sẽ sớm công bố quyết định rời khỏi UNESCO và nguyên nhân được cho là có liên quan tới Israel.  

Tờ Foreign Policy đưa tin, nước Mỹ đang có kế hoạch chính thức rút khỏi tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Động thái này nhằm thế hiện sự phản đối trước thái độ vẫn bị Mỹ coi “bài Israel” của UNESCO, đồng thời giúp Washington “tiết kiệm tiền”.

Quyết định, dự kiến sẽ được công bố vào tuần sau, một lần nữa đánh dấu mối quan hệ ngày càng xa cách của Mỹ với UNESCO - tổ chức mà chính nước này đã “góp tay” thành lập sau Thế chiến thứ Hai, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục, và đảm bảo tính tự do của ý tưởng sáng tạo. Theo kế hoạch, nước Mỹ sẽ chỉ duy trì sự hiện diện tại UNESCO trong vai trò một quan sát viên.

Foreign Policy tiết lộ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thông qua quyết định này từ nhiều tuần trước. Trong một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng Chín vừa rồi, ông Tillerson cũng từng đề cập đến việc Washington có dự định rời khỏi UNESCO.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Bộ Ngoại giao Mỹ muốn trì hoãn kế hoạch trên cho đến sau khi UNESCO lựa chọn được Giám đốc mới trong tuần này. Trong cuộc gặp gỡ được nhắc đến ở trên, ông Macron đã tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Trump với ứng cử viên người Pháp cho vị trí Giám đốc UNESCO - cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Audrey Azoulay.

“Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ quyết định ở lại UNESCO,” Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc  Francois Delattre phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (11/10). “… Chúng tôi nghĩ rằng nước Mỹ phải luôn cam kết với các vấn đề toàn cầu.”

Năm 1984, trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc Chiến tranh Lạnh, chính quyền Reagan cũng từng đưa nước Mỹ ra khỏi UNESCO. Năm 2002, dưới thời Tổng thống George W.Bush, nước Mỹ quyết định tái gia nhập tổ chức này với lý do UNESCO đã xóa bỏ được những thành kiến “hung hiểm nhất” chống lại phương Tây và Israel.

Tuy nhiên, 6 năm trước, Washington lại cắt giảm hơn 80 triệu USD – tương đương với 22% tổng ngân sách của nước này giành cho UNESCO, nhằm đáp trả lại việc tổ chức này công nhận Palestine là một thành viên. Chính quyền Obama tuyên bố, lý do cắt bỏ khoản tiền trên là do theo một đạo luật có từ những năm 1990, Mỹ bị cấm tài trợ cho bất kỳ tổ chức nào công nhận Palestine là một quốc gia.

Mặc dù vậy, nước Mỹ vẫn là một thành viên của UNESCO, thậm chí còn có một chân trong ban điều hành – cơ quan có thẩm quyền chọn lựa giám đốc mới. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục phải chịu mức phí đóng góp 10 triệu USD hàng năm, đồng thời lại mất quyền bỏ phiếu trong Đại hội đồng của UNESCO. Việc cắt giảm ngân sách giành cho UNESCO đã khiến khoản nợ của Mỹ với Liên hợp quốc gia tăng hàng năm. Và rõ ràng, Ngoại trưởng Tillerson đang tìm cách hạn chế điều này.

Tuy nhiên, sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. Năm ngoái, Israel đã triệu hồi đại sứ của mình tại UNESCO, nhằm phản đối việc các chính phủ Arab tại đây ủng hộ cho một nghị quyết nhằm bác bỏ chính sách của Israel liên quan đến các khu vực tôn giáo tại Đông Jerusalem và Bờ Tây.

Hồi tháng Bảy, UNESCO cũng tuyên bố khu vực phố cổ tại Hebron - một thành phố ở Bờ Tây, nơi có khu mộ tổ tiên của người Israel – là một Di sản thế giới của Palestine. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Israel.

(Theo Foreign Policy)  

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ